Một năm thắng lợi của ngành Nông nghiệp

Kết thúc năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đạt những kết quả ấn tượng và khá toàn diện. Đặc biệt, giá trị sản xuất gia tăng ở nhiều loại nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Nhiều kết quả nổi bật

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng khu vực I ước tăng 3,6%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,28%; lâm nghiệp giảm 1,84%; thủy sản tăng 8,9%.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, hầu hết giá nông sản ổn định ở mức khá cao, mang lại nhiều tín hiệu vui cho người dân.

Năm 2024, cây thanh long phát triển tốt, tình hình tiêu thụ khá thuận lợi

Năm 2024, cây thanh long phát triển tốt, tình hình tiêu thụ khá thuận lợi

Một số cây trồng chủ lực của tỉnh như thanh long, sầu riêng, chanh, bưởi,... sinh trưởng, phát triển tốt, sản lượng tăng so cùng kỳ. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ; có xuất hiện một số ổ dịch mang tính chất nhỏ, lẻ và đã kịp thời khống chế, không để lây lan trên diện rộng. Công tác khai thác, nuôi trồng thủy sản được tập trung chỉ đạo theo khung thời vụ, tình hình tiêu thụ thủy sản thuận lợi, sản lượng nuôi trồng tăng so cùng kỳ.

Sản lượng lúa năm 2024 của tỉnh ước đạt hơn 3,18 triệu tấn

Sản lượng lúa năm 2024 của tỉnh ước đạt hơn 3,18 triệu tấn

Thông tin từ Chi cục trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, tổng diện tích lúa năm 2024 của tỉnh ước đạt 538.900ha, đạt 108,8% kế hoạch, tăng 4,38% so cùng kỳ năm 2023, năng suất thu hoạch bình quân đạt 5,91 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 3,18 triệu tấn, đạt 111,8% kế hoạch, tăng 3,43% so cùng kỳ.

Diện tích gieo trồng các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh cũng tăng so cùng kỳ, tình hình tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá bán hầu hết các sản phẩm nông sản đều tăng so cùng kỳ, đặc biệt là lúa, chanh, thanh long và mít.

Đối với chăn nuôi, đàn gia súc và gia cầm vẫn được duy trì ổn định với tổng đàn heo ước đạt 88.000 con; đàn gia cầm các loại ước đạt 10,25 triệu con; đàn bò ước bò đạt 101.800 con; đàn trâu ước đạt 4.900 con. Ước tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 89.278 tấn; sản lượng trứng 704.613 quả;...

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá thịt hơi giảm,... nhưng giá trị sản xuất của các sản phẩm chăn nuôi cũng góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế chung của cả tỉnh.

Năm 2024, tình hình nuôi thủy sản cũng tương đối thuận lợi, dịch bệnh ít xảy ra, thủy sản thương phẩm thu hoạch đạt năng suất cao.

Ước tính tổng diện tích thả nuôi thủy sản thương phẩm toàn tỉnh là 8.852ha; nuôi lồng/vèo là 17.500m3. Đến nay, thu hoạch được 7.925ha với sản lượng 135.000 tấn, đạt 150% kế hoạch và bằng 112,5% so cùng kỳ năm 2023.

Về xây dựng nông thôn mới (NTM), lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 134 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 83,22%; 41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 30,59% tổng số xã đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 4 đơn vị huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh công nhận thêm 83 sản phẩm OCOP; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 231 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (trong đó, có 47 sản phẩm 4 sao, 184 sản phẩm 3 sao).

Nhìn chung, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang từng bước được điều chỉnh theo hướng hiện đại, đa giá trị, phát huy lợi thế của mỗi địa phương, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất và khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2%

Năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra 6 mục tiêu phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng khu vực I (nông, lâm, thủy sản) đạt 2,0%; sản lượng lúa đạt 2.950.000 tấn.

Trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 75% tổng sản lượng; có thêm 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu; có thêm 3 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 77%; trồng 500ha rừng sản xuất sau khai thác và trồng 1.335.000 cây phân tán các loại trở lên.

Lãnh đạo UBND tỉnh khảo sát mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tân Trụ

Lãnh đạo UBND tỉnh khảo sát mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tân Trụ

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền khẳng định, trong bối cảnh tình hình KT-XH có nhiều khó khăn, thách thức thì đây là một kết quả đáng khích lệ của ngành Nông nghiệp.

Kết quả đã đạt là khá toàn diện và tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế tỉnh, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển KT-XH chung của tỉnh.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;...

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp cần tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số và triển khai, thực hiện hiệu quả một số chương trình, đề án như Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới; Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030;... - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.

B.Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mot-nam-thang-loi-cua-nganh-nong-nghiep-a188027.html
Zalo