Hiệu quả từ mô hình tỉa thưa rừng chuyển hóa gỗ nhỏ sang gỗ lớn ở Chợ Đồn
Việc tỉa thưa rừng trồng để chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh trồng rừng gỗ lớn sẽ góp phần nâng cao chất lượng gỗ rừng, gia tăng giá trị kinh tế cho người dân. Huyện Chợ Đồn đang triển khai mô hình này, bước đầu thu được những kết quả tích cực.
Đầu năm 2024, huyện Chợ Đồn triển khai thí điểm mô hình tỉa thưa rừng trồng để chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn tại xã Bằng Lãng, quy mô 5ha tại 3 hộ dân thôn Khuổi Tặc. Để khuyến khích người dân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện- đơn vị được giao chủ trì phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn về kỹ thuật, cách tỉa thưa, phát quang và chăm sóc sau tỉa thưa. Sau gần 1 năm thực hiện, các hộ đã biết áp dụng kỹ thuật tỉa thưa vào diện tích rừng trồng của gia đình, đảm bảo về khoảng cách, mật độ hàng cách hàng, cây cách cây, giúp cây có không gian sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Nghiêm Đình Hoạt ở thôn Khuổi Tặc, xã Bằng Lãng là một trong những hộ tham gia mô hình tỉa thưa rừng trồng với diện tích 3ha, trước đây rừng mỡ trên 10 năm tuổi của gia đình ông mật độ khá dày, cây to, nhỏ xen kẽ nhau. Từ khi được hướng dẫn cách tỉa thưa, những vị trí trồng dày cây hoặc có cây nhỏ đã được tỉa bớt, đảm bảo khoảng cách giữa các cây với nhau. Ông Hoạt cho biết đã tiến hành tỉa thưa 1 lần, số cây tỉa đã bán được vài chục triệu đồng, diện tích còn lại một vài năm tới sẽ tiếp tục khai thác.
Tham gia mô hình với quy mô 1ha, chị Nông Thị Thảo ở thôn Khuổi Tặc, xã Bằng Lãng nhận thấy việc tỉa thưa rừng trồng là rất cần thiết, phù hợp, đặc biệt là với những hộ có diện tích rừng trồng lớn như gia đình. Chị Thảo cho biết: "Nhiều cây trồng quá gần nhau khi lên cao, các tán, cành xô, đan vào nhau làm cây phải cạnh tranh nhau chất dinh dưỡng, không đủ không gian phát triển, vì thế khi được hướng dẫn tỉa thưa rừng trồng, tôi đã làm theo và bước đầu thấy có hiệu quả".
Với diện tích rừng trồng tương đối lớn (hơn 18.000ha), huyện Chợ Đồn đề ra mục tiêu thực hiện 300ha tỉa thưa rừng trồng để chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn. Để làm được như vậy, huyện đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về mục đích, hiệu quả và kỹ thuật tỉa thưa, vệ sinh chăm sóc sau tỉa thưa, bảo vệ rừng trồng, từng bước cải thiện chất lượng gỗ rừng trồng tại địa phương.
Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật tỉa thưa rừng trồng và làm giàu từ rừng
Đối với cây keo
- Mật độ từ 1.100 đến dưới 1.300 cây/ha:
+ Tỉa thưa 01 lần vào tuổi 05 đến tuổi 06, mật độ để lại từ 600 đến 700 cây/ha.
- Mật độ trên 1.300 đến 1.700 cây/ha:
+Tỉa thưa 02 lần, trong đó lần 1 tỉa thưa vào tuổi 04 đến tuổi 05, mật độ để lại 800 đến 1.000 cây/ha. Lần 02, tỉa thưa vào tuổi 07 đến tuổi 08, mật độ để lại 550 đến 650 cây/ha.
- Mật độ trên 1.700 đến 2.200 cây/ha: tỉa thưa 03 lần, trong đó, lần 01, tỉa thưa vào từ tuổi 03 đến tuổi 04, mật độ để lại từ 1.200 đến 1.400 cây/ha. Lần 02, tỉa thưa vào tuổi 06 đến tuổi 07, mật độ để lại từ 900 đến 1.000 cây/ha. Lần 03, tỉa thưa vào tuổi 08 đến tuổi 09, mật độ để lại từ 550 đến 650 cây/ha.
Đối với rừng mỡ kinh doanh gỗ giấy: Tỉa thưa 2 lần:
+ Lần 1: Khi rừng từ 4 đến 5 tuổi, mật độ rừng để lại sau khi tỉa thưa 1.250 cây/ha.
+ Lần 2: Khi rừng từ 8 đến 9 tuổi, mật độ rừng để lại sau khi tỉa thưa 838 cây/ha.
Rừng mỡ kinh doanh gỗ lớn: Tỉa thưa 3 lần:
+ Lần 1: Khi rừng từ 4 đến 5 tuổi, mật độ rừng để lại sau khi tỉa thưa 1.250 cây/ha
+ Lần 2: Khi rừng từ 8 đến 9 tuổi, mật độ rừng để lại sau khi tỉa thưa 625 cây/ha.
+ Lần 3: Khi rừng từ 13 đến 15 tuổi, mật độ rừng để lại sau khi tỉa thưa 400 cây/ha.