Cổ phiếu 'vua' kéo chỉ số
Sau chuỗi ngày tương đối ảm đạm, thị trường chứng khoán trong nước bước vào tuần giao dịch áp chót năm 2024 với tâm lý tích cực hơn. VN-Index bật tăng hơn 6 điểm ngay trong phiên sáng đầu tuần cùng sắc xanh lan tỏa.
Diễn biến sau đó có phần trầm lắng và suy yếