Hiện tượng chiến đấu cơ Trung Quốc trong xung đột Ấn Độ - Pakistan
Công nghệ quân sự giúp máy bay Trung Quốc gây sự chú ý, có thể mở ra kỷ nguyên mới trong cán cân sức mạnh không quân khu vực.
Các cuộc không chiến gần đây trên bầu trời Kashmir khiến Ấn Độ tổn thất nặng nề với nhiều chiến đấu cơ hiện đại bị bắn hạ, trong đó có máy bay Rafale do Pháp sản xuất, Su-30MKI và MiG-29 của Nga, cùng máy bay không người lái (UAV). Nếu thông tin này chính xác, cán cân sức mạnh trên không giữa Ấn Độ và Pakistan đang có sự thay đổi rõ rệt với sự tham dự của một số vũ khí Trung Quốc – theo bài bình luận trên The National Interest.

(Ảnh minh họa)
Tên lửa PL-15E – Vũ khí tạo khác biệt
Vũ khí then chốt giúp Pakistan chiếm ưu thế là tên lửa không đối không tầm xa PL-15E do Trung Quốc sản xuất, lần đầu được sử dụng trong chiến đấu. Mảnh vỡ của tên lửa này được tìm thấy tại Punjab (Ấn Độ). Theo chuyên gia Justin Bronk từ Viện Nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), PL-15 có hiệu suất tương đương AIM-120 AMRAAM của Mỹ và vượt trội hơn R-77 của Nga.
Tên lửa PL-15 sử dụng radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) thu nhỏ và động cơ tên lửa hai xung, có tầm bắn khoảng 200km (phiên bản xuất khẩu bị giới hạn ở 145km). Trong khi đó, chuyên gia Douglas Barrie từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đánh giá động cơ đẩy rắn của PL-15 giúp nó đạt tốc độ tiêu hao nhanh hơn tên lửa Meteor của châu Âu. Tuy nhiên, Meteor vẫn có lợi thế về tầm bay nhờ động cơ ramjet duy trì lực đẩy liên tục.
J-10C – Chiến đấu cơ Trung Quốc vươn lên
Chiến đấu cơ J-10C – xương sống không quân Pakistan – được đánh giá cao về công nghệ: radar AESA, hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), cảnh báo radar, hỗ trợ điện tử và liên kết dữ liệu. Bronk nhận định J-10C có thể cạnh tranh với các máy bay thế hệ 4 tiên tiến của phương Tây như F-16 hay Gripen, đồng thời vượt trội về khả năng tàng hình radar, hồng ngoại và kích thước so với dòng Su-27 của Nga.
Theo báo cáo tháng 1/2025 từ Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), Rafale của Pháp – loại máy bay chủ lực của Ấn Độ – đang lộ rõ nhược điểm: thiếu khả năng tàng hình radar và không có chức năng chế áp phòng không đối phương (SEAD). Dù vẫn còn hiệu quả trong ngắn hạn, Rafale có thể sớm bị đẩy vào vai trò hỗ trợ trong các chiến dịch cường độ cao do máy bay thế hệ 5 dẫn đầu.
Trong khi đó, Su-30MKI – máy bay chủ lực khác của Ấn Độ – lại gặp vấn đề bảo dưỡng, với tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu chỉ 60% (theo báo cáo năm 2023), chủ yếu do thiếu phụ tùng từ Nga.
Ưu thế từ hệ thống cảnh báo sớm AEW&C
Yếu tố quyết định khác là khả năng cảnh báo sớm của Pakistan. Máy bay Saab 2000 trang bị hệ thống Erieye của nước này có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 450km, kể cả mục tiêu bay thấp. Theo chuyên gia Sebastien Roblin, các hệ thống này giúp điều phối chiến đấu cơ tắt radar để tăng khả năng sống sót và sử dụng tên lửa PL-15 được dẫn hướng giữa hành trình bằng liên kết dữ liệu – khiến mục tiêu không phát hiện được mối đe dọa cho đến khi tên lửa kích hoạt radar dẫn đường giai đoạn cuối.
Ngược lại, Ấn Độ bị đánh giá là tụt hậu về năng lực AEW&C, chỉ có 3 máy bay A-50EI và 3 chiếc Netra Mk 1 nội địa.
Cơ hội cho “ngoại giao tiêm kích” Trung Quốc?
Những chiến thắng trên không của Pakistan không chỉ làm thay đổi cán cân khu vực mà còn là lời "quảng cáo" thuyết phục nhất cho tiêm kích Trung Quốc. Dù Trung Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới năm 2024, họ vẫn gặp khó trong việc bán máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, thành công của Pakistan có thể mở đường cho Trung Quốc bán J-10C sang các nước Trung Đông như Ai Cập, Iran và Ả-rập Xê Út – theo đánh giá của Paul Iddon trên Forbes. Máy bay chiến đấu với yêu cầu huấn luyện, bảo dưỡng và hậu cần phức tạp sẽ giúp Trung Quốc xây dựng quan hệ chiến lược sâu rộng với các nước mua, đồng thời gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Ngoài ra, căng thẳng tại Kashmir có thể phản ánh bài học từ vụ không kích Balakot năm 2019. Kết quả các trận không chiến mới nhất có thể cho thấy sự thay đổi trong cách hai cường quốc hạt nhân ứng xử – theo hướng tạo dư địa cho đối đầu phi hạt nhân nhưng vẫn cường độ cao.