Hết quặng Apatit vào năm 2040, Vinachem lo thiếu hụt nguyên liệu sản xuất phân bón

Theo Apatit Lào Cai, đến năm 2040 quặng Apatit loại I, II, III sẽ không còn cho nhu cầu sản xuất của các đơn vị trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Tại Hội nghị Triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản Quốc gia theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức vào ngày 20/12/2024 tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón, hóa chất của Vinachem cùng cơ quan quản lý đến từ Cục Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, cùng các chuyên gia đã trao đổi về những khó khăn vướng mắc liên quan đến chất lượng suy giảm quặng apatit cũng như nguồn cung quặng dự báo thiếu hụt trong thời gian tới.

Hết quặng Apatit vào năm 2040, Vinachem lo thiếu hụt nguyên liệu sản xuất phân bón

Hết quặng Apatit vào năm 2040, Vinachem lo thiếu hụt nguyên liệu sản xuất phân bón

Chất lượng quặng Apatit giảm, doanh nghiệp phân bón gặp khó

Ông Trần Đại Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Trong các năm qua, sản xuất supe lân thương phẩm đi từ quặng Apatit tuyển quặng Apatit tuyển để đạt QCVN 01-189:2019/BNNPTNT của công ty ngày càng gặp rất nhiều khó khăn do số lượng, chất lượng nguyên liệu quặng apatit đưa vào sản xuất suy giảm hàm lượng P2O5 trong quặng giảm dần, tạp chất ôxít kim loại tăng cao làm cho P2O5hh, P2O5ht trong supe lân thương phẩm thấp dưới quy chuẩn Việt Nam.

“Quặng apatit thiếu hụt ảnh hưởng đến việc chủ động sản xuất supe lân; do quặng về không đủ nên các dây chuyền sản xuất Supe lân, Axit H2SO4 sản xuất lúc cao tải, lúc lại thấp tải không ổn định; vì vậy tồn kho sản phẩm supe lân thấp và ảnh hưởng đến chất lượng supe lân do Công nghệ sản xuất supe lân phải sau 20-25 ngày sau khi phản ứng điều chế, ủ, đảo trộn mới đạt chất lượng supe lân thương phẩm; do vậy ảnh hưởng đến dự trữ, cung cấp sản phẩm supe lân thương phẩm và supe lân cấp cho sản xuất NPK của công ty”- ông Nghĩa cho hay.

Theo ông Nghĩa, sự suy giảm chất lượng quặng P2O5 tổng khoảng 1% so với năm 2022, 1,75% so với năm 2020 và ngày càng có xu hướng giảm; chất lượng supe lân sản xuất giảm tương ứng khoảng 0,5-1% P2O5 hh.

“Ngoài ra supe lân cũng suy giảm mạnh về P2O5ht (P2O5 hòa tan trong nước) giảm khoảng 1,5%. Kết quả P2O5ht suy giảm về cơ sở khoa học đó là do tạp chất ôxít kim loại, đặc biệt là ôxít sắt, ôxít nhôm trong quặng tăng cao, kết quả phân tích thực tế cũng đã chỉ ra rằng với hàm lượng sắt nhôm càng cao thì P2O5ht trong supe lân suy giảm”- ông Nghĩa cho biết thêm.

Ông Nghĩa khẳng định, với tạp chất sắt, nhôm cao như vậy thì hàm lượng P2O5ht trong supe lân sản xuất từ quặng trên sẽ chỉ đạt từ 7-8,5% P2O5ht khi sản phẩm supe lân ổn định, không đạt QCVN.

Ông Vũ Việt Tiến – Tổng Giám đốc Công ty CP DAP số 2 – Vinachem. Ảnh: Thu Hường

Ông Vũ Việt Tiến – Tổng Giám đốc Công ty CP DAP số 2 – Vinachem. Ảnh: Thu Hường

Cũng như Công ty CP Supe Phốt phát hóa chất Lâm Thao, Công ty CP DAP số 2- Vinachem cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do chi phí tăng cao, lượng bã thải gyps tăng lên do chất lượng quặng apatit- nguyên liệu chính cho sản xuất sản phẩm DAP và axit đặc CPA bị suy giảm.

