Dệt may tìm cơ hội dưới áp lực chính sách thuế của Mỹ
Áp lực từ bên ngoài đang tạo ra 'cú hích' cần thiết để doanh nghiệp Việt nói chung, ngành dệt may nói riêng rời vùng an toàn, hướng tới một nền sản xuất thông minh, bền vững và chủ động hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngành dệt may đang đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro
Đa dạng hóa thị trường
Dù tạm thở phào khi Mỹ hoãn áp thuế 46% đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp dệt may cũng nhận thức rõ về rủi ro vẫn tồn tại để tìm kiếm thị trường mới và tăng hiệu quả sản xuất.
Ghi nhận tại Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, trong quý I/2025, doanh nghiệp tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, lần lượt là 8% và 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần hơn 4.525 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận ròng không thay đổi nhiều, ở mức gần 279 tỷ đồng.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Thành Công cho hay, thị trường Mỹ hiện chiếm 30% doanh thu xuất khẩu của Thành Công. So với các đơn vị khác, Thành Công có tỷ trọng thấp hơn, nên chịu ít tác động liên quan đến chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, trong năm nay, doanh nghiệp sẽ tập trung mở rộng thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, EU để đạt mục tiêu đề ra.
Mức thuế tăng không đơn thuần chỉ là bài toán chi phí, mà còn là tín hiệu cảnh báo về tính bền vững trong cấu trúc thị trường xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Sự phụ thuộc lớn vào một vài thị trường chủ lực khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương trước biến động địa chính trị và thay đổi chính sách từ bên ngoài.
Vấn đề lớn nhất vẫn là nguồn gốc xuất xứ. Các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt hơn nguồn gốc nguyên liệu, nếu tỷ lệ nội địa hóa cao thì có thể được hưởng mức thuế thấp hơn.
Do đó, ngoài việc tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình quản trị và sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may còn tích cực chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Dony, ông Phạm Quang Anh thông tin, năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ chiếm 40% sản lượng hàng hóa. Nhưng hiện tỷ lệ này giảm còn khoảng 20% khi Dony liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường sang Canada, Đức, Nga, Trung Đông và các nước Đông Nam Á, châu Phi.
“Hiện nay, ở Trung Đông, Dony đã xuất khẩu được những lô hàng lớn với đơn giá tốt hơn. Trong năm 2024, đơn hàng đầu tiên mà doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Phi đạt 110.000 sản phẩm. Còn tại một vài thị trường Đông Nam Á, đơn hàng đồng phục của chúng tôi đang được xuất khẩu đều. Thị trường Nga vẫn rất tiềm năng để tiếp tục mở rộng trong thời gian tới”, ông Quang Anh chia sẻ.
Theo ông Quang Anh, quan niệm thị trường Mỹ lớn, các thị trường khác nhỏ chưa hẳn đúng với Dony trong bối cảnh hiện nay. Mỗi thị trường đều có những phân khúc riêng.
“Việc tìm kiếm thị trường mới đòi hỏi phải đầu tư cho khâu tiếp thị, truyền thông, bán hàng. Thị trường mới cũng có nhiều rào cản vô hình như khác biệt về văn hóa, chính trị, khó khăn trong xây dựng niềm tin với đối tác mới, chi phí bán hàng cao… Nhưng nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, có thể đem đến rủi ro rất lớn. Vì vậy, việc mở rộng thị trường không chỉ là bài toán tăng đầu ra, mà còn nhằm phân tán rủi ro địa chính trị”, ông Quang Anh nói thêm.
Tái cấu trúc chuỗi giá trị
Không chỉ dịch chuyển thị trường, trong dài hạn, chiến lược cạnh tranh không còn nằm ở chi phí lao động thấp, mà ở năng lực thiết kế, kiểm soát chất lượng, khả năng giao hàng linh hoạt và sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư mạnh vào công nghệ như tự động hóa, số hóa đơn hàng, thiết kế 3D… cũng như các tiêu chuẩn ESG - yếu tố được các nhà bán lẻ tại châu Âu và Mỹ đưa vào điều kiện tiên quyết trong hợp đồng mua hàng.
Song, vấn đề lớn nhất vẫn là nguồn gốc xuất xứ. Theo ông Trần Như Tùng, hiện Thành Công có sự khác biệt khi chỉ nhập bông về để sản xuất sợi, nên gần như tự chủ được nguồn nguyên liệu.
“Các doanh nghiệp khác cần kiểm soát chặt hơn nguồn gốc, nếu tỷ lệ nội địa hóa cao thì có thể được hưởng mức thuế thấp hơn”, ông Tùng khuyến cáo.
Cũng theo ông Tùng, hiện nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp từ Việt Nam đang tăng lên, khi nhiều đối tác quốc tế lo ngại nguồn hàng Trung Quốc bị áp thuế cao. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Bản thân Thành Công đang tập trung phát triển sản phẩm giá trị cao hơn, chuyển đổi số nhanh hơn bằng cách sử dụng công nghệ mới, AI. Nhờ vậy, Thành Công nhận được đơn hàng đến hết quý II và một số đơn hàng trong quý III/2025. Không chỉ nhận đơn hàng gia công, doanh nghiệp còn phát triển mẫu mã và kiểm soát quy trình sản xuất khép kín. Đây là hướng đi đắt đỏ và nhiều rủi ro, nhưng là chìa khóa để thoát khỏi “vòng luẩn quẩn” của gia công giá rẻ.
Có thể nói, trong dài hạn, sức bật của ngành dệt may phụ thuộc vào khả năng tái định vị chuỗi giá trị, tăng cường nội lực và thích ứng linh hoạt với thay đổi chính sách từ các thị trường lớn. Sự chủ động hôm nay sẽ là yếu tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của ngành trong giai đoạn tới.
Ở khía cạnh khác, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM cho rằng, hiện ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu hơn 40% nguyên liệu từ Trung Quốc, chỉ khoảng 15-20% doanh nghiệp đủ khả năng truy xuất nguồn gốc, phần lớn còn lại rất dễ bị quy là “né thuế”.
Để xoay chuyển chuỗi cung ứng, theo ông Việt, rất cần sự hỗ trợ từ chính sách vĩ mô. “Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của Nhà nước và hiệp hội ngành hàng trở nên then chốt, từ việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư công nghệ, đến đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng ngoài Mỹ”, ông Việt kiến nghị.