Tháo 'ngòi nổ' chiến tranh hạt nhân

Ấn Độ và Pakistan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong bối cảnh quốc tế lo ngại có một cuộc chiến toàn diện giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á.

Lực lượng an ninh Ấn Độ tuần tra dọc đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: ANI/TTXVN

Lực lượng an ninh Ấn Độ tuần tra dọc đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: ANI/TTXVN

Sau gần 2 tuần leo thang xung đột vũ trang dọc Đường kiểm soát (LoC) ở Kashmir, Ấn Độ và Pakistan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 10/5. Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại trước viễn cảnh một cuộc chiến toàn diện giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á.

Bóng ma hạt nhân

Cuộc khủng hoảng bắt đầu sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào ngày 22/4 do nhóm cực đoan The Resistance Front (TRF) thực hiện nhằm vào khách du lịch ở thị trấn Pahalgam, bang Jammu và Kashmir (Ấn Độ), khiến ít nhất 26 người chết. New Delhi cáo buộc nhóm này được Pakistan hậu thuẫn và tố cáo chính quyền Islamabad chứa chấp và hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới.

Ấn Độ nhanh chóng triển khai chiến dịch quân sự Sindoor, sử dụng lực lượng hỗn hợp gồm không quân, hải quân và lục quân tấn công các mục tiêu mà họ mô tả là “căn cứ khủng bố” nằm sâu trong lãnh thổ Azad Kashmir và bang Punjab của Pakistan. Các cuộc không kích bằng UAV vũ trang, pháo kích và đổ bộ hải quân được tiến hành đồng loạt trong những ngày sau đó.

Quân đội Pakistan phản công bằng cách phóng tên lửa tầm ngắn và triển khai UAV mang vũ khí nhằm vào các cơ sở quân sự Ấn Độ gần biên giới, khiến xung đột leo thang nhanh chóng. Từ ngày 7/5, hai bên bước vào một vòng giao tranh quy mô lớn chưa từng thấy kể từ sau cuộc đối đầu năm 2019 tại Balakot.

Trong suốt 25 năm qua, Ấn Độ và Pakistan, hai quốc gia láng giềng có lịch sử thù địch kéo dài đã nhiều lần đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Kể từ khi cả hai chính thức thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 1998, nguy cơ leo thang vũ trang giữa họ luôn đi kèm với nỗi ám ảnh về “kịch bản tận thế” ở Nam Á.

Các cuộc đối đầu vũ trang nghiêm trọng đã nổ ra vào các năm 2001 - 2002 sau vụ tấn công Quốc hội Ấn Độ, vụ khủng bố Mumbai (Ấn Độ) năm 2008 và gần đây nhất là vụ đánh bom ở Pulwama (Ấn Độ) năm 2019. Mỗi lần, thế giới lại một lần nữa lo ngại viễn cảnh hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bị cuốn vào vòng xoáy không thể kiểm soát.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (Arms Control Association), Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 172 đầu đạn hạt nhân, trong khi con số của Pakistan là khoảng 170. Mặc dù các kho vũ khí này phần lớn vẫn trong trạng thái răn đe nhưng chúng vẫn luôn là yếu tố tiềm tàng khiến bất kỳ cuộc đối đầu nào cũng có thể vượt quá giới hạn thông thường.

"Điểm nóng" Kashmir

Cuộc xung đột âm ỉ kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan không chỉ là vấn đề song phương mà đó còn là một mảnh ghép bất ổn trong cấu trúc an ninh khu vực Nam Á - nơi các cường quốc toàn cầu từ lâu đã theo dõi sát sao và có những can dự cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Trung tâm của mọi căng thẳng vẫn là vấn đề Kashmir, điểm nóng chưa được giải quyết suốt gần 75 năm qua. Đây không chỉ là di sản đau thương của cuộc chia cắt Ấn - Pakistan năm 1947 mà còn là nguyên nhân dẫn đến 3 cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia trong thế kỷ 20. Cho đến nay, cả New Delhi và Islamabad đều duy trì lập trường không khoan nhượng. Ấn Độ phản đối mọi nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Kashmir trong khi Pakistan tích cực kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế.

Sự bất đồng này tạo ra một trạng thái bế tắc chiến lược khiến Kashmir trở thành một “kíp nổ” có thể kích hoạt khủng hoảng bất cứ lúc nào, đặc biệt khi cả hai bên đều sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Những cường quốc bên ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Saudi Arabia đều hiểu rõ rằng bất kỳ cuộc xung đột quân sự quy mô lớn nào giữa Ấn Độ và Pakistan đều có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát và đe dọa trật tự khu vực. Trong các giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm, họ thường can thiệp bằng biện pháp ngoại giao con thoi và các nỗ lực trung gian hòa giải nhằm ngăn chặn chiến tranh bùng phát.

Mỹ nổi bật là quốc gia đóng vai trò chủ động và liên tục nhất. Washington vừa duy trì quan hệ đối thoại chiến lược với New Delhivừa tiếp tục giữ vai trò là một trong những nhà cung cấp vũ khí công nghệ cao chủ chốt cho Islamabad. Chính sách “cân bằng mềm” này phản ánh sự tính toán kỹ lưỡng của Mỹ: giữ ổn định khu vực, không để bên nào vượt trội quá mức và duy trì ảnh hưởng trong cán cân quyền lực Nam Á.

Trung Quốc, quốc gia có chung biên giới với cả Ấn Độ và Pakistan cũng đặc biệt cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào. Bắc Kinh có mối quan hệ thân thiết với Islamabad, coi Pakistan như một phần trong chiến lược “Vành đai và con đường” nhưng đồng thời không muốn một cuộc chiến tranh gần biên giới phía tây làm gián đoạn các lợi ích kinh tế và an ninh của mình.

Nga và Anh đóng vai trò truyền thống, vừa là đối tác an ninh, vừa là nhà trung gian ngoại giao. Saudi Arabia, với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng và mối quan hệ sâu rộng với cả Islamabad lẫn New Delhi, cũng không đứng ngoài cuộc.

Trong một thế giới ngày càng phân mảnh địa chính trị, Nam Á vẫn là khu vực mà sự ổn định mong manh có thể dẫn đến hậu quả toàn cầu nếu đổ vỡ. Các cường quốc không đơn thuần đứng ngoài quan sát, họ có lợi ích chiến lược gắn bó chặt chẽ với tình hình tại đây. Nhưng đồng thời, sự can dự của họ cũng có giới hạn rõ ràng: không ai muốn bị cuốn sâu vào một cuộc xung đột có thể châm ngòi cho thảm họa hạt nhân.

Cuộc khủng hoảng gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan thêm một lần nữa nhắc nhở rằng Kashmir không phải là “vấn đề song phương thuần túy” như nhiều bên muốn tin. Đó là bài kiểm tra khắt khe về năng lực ngoại giao khu vực và sự đồng thuận quốc tế trong một thế giới đang ngày càng trở nên khó đoán.

HÙNG ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/thao-ngoi-no-chien-tranh-hat-nhan-411455.html
Zalo