Bài 1: Ngân sách chi cho khoa học và công nghệ 'nhỏ giọt'

Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm. Tuy nhiên, mức đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa tương xứng, chưa đạt tới ngưỡng cần và đủ.

Chi khoa học công nghệ chưa đạt 2%

Trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ, góp phần huy động nguồn lực cho hoạt động khoa học, công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế…

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc thực hiện chính sách về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN đang gặp nhiều bất cập. Cụ thể, phân bổ vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN còn chồng chéo, dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo Chiến lược phát triển KH&CN theo từng giai đoạn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức KH&CN, nhất là các tổ chức sự nghiệp KH&CN công lập chưa phù hợp dẫn đến các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong quyền tự chủ về kế hoạch, tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế để phát huy tính năng động, sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Quy định về xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay dù đã đổi mới nhưng chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN về tính mới, tính đột xuất, độ trễ và tính rủi ro trong nghiên cứu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng khoa học.

Đáng chú ý, khoản chi cho khoa học công nghệ còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Bộ Tài chính cho biết năm 2023 tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%; năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%, trong khi năm 2017 tỷ lệ này là 1,18%.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, theo số liệu tổng hợp báo cáo từ các địa phương, tổng ngân sách sự nghiệp chi cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 – 2020 là 10.627,7 tỷ đồng. Thống kê theo từng vùng cho thấy, cao nhất là vùng Đông Nam Bộ 6.544,9 tỷ đồng (chiếm 61,58%), tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng là 1.559,5 tỷ đồng (chiếm 14,67%), thấp nhất là vùng Nam Trung Bộ 177,7 tỷ đồng (chiếm 1,67%).

Báo cáo mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, năm 2024, ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho hoạt động KH&CN (chưa tính kinh phí dành cho an ninh - quốc phòng, chi dự phòng, chi đầu tư phát triển dành cho KH&CN từ nguồn ngân sách địa phương) là 10.912 tỷ đồng, trong đó kinh phí sự nghiệp KH&CN trung ương: 7.480 tỷ đồng (chiếm 68,55%, thấp hơn so với năm 2023 là 1.320 tỷ đồng); kinh phí sự nghiệp KH&CN địa phương: 3.432 tỷ đồng (chiếm 31,45%, cao hơn so với năm 2023 là 141 tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ đang giảm dần. Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Bộ Chính trị đều quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là con số chi đáng báo động mà nguyên nhân từ các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ, chưa có những đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn. “Đến nay, có cả những địa phương không bố trí vốn hoặc rất thấp cho phát triển khoa học và công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Khả năng hấp thụ vốn cho khoa học và công nghệ còn kém

Tại kết quả Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ giai đoạn 2020-2022 của Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, bất cập nổi cộm là kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho khoa học và công nghệ (KH&CN) trong những năm qua chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 2% tổng chi NSNN theo yêu cầu của Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, Luật KH&CN và đạt tỷ lệ rất thấp so với GDP.

Kết quả kiểm toán ghi nhận, dự toán chi NSNN bố trí cho KH&CN trung bình giai đoạn 2020-2022 là 17.494 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,01% tổng chi NSNN, đạt 0,2% GDP.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Một bất cập lớn nữa là việc xác định mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa phù hợp. Đến năm 2025, nếu tổng chi quốc gia cho KH&CN đạt 0,8% - 1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60% - 65%, thì tổng đầu tư cho KH&CN phải đạt từ 2% -2,8% GDP, không phải là 1,2% - 1,5% GDP như Chiến lược đề ra.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, mức đầu tư cho KH&CN của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tổng chi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) bình quân của thế giới năm 2021 so với GDP là 1,93%; các nước Đông Nam Á là 1,07%; một số quốc gia châu Á có mức chi cho KH&CN cao so với mức trung bình của thế giới là Hàn Quốc 4,92% (đứng thứ 2 thế giới); Nhật Bản 3,2%; Trung Quốc 2,4%.

Mặc dù mức đầu tư cho KH&CN còn thấp so với yêu cầu, chưa đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định, nhưng thực tế lại cho thấy khả năng hấp thụ vốn đầu tư của ngành KH&CN chưa tương xứng. Kết quả kiểm toán chỉ rõ, hàng năm số hủy dự toán, số nộp trả NSNN, chuyển nguồn ngân sách sang năm sau lớn.

Đơn cử, trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kinh phí chuyển nguồn bình quân giai đoạn 2020-2022 chiếm tỷ trọng 36,3% (4.350,4 tỷ đồng/11.989,7 tỷ đồng) so với dự toán, trong đó chủ yếu là của các nhiệm vụ dừng, không hoàn thành hoặc hết thời gian thực hiện. Thế nhưng, thực tế còn có một số nội dung nghiên cứu giống nhau giữa các đề tài, dự án mà chưa có tính kế thừa phần nào gây lãng phí nguồn lực NSNN vốn đã rất hạn hẹp dành cho nghiên cứu khoa học.

Bài 2: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Có tiền không tiêu được

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bai-1-ngan-sach-chi-cho-khoa-hoc-va-cong-nghe-nho-giot-d55842.html
Zalo