Hiểu đúng về sử dụng đất kết hợp đa mục đích

Quy định mới về đất sử dụng đa mục đích là một bước tiến quan trọng trong Luật Đất đai 2024, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, du lịch, môi trường, giúp người dân tận dụng nguồn tài nguyên đất đai để phát triển kinh tế.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa).

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa).

“Sử dụng đất kết hợp đa mục đích” hay “đất sử dụng đa mục đích” là khái niệm chưa thông dụng, nhiều người chưa hiểu rõ. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Văn Trà, Công ty Luật TNHH Sơn Trà thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, để làm rõ những quy định này.

Theo Luật sư Vũ Văn Trà, việc “sử dụng đất kết hợp đa mục đích” là nội dung đã được quy định cụ thể tại Điều 218 Luật Đất đai 2024 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP.

"Sử dụng đất kết hợp đa mục đích được hiểu là việc sử dụng một phần diện tích đất của mục đích sử dụng đất chính vào mục đích khác. Trong đó, mục đích sử dụng đất chính là mục đích của thửa đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, đang sử dụng đất ổn định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận", Luật sư Trà giải thích.

Việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích chỉ được áp dụng trong phạm vi 7 nhóm đất được luật cho phép kết hợp, bao gồm: Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu; Đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ; Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ; Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh; Đất có mặt nước được sử dụng kết hợp đa mục đích theo quy định tại các Điều 188, 189 và 215 Luật Đất đai 2024; Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ; Đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ, thông tin, quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời.

Quy định mới này tạo điều kiện cho người sử dụng đất linh hoạt hơn trong việc khai thác tài sản của mình, giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.

Anh Lê Ngọc Nam, ở xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) là người đã tích tụ, tập trung được một diện tích đất nông nghiệp để phát triển mô hình nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng theo hướng công nghệ cao từ trước năm 2020. Với quy định cho phép sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích, anh Nam cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

“Với quy định mới, khu nhà vườn của chúng tôi có thể tận dụng diện tích đất hiện có, vừa sản xuất các cây trồng chính trong nhà màng, vừa phát triển thành các khu vườn thu hút khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm thực tế”, anh Nam chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Tùng, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân), cũng đánh giá cao quy định mới này: “Trước đây, đất nông nghiệp chỉ có thể dùng để trồng lúa, trồng các cây ăn quả, nếu như muốn sử dụng đất vào mục đích khác thì phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. Quy trình thực hiện những thủ tục trên mất nhiều thời gian, chi phí. Với quy định mới về đất đa mục đích mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân tiếp cận, khai thác nguồn lực đất đai, phát triển các dịch vụ phù hợp, thân thiện mới môi trường, không lo sợ vi phạm về sử dụng đất mà vẫn tranh thủ để có thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất”.

Mặc dù luật hóa quy định sử dụng đất kết hợp đa mục đích là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai 2024, khuyến khích sự sáng tạo, tăng hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, việc cho phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích cũng đặt ra một số thách thức, phức tạp trong vấn đề quản lý.

Luật sư Vũ Văn Trà cho rằng, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích cần tuân thủ các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo tính hợp pháp và tránh vi phạm. Theo khoản 2 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, phạm vi, điều kiện sử dụng đất kết hợp đa mục đích được quy định như sau: Sử dụng đất vào mục đích kết hợp không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 121 Luật Đất đai 2024; Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích. Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ. Diện tích đất xây dựng công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp trên đất trồng lúa, đất lâm nghiệp thực hiện theo quy định của nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa và pháp luật về lâm nghiệp. Đất có mặt nước không được san lấp làm thay đổi dòng chảy, diện tích bề mặt nước, chiều sâu tầng nước. Việc xây dựng, cải tạo công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan. Thời gian sử dụng đất vào mục đích kết hợp không vượt quá thời hạn sử dụng đất còn lại của mục đích chính.

Đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ thì phải chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm đối với phần diện tích kết hợp đó. Các trường hợp sử dụng đất kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ thì phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung phương án, hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP.

"Quy định mới về sử dụng đất kết hợp đa mục đích là bước tiến đáng kể trong cải cách chính sách đất đai, góp phần tối ưu hóa việc sử dụng đất và mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, để đảm bảo việc sử dụng đất đúng quy định, người dân cần tìm hiểu kỹ và tuân thủ các điều kiện được đặt ra trong luật" - Luật sư Vũ Văn Trà nhấn mạnh.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hieu-dung-ve-su-dung-dat-ket-hop-da-muc-dich-249577.htm
Zalo