Chia sẻ về nội dung này, ông Vũ Việt Tiến – Tổng Giám đốc Công ty CP DAP số 2 – Vinachem cho biết: Chất lượng quặng apatit giảm dần từ 30% và đến nay nhiều mẫu không đạt 29%, tạp chất oxit kim loại trước dưới 6% nhưng nay đều trên 9% có mẫu lên 10% đã khiến cho chúng tôi khó khăn trong sản xuất sản phẩm DAP và như vậy chi phí sản xuất tăng, tiêu hao nguyên liệu cao.

"Chất lượng quặng suy giảm khiến chất lượng axit photphoric giảm. Các tạp chất oxit kim loại tăng cao dẫn đến không nâng được nồng độ P2O5 trong axit cô đặc CPA đạt 52% theo thiết kế chỉ đạt được 44%. Sản phẩm axit cô đặc không đạt 28% mà chỉ chỉ đạt từ 21-22% ...từ đó dẫn đến chi phí nhiên liệu, năng lượng tăng cao, tạp chất nhiều dẫn đến ảnh hưởng thiết bị cũng như làm tăng bã thải gyps"- ông Tiến nhấn mạnh và cho biết, để có thể duy trì vận hành được công đoạn lọc phản ứng, công ty đã phải điều chỉnh một số thông số công nghệ, trong đó có việc tăng hàm lượng SO3 dư trong bùn phản ứng cao hơn so với yêu cầu của thiết kế ban đầu dẫn đến làm tăng lượng SO3 trong axit sản phẩm.

Giải pháp cho chất lượng quặng trong sản xuất

Theo ông Trần Đại Nghĩa, để đảm bảo chất lượng supe lân thương phẩm, công ty đã tiến hành bổ sung supe giàu, supe kép, MAP, DAP… tuy nhiên điều này đã làm tăng giá thành sản phẩm, tăng chi phí nhân công, chi phí điện năng…

“Căn cứ kết quả hàm lượng P2O5ht trong supe lân từ 7-8,5% thì lượng MAP phải bổ sung để sản xuất supe lân đạt P2O5hh khoảng từ 50-80 kg/1tấn sản phẩm supe lân. Thực tế kết quả thực hiện bổ sung MAP trong tháng 8 để đảm bảo P2O5ht đã phải đưa bổ sung 75kg MAP/1 tấn supe lân. Với việc bổ sung 75kg MAP/1 tấn supe lân làm tăng lên chi phí khoảng 700.000-900.000 đồng/1 tấn supe lân”- ông Nghĩa cho biết.

Ngoài ra, khi bổ sung MAP hoặc Supe kép thì phải đầu tư thêm thiết bị, nhân công, chi phí năng lượng tiêu hao chạy dây chuyền. Các chi phí này hiện tại vẫn chưa hạch toán cụ thể nhưng mức tăng lên của điện năng khoảng 10%.

Cũng theo ông Trần Đại Nghĩa, do chất lượng quặng apatit cấp ngày suy giảm, các lô quặng nhập về công ty hàm lượng P2O5 không ổn định, không đồng đều dẫn tới việc sản xuất supe lân có chất lượng cũng không ổn định. Chính vì vậy, để ổn định chất lượng sản phẩm, công ty đã xây dựng phương án chuyên môn hóa sản xuất Supe lân từ 06/5/2024. Mặc dù giải pháp này cũng làm gia tăng chi phí sản xuất cho công ty.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thu Hường

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thu Hường

Bên cạnh đó, do thiếu hụt quặng loại III, chúng tôi cũng đã có phương án bổ sung quặng loại II có hàm lượng P2O5 thấp từ 24% - 27% để trộn vào quặng tuyển sản xuất supe lân mặc dù chất lượng quặng tuyển hiện tại cũng không đạt yêu cầu. “Cùng với đó, công ty đã cải tiến công nghệ, thiết bị nâng cao hiệu suất phân hủy quặng (Kph) giai đoạn 1 và cả quá trình từ 80% lên 84%; tổng quá trình 90% lên 95%.”- ông Nghĩa cho hay.

Còn về phía Công ty CP DAP số 2- Vinachem, theo ông Nguyễn Văn Sơn: Giải pháp được chúng tôi đưa ra tiến hành thu hồi P2O5 từ bãi thải gyps bằng cách bơm nước gyps từ hồ chứa nước gyps vào xưởng sản xuất H3PO4 để thu hồi lượng P2O5 trong nước róc bãi gyps.

“Công ty đã sử dụng chất trợ lọc nhằm nâng cao hiệu quả lọc, giảm tổn thất P2O5 thất thoát theo bã gyps, nâng cao hiệu suất thu hồi P2O5 trong quặng. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn quặng có chất lượng tốt hơn để phối trộn với quặng tuyển nhằm ổn định chất lượng đầu vào và nâng cao hiệu quả sản xuất”- ông Sơn cho hay.

Trước những khó khăn từ thực tiễn, ông Trần Đại Nghĩa đã kiến nghị Vinachem hỗ trợ chỉ đạo công ty Apatit Việt Nam giúp đỡ cung cấp cho Công ty Supe Lâm Thao quặng nguyên khai loại I; quặng tuyển có lượng tạp chất thấp (chất lượng như quặng dùng sản xuất DAP) để Công ty có thể sản xuất supe lân đạt chất lượng theo QCVN, đảm bảo P2O5 ht; nâng cao sản lượng quặng loại II cho Công ty để bù đắp sản lượng quặng tuyển còn thiếu để đủ nguyên liệu sản xuất supe lân thương phẩm và supe lân cấp sản xuất NPK của Công ty.

Còn về phía Công ty CP DAP số 2 – Vinachem, doanh nghiệp mong muốn tập đoàn hỗ trợ công ty giới thiệu các đơn vị ngoài tìm kiếm các giải pháp giúp công ty cải thiện điều kiện phản ứng, tận thu triệt để tài nguyên có trong quặng trong giai đoạn chất lượng quặng ngày càng suy giảm như hiện nay.

Năm 2040 hết quặng apatit

Chia sẻ thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam cho biết: Trên cơ sở các Giấy phép hiện có của công ty, thực trạng nguồn tài nguyên quặng apatit công ty đang quản lý sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu quặng cho các đơn vị trong Tập đoàn giai đoạn đến năm 2030, cũng như sau năm 2030.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam. Ảnh: Thu Hường

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam. Ảnh: Thu Hường

Tuy nhiên giai đoạn 2031-2040, quặng apatit loại I công ty đáp ứng được 87% nhu cầu của các đơn vị trong Tập đoàn, đến năm 2040 sẽ hết quặng I. Quặng II công ty đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị trong Tập đoàn, đến năm 2037 sẽ hết quặng II. Quặng tuyển từ quặng III, công ty đáp ứng được 21% nhu cầu của các đơn vị trong Tập đoàn và đến năm 2040 sẽ hết quặng III.

Nói về tình hình sản xuất quặng apatit trong thời gian qua ông Nguyễn Văn Sơn cho hay: Theo đánh giá của công ty, với trữ lượng các loại quặng apatit hiện công ty đang được cấp phép và đã có chủ trương được cấp phép thì trong thời gian tới rất khó để công ty đáp ứng đủ nhu cầu quặng apatit cho các đơn vị trong Tập đoàn.

Theo ông Sơn, với trữ lượng quặng apatit loại III (quặng III) dự kiến đến hết năm 2024 còn lại khoảng 30,5 triệu tấn. Theo trữ lượng hiện có và công suất khai thác theo giấy phép khai thác thì khả năng sản xuất quặng tuyển của các nhà máy tuyển như kế hoạch sản xuất quặng tuyển năm 2025 là 1,25 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng quặng apatit loại III nguyên khai là 4,875 triệu tấn,

Hiện nay, nhu cầu sử dụng quặng tuyển tăng cao, trong khi sản lượng quặng tuyển từ quặng III không thể tăng được theo nhu cầu (do thiếu nguồn nguyên liệu), để bổ sung nguồn nguyên liệu quặng tuyển từ quặng II là cần thiết.

Tuy nhiên theo Quy hoạch 866 đến giai đoạn 2031 – 2050 hoạt động khai thác quặng apatit các loại, tập trung chủ yếu vào apatit loại II. Theo quy hoạch tổng trữ lượng quặng II tại các dự án khai thác giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 2031-2050 là: 183,305 triệu tấn quặng loại II/424,018 triệu tấn quặng các loại (chiếm 43% tổng trữ lượng quặng apatit các loại đưa vào quy hoạch khai thác trong giai đoạn 2021-2030, và giai đoạn 2031-2050).

Ngoài ra, trong quá trình khai thác sẽ có một lượng không nhỏ quặng apatit loại II thứ cấp (không đạt theo tiêu chuẩn thương phẩm).

Theo đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, hiện nay quặng II thứ cấp chưa được sử dụng do có thành phần vật chất phức tạp, khó tuyển để làm giàu P2O5. Tuy nhiên, nhằm tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản và để có đủ nguồn quặng apatit phục vụ cho các nhà máy sản xuất phân bón góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, quặng apatit loại II thứ cấp cần được nghiên cứu làm giàu bằng một quá trình có hiệu quả kinh tế. Với lý do đó, Vinachem chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu và làm giàu quặng loại II thứ cấp.

Ông Nguyễn Phú Cường – Nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem. Ảnh: Thu Hường

Ông Nguyễn Phú Cường – Nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem. Ảnh: Thu Hường

Ông Nguyễn Phú Cường – nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem bày tỏ: Vinachem đang thực hiện vai trò dẫn dắt các đơn vị trong thăm dò, khai thác, chế biến quặng apatit. Xuyên suốt trong quá trình hơn nửa thế kỷ qua, Vinachem đã phát huy vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt góp phần tạo nên ngành công nghiệp hóa chất và phân bón. Để phát huy vai trò dẫn dắt và xây dựng các chuỗi trong các đơn vị thành viên, trong xu thế hiện nay quặng ngày chất lượng càng suy giảm, trữ lượng hữu hạn, tập đoàn đã có định hướng cho các đơn vị trong thành viên trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong chế biến sâu mà cụ thể là quặng loại II và quặng loại IV.

"Hiện các nghiên cứu mới đang ở phòng thí nghiệm tuy nhiên để đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp cần phải có thời gian"- ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón, hóa chất của Vinachem đã chủ động đưa ra các giải pháp như thu hồi nâng cao hiệu suất trong quá trình tuyển quặng, nâng cao hiệu quả sử dụng quặng …

Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc Phụ trách Tập đoàn Vianchem. Ảnh: Thu Hường

Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc Phụ trách Tập đoàn Vianchem. Ảnh: Thu Hường

Theo ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc Phụ trách Tập đoàn Vianchem: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có khoáng sản apatit. Việc triển khai ngay Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản apatit thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại Quyết định số 266/QĐ-HCVN ngày 02 tháng 10 năm 2024 là hết sức cần thiết.

Để hỗ trợ các đơn vị thành viên trong sản xuất cũng như tháo gỡ phần nào những khó khăn đang hiện hữu, ông Nguyễn Hữu Tú đã yêu cầu các Ban của Vinachem, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam và các đơn vị sử dụng quặng apatit xây dựng Kế hoạch chi tiết của đơn vị mình đảm bảo tính tuân thủ, kế thừa các Quy hoạch, Chiến lược phát triển chung của Chính phủ, các Bộ, ngành và Chiến lược phát triển của Vinachem; đảm bảo tính khả thi, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện các đề án, dự án theo từng giai đoạn phù hợp với bối cảnh và nguồn lực của Tập đoàn, của đơn vị; Khai thác, chế biến khoáng sản đảm bảo có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên, môi trường, an toàn lao động và phát triển kinh tế xã hội địa phương

Đồng thời, rà soát, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các đề án, dự án vào Quy hoạch và kế hoạch thực hiện Quy hoạch 866 để làm cơ sở triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Bám sát xu thế phát triển của khoa học công nghệ trong để đầu tư đổi mới, ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản; nghiên cứu chế biến sâu khoáng sản apatit tạo ra chuỗi các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Theo số liệu năm 2020 Việt Nam sản xuất khoảng 22,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, hiện con số này chắc chắn lớn hơn, và phụ gia PCP là 4%. Trong thời gian tới để giữ vững vai trò dẫn dắt, các đơn vị của Vinachem đòi hỏi tổ chức quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh trong đó đóng vai trò tiên quyết là kế hoạch cung cấp quặng apatit.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/het-quang-apatit-vao-nam-2040-vinachem-lo-thieu-hut-nguyen-lieu-san-xuat-phan-bon-365274.html
Zalo