Hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền là mục tiêu cao nhất
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 13/2, các đại biểu thảo luận tại tổ về các dự án: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
![Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong Phiên thảo luận ở tổ tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_59_51473485/6a83e689d7c73e9967d6.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong Phiên thảo luận ở tổ tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
Các đại biểu thống nhất cho rằng sự hài lòng của người dân và tăng trưởng kinh tế là thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của Chính phủ, cấp chính quyền, đồng thời là mục tiêu cao nhất, là đích đến khi sửa đổi các luật này. Thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu đồng tình cao với quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền, bởi đây là cơ chế giải quyết nút thắt hiện nay. Nếu không phân cấp, phân quyền sẽ gây khó khăn cho cơ quan thực thi cấp dưới. Luật không nên quy định cụ thể, chi tiết từng cách thức, mà chỉ nên quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc. Khi được trao quyền, địa phương quyết định và chịu trách nhiệm.
Về mối quan hệ giữa HĐND, UBND, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu nhận định đây là mối quan hệ phối hợp. Tuy nhiên, cả trong quy định pháp luật lẫn thực tế, mối quan hệ này chưa thể hiện được sự thực chất, chưa phát huy hết vai trò của các tổ chức. Do đó, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tại các hội nghị định kỳ… Trong các quy chế phối hợp giữa UBTVQH, Chính phủ, UBMTTQ đều có quy định, nhưng ở các địa phương, quy chế phối hợp vẫn chưa được thực hiện nền nếp do quy định chưa chặt chẽ.
Cho rằng các quy định về trao quyền mạnh mẽ hơn cho các cấp chính quyền sẽ kéo theo lo ngại về nguy cơ lạm quyền, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo cần xây dựng phương thức để tránh tình trạng này. Một trong những giải pháp là quyền phải đi kèm với công khai, minh bạch, giải trình. Khi đó, những cán bộ thực thi có thể phát huy năng lực, sáng tạo, tinh thần của Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm để đem lại hiệu quả thực sự.
Thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng cần lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp. Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn, khả năng thích ứng, đổi mới và năng lực thực thi chính sách của chính quyền.
“Tại sao đầu tư công có tiền nhưng không tiêu được? Tại sao hệ thống pháp luật phức tạp, ngân sách nhà nước được phân bổ chi tiết nhưng lại không phát huy được sự năng động, sáng tạo, chủ động của chính quyền địa phương trong thực thi?” - Tổng Bí thư đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh: “Cần nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính và củng cố nền dân chủ. Nếu không huy động được sức dân thì sẽ rất khó khăn. Do vậy, cần có chính sách khuyến khích và các quy định phù hợp để thực hiện điều đó”.
Cũng theo Tổng Bí thư Tô Lâm: “Phân công quyền lực nhưng vẫn phải duy trì vai trò của hành chính. Nếu phân quyền hoàn toàn mà bỏ mất hành chính thì cũng mất đi vai trò phục vụ nhân dân. Đối với Ủy ban Hành chính hay UBND, có ý kiến cho rằng phải có HĐND để bầu ra UBND. Nhưng nếu không cần HĐND nữa, chỉ còn Ủy ban Hành chính để phục vụ nhân dân thì quyền hành phải thực sự đi vào thực tế. Chúng tôi cũng rất lắng nghe và sẽ tính toán”.
Cho ý kiến vào Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm phân cấp mạnh cho Chính phủ để tăng tính chủ động, giải quyết các điểm nghẽn và rào cản, khơi thông nguồn lực phát triển. Những vấn đề đã chín, đã rõ và được thực tế kiểm nghiệm thì cần giải quyết ngay, không để quy trình, thủ tục cứng nhắc làm chậm sự phát triển của đất nước.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị khi sửa đổi các luật có liên quan cần tiếp tục rà soát để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành. Các luật sửa đổi trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ này phải đồng bộ.
“Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cần phân cấp mạnh hơn theo phương châm: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; Trung ương kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ chỉ đạo điều hành trực tiếp. Tính chủ động của địa phương sẽ được nâng cao. Hiện nay, Quốc hội đã đổi mới tư duy làm luật, giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì cơ chế họp của Ủy ban này linh hoạt hơn để giải quyết những vấn đề cấp bách. Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ không quản lý danh mục đầu tư, ngay cả Chính phủ cũng không can thiệp nhằm hạn chế tối đa cơ chế ‘xin - cho’, vốn là nguồn cơn của nhiều vụ việc tiêu cực phải xử lý cán bộ”.
Một trong những nguyên tắc phân định thẩm quyền là bảo đảm Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần quy định thật rõ ràng việc phân quyền, ủy quyền và phân cấp quản lý từ Chính phủ, Thủ tướng đến các bộ, ngành.
“Ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng hoặc Trưởng ngành bao gồm những nội dung nào? Ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương ra sao? Trong luật cần có định hướng cụ thể để sau này có nghị định hướng dẫn rõ ràng, tránh tình trạng địa phương phải liên tục gửi văn bản xin ý kiến vì không rõ trách nhiệm của mình”, đại biểu Đức bày tỏ.
Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ chủ thể nhận phân cấp ở địa phương và các nguyên tắc chung về phân cấp, ủy quyền, bảo đảm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhận định cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy nhà nước với tiến độ nhanh, yêu cầu cao. Do vậy, việc ban hành ngay Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, thông suốt của bộ máy nhà nước và xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đây là thời điểm vàng để tinh gọn bộ máy
Đất nước muốn phát triển, muốn bứt phá phải sắp xếp, tinh gọn. Đây cũng là thời điểm chín muồi để thực hiện và được người dân đồng tình. Trong nhiều nhiệm vụ, có hai nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân – đây là những mục tiêu xuyên suốt mà Đảng ta đặt ra.
Vì vậy, cần xác định tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ. Để làm được điều này, Tổng Bí thư cho rằng, điều đầu tiên cần làm là tổ chức mô hình tổ chức bộ máy và có hệ thống pháp luật để toàn xã hội đồng lòng thực hiện; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Nghị quyết trung ương các khóa đã nhận định bộ máy nhà nước hoạt động cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII tiếp tục khẳng định điều này. Do vậy, đến khóa XIII chúng ta tổng kết Nghị quyết 18 và nhận thấy còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đây là thời điểm vàng để tinh gọn bộ máy, trong quá trình thực hiện đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm các nước.
Mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy phải đảm bảo được mục tiêu đó; chính sách, pháp luật phải đảm bảo mục tiêu đó.
Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính để toàn dân thực hiện. Bố trí bộ máy không chỉ để bộ máy hoạt động, mà phải phù hợp với Quốc hội, phù hợp với Chính phủ, phù hợp với các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực dữ liệu, năng lực thực thi chính sách, chất lượng bộ máy, khả năng quản lý ngân sách. Chúng ta cũng cần kiểm điểm, đánh giá hàng năm, định kỳ về hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy nhà nước...