Giảm thuế giá trị gia tăng, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa

Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài hết năm 2026, vừa hỗ trợ cho đơn vị sản xuất, vừa kích thích tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư về giải pháp kích cầu thị trường nội địa trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng hiện nay.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng thì giá bán hàng hóa sẽ giảm theo. Ảnh minh họa

Việc giảm thuế giá trị gia tăng thì giá bán hàng hóa sẽ giảm theo. Ảnh minh họa

PV: Hiện nay có nhiều giải pháp đặt ra để phát triển thị trường nội địa và kích cầu tiêu dùng. Theo bà, việc đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài hết năm 2026 sẽ có tác động như thế nào đến việc kích cầu tiêu dùng?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Một trong những gói giải pháp về thuế hiệu quả nhất là giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Vì sao lại như vậy? Bởi vì thuế giá trị gia tăng nằm trong giá bán của sản phẩm và bây giờ giảm 2% có nghĩa là giá bán sản phẩm, giá mua nguyên vật liệu tương ứng đều giảm 2%. Rõ ràng, khi giảm thuế thì giá bán nguyên vật liệu cũng giảm theo.

Hộ kinh doanh có doanh thu 1 tỷ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử

Tại Nghị định số 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/6/2025 quy định việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả hộ và cá nhân kinh doanh. Điểm mới đáng chú ý là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế.

Lần này, Quốc hội đưa ra giải pháp rất rộng và sâu, đó là thời gian giảm thuế không phải trình từng lần là 6 tháng, 1 năm mà cho áp dụng luôn 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Hơn thế nữa, cùng với thời gian giảm thuế được kéo dài, đối tượng giảm thuế 2% cũng được mở rộng. Ví dụ, những mặt hàng như điện tử, công nghệ thông tin, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, kinh doanh thương mại xăng, dầu… trước đó không được giảm 2% nhưng lần này cũng đưa vào diện giảm 2%.

Như vậy, khi tác động trực tiếp đến việc giảm giá nguyên liệu đầu vào thì sẽ tác động đến việc giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, đồng thời kích cầu tiêu dùng. Từ đó, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép là vừa giảm thiểu khó khăn cho đơn vị sản xuất, vừa đảm bảo tăng trưởng tiêu dùng - đây là một biện pháp rất hữu ích và có hiệu quả rất cao.

PV:Mặc dù đã có giải pháp kích cầu tiêu dùng, nhưng doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất kinh doanh do bối cảnh xuất khẩu đang bất ổn. Theo bà, cần có giải pháp gì để có thể hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước và xuất khẩu?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất có một số vấn đề liên quan đến thuế đối ứng của Hoa Kỳ, tôi nghĩ những gì thuộc về khách quan thì chúng ta cố gắng để đàm phán nhưng những vấn đề trong nước có thể giải quyết được thì chúng ta cố gắng giải quyết.

Đó là, bên cạnh việc giảm thuế giá trị gia tăng, Chính phủ tiếp tục giảm thuế, chi phí khác như giảm tiền thuê đất, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ cá nhân kinh doanh. Việc giãn, gia hạn tiền thuế, phí phải nộp sẽ giúp doanh nghiệp sử dụng tiền thuế chưa phải nộp vào mục đích sản xuất kinh doanh, từ đó giảm thiểu chi phí lãi vay.

Bên cạnh chính sách thuế, các thủ tục hành chính về thuế như hoàn thuế, nộp thuế, quyết toán thuế cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cơ quan thuế đang tiến hành rà soát lại từ 219 thủ tục hành chính thuế để cắt 97 thủ tục, còn lại 122 thủ tục. Trong 122 thủ tục này, cơ quan thuế còn tiếp tục đơn giản hóa 30 thủ tục nữa, nhằm giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong vấn đề quản lý rủi ro, hoàn thuế, quyết toán thuế, khai thuế. Ví dụ, trong quyết toán thuế thu nhập cá nhân của năm 2024 thì cơ quan thuế đã thiết kế phần mềm eTax Mobile. Theo đó, người nộp thuế sẽ có đầy đủ thông tin về số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, số thuế đã nộp, số thuế được hoàn hoặc phải nộp thêm… để quyết toán dễ dàng, thuận lợi.

Như vậy, để chính sách thuế phát huy hiệu quả, cần phải kết hợp chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính, đồng thời đi kèm với các giải pháp hỗ trợ khác như đảm bảo nguồn nguyên liệu, tín dụng,... Với tất cả các biện pháp này, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp sẽ đạt mục tiêu, vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển.

PV: Hiện nay đang có đề xuất sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ xuống còn 15%. Quan điểm của bà như thế nào về đề xuất này?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Đề xuất này rất hay. Hội Tư vấn thuế Việt Nam vừa cùng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó hầu hết các doanh nghiệp đồng thuận với việc phải giảm thuế thu nhập đối với các hộ cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.

Cụ thể, nếu như đang là các hộ cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp thì sẽ được miễn thuế thu nhập 2 năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ có doanh thu đến 3 tỷ đồng thì nộp thuế thu nhập ở mức 15%, còn doanh nghiệp có thu nhập trên 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng thì mức nộp thuế thu nhập là 17%, trong lúc đó thuế suất cơ bản là 20%.

Ngoài ra, cần tăng cường biện pháp quản lý thuế đối với các hộ cá nhân kinh doanh. Ngoài việc đối với các hộ cá nhân kinh doanh đang áp dụng chế độ khoán có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên thì từ 1/6/2025 phải xuất hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền, đồng thời cần phải có những quy định về chính sách thuế đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa hộ cá nhân kinh doanh với doanh nghiệp.

Theo đó, đối với các hộ mang tính chất dân sinh có doanh thu từ trên 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì áp dụng thuế khoán theo tỷ lệ trên doanh thu, còn đối với các hộ có doanh thu trên 1 tỷ đồng, phải nộp thuế tương đương với các doanh nghiệp. Điều này khuyến khích hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như trên.

PV: Xin cảm ơn bà!

Mở rộng ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng

Theo Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đánh giá tác động của chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam. Đồng thời, khẩn trương xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài khóa đối với doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 4/2025.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, kêu gọi các ngân hàng khẩn trương chung tay xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn. Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ bị tác động bởi chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ…

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-thue-gia-tri-gia-tang-gop-phan-kich-cau-tieu-dung-noi-dia-175459-175459.html
Zalo