Hà Nội có 831 cán bộ, công chức, người không chuyên trách cấp xã dôi dư

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố, có 831 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư.

Ngày 1/1/2025, Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực thi hành. Tại Hà Nội, 56 đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp đã chính thức đi vào hoạt động.

Ông Phùng Văn Vinh, công chức địa chính xã Lam Sơn (huyện Thạch Thất) cho biết, xã Lam Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Canh Nậu và Dị Nậu (huyện Thạch Thất).

Từ ngày 1/1/2025 theo quy định là nghỉ Tết Dương lịch, tuy nhiên cán bộ, công chức của xã đã chuẩn trang thiết bị, giấy tờ sổ sách để ổn định tổ chức bộ máy, bảo đảm thông suốt, không làm gián đoạn các hoạt động hành chính. “Sau khi sáp nhập, áp lực công việc chắc chắn nhiều hơn”, ông Vinh chia sẻ.

 Trụ sở phường Hạ Đình mới (quận Thanh Xuân), trước đây là trụ sở phường Kim Giang.

Trụ sở phường Hạ Đình mới (quận Thanh Xuân), trước đây là trụ sở phường Kim Giang.

Ông Đỗ Ngọc Quang - Chủ tịch UBND xã Lam Sơn cho biết, ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025, HĐND xã Lam Sơn đã tiến hành họp kỳ thứ nhất để bầu ra bộ máy lãnh đạo xã. Đồng thời, triển khai các giải pháp bảo đảm việc vận hành bộ máy mới của Đảng bộ, chính quyền địa phương, đặc biệt là bảo đảm đời sống của người dân trên địa bàn.

"Sau khi sáp nhập, xã Lam Sơn có gần 25.000 dân. Chắc chắn, áp lực về công việc tuy lớn, nhưng cũng là nguồn lực và địa phương sẽ vận dụng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Quang chia sẻ.

Theo Nghị quyết số 1286, quận Thanh Xuân có 4 phường sắp xếp thành 2 đơn vị hành chính mới. Đó là phường Hạ Đình sáp nhập với phường Kim Giang thành phường Hạ Đình mới. Phường Thanh Xuân Nam sáp nhập với phường Thanh Xuân Bắc thành phường Thanh Xuân Bắc mới.

Sau khi đi vào hoạt động, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ các phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy theo thẩm quyền, bảo đảm bộ máy vận hành hiệu quả ngay từ đầu những ngày thành lập; khẩn trương xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các phường đang triển khai phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường phù hợp với năng lực, trình độ và vị trí việc làm. Lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị duy trì hoạt động liên tục, không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân và không ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân trên địa bàn...

Ghi nhận tại bộ phận một cửa UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) cho thấy, trong 2 ngày làm việc đầu tiên sau sáp nhập, cơ bản công tác xử lý thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa được thực hiện nhanh gọn.

Ông Bùi Việt Nga - Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình cho biết, phường Hạ Đình mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của phường Hạ Đình và phường Kim Giang (quận Thanh Xuân). Tổng dân số của phường Hạ Đình mới khoảng 36.000 người (phường Hạ Đình cũ khoảng 17.000 người).

 Công dân thực hiện thủ tục hành chính tại phường Hạ Đình.

Công dân thực hiện thủ tục hành chính tại phường Hạ Đình.

Theo ông Nga, hiện nay phường mới có diện tích, dân số tăng gấp đôi so với trước. Trong khi đó, 5 năm sau sắp xếp, số lượng cán bộ công chức sẽ giảm dần, đến năm 2029, tối đa sẽ là 15 biên chế. Như thế, chắc chắn áp lực công việc sẽ tăng gấp đôi so với trước đây.

“Sau khi sáp nhập, nhiều cán bộ phải làm quen lại với công việc, địa bàn mới. Dù cán bộ, công chức của phường đã quen với công việc, nhưng cũng phải sau một thời gian mới đi vào quỹ đạo bình thường”, ông Nga chia sẻ.

Ông Nga cũng cho biết, thời gian qua phường đã chỉ đạo các tổ dân phố đã thông báo, phổ biến đến từng người dân về việc các giấy tờ mang tên phường cũ vẫn được sử dụng bình thường đến khi người dân cần thay đổi. Các tổ dân phố cũng hướng dẫn người dân khi thực hiện TTHC tại điểm mới là trụ sở của phường Kim Giang trước đây.

Ngoài các địa phương trên, tại các đơn vị hành chính mới thuộc các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Quốc Oai, Cầu Giấy... đều đã ổn định bộ máy, công dân đến thực hiện TTHC được hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, một số cán bộ tại các xã sắp xếp hiện vẫn đang chờ phân công, điều chuyển công tác. Lãnh đạo một xã tại huyện Quốc Oai cho biết, do không nằm trong BCH Đảng bộ đơn vị hành chính mới nên bản thân ông vẫn đang "chờ" cấp trên phân công, điều chuyển.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố, có 831 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư.

Thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để đến năm 2029 (sau 5 năm) giải quyết dứt điểm số cán bộ dôi dư. Trong đó, năm 2024 giải quyết cho 448 người, năm 2025 là 207 người, năm 2026 là 110 người, năm 2027 là 36 người, năm 2028 là 21 người, năm 2029 giải quyết 9 người.

Các địa phương sẽ dựa trên năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư để xem xét tuyển dụng, điều động. Ngoài ra, có thể luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của cấp xã, cấp huyện và ở các địa phương khác trong thành phố.

Với cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng thành phố sẽ tạo điều kiện cho nghỉ chế độ theo quy định pháp luật.

Ngoài các cơ chế, chính sách chung, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Ngoài những cán bộ công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân thì sẽ nhập nguyên trạng số lượng cán bộ công chức của hai bên và sẽ giải quyết từng bước theo lộ trình sau 5 năm từ khi quyết định hợp nhất có hiệu lực.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-co-831-can-bo-cong-chuc-nguoi-khong-chuyen-trach-cap-xa-doi-du-post1706467.tpo
Zalo