Hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư ở Đà Nẵng
Với những nỗ lực không ngừng, nhiều doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước đã đánh giá cao môi trường và tiềm năng đầu tư tại TP. Đà Nẵng. Điều này là cơ sở quan trọng giúp thu hút ngày càng nhiều nguồn lực đầu tư từ trong và ngoài nước…
Ấn tượng thu hút đầu tư
Năm 2024 vừa qua là năm TP. Đà Nẵng thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Bởi vậy, trong năm qua, hoạt động thu hút đầu tư tại địa phương diễn ra khá sôi động, hàng loạt dự án được triển khai xây dựng.
Trên thực tế, việc thu hút đầu tư giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các địa phương trong cả nước. TP. Đà Nẵng cũng đặc biệt quan tâm đến việc khơi thông nguồn lực đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Nhờ đó, tình hình kinh tế thành phố thời gian qua có nhiều điểm sáng, khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Trung.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong năm 2024, TP. Đà Nẵng đã thu hút được 243,4 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm, tăng 33,2% so với năm 2023. Trong đó, có 71 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 233,6 triệu USD (cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 182,7 triệu USD); 26 dự án đã điều chỉnh tăng/giảm vốn với tổng vốn tăng thêm 7,9 triệu USD.
Đáng chú ý, tháng 11/2024, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA III do Công ty TNHH Dentium (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư là 177 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký của các dự án FDI vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng lên hơn 875 triệu USD với 13 dự án.
Bên cạnh đó, một số dự án lớn của các doanh nghiệp như, Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam, Công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam... cũng đã được đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, đối với thu hút đầu tư trong nước, trong năm qua Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký mới đạt 73.348 tỷ đồng; tuy giảm 6 dự án nhưng tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng 56,5% so với năm 2023.
Để thu hút đầu tư, TP. Đà Nẵng đã triển khai nhiều cơ chế và chính sách đặc thù. Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền địa phương và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng. Trong đó, các chính sách đặc biệt như cơ chế khu thương mại tự do, thu hút nhà đầu tư chiến lược, kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm như, logistics, phát triển công nghệ vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông và đổi mới sáng tạo... Đặc biệt, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được xác định là một trong ba khu công nghệ cao của cả nước và là duy nhất tại miền Trung. Đây là hạ tầng quan trọng giúp định vị Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư
Trong năm qua, Đà Nẵng cũng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào địa phương, đặc biệt là vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin. Tại các khu vực này, thành phố ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số để đón đầu dòng vốn đầu tư FDI chuyển dịch sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố cũng diễn ra sôi động với nhiều chuyến xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2024 đánh dấu một năm sôi động trong hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, với nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó, lãnh đạo thành phố và các ban, ngành đã thực hiện nhiều chuyến công tác đến các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều buổi gắp gỡ và làm việc với doanh nghiệp trong khuôn khổ các chuyến xúc tiến đầu tư tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc… Các buổi tọa đàm và hội nghị như “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024”, hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế, hay hội nghị xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương ICT Đà Nẵng - Daegu đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, trong thời gian qua, đơn vị đã tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiếm các đối tác lớn. Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư vào thành phố vẫn còn gặp những khó khăn, đặc biệt đối với các dự án ngoài khu công nghiệp do quỹ đất gần như không còn…
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư, bao gồm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư hiện hữu và mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, và tăng cường kết nối các nguồn lực quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững… Với những nỗ lực không ngừng, nhiều doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước đã đánh giá cao môi trường và tiềm năng đầu tư tại Đà Nẵng. Điều này là cơ sở quan trọng giúp thu hút ngày càng nhiều nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần đưa thành phố phát triển bền vững trong thời gian tới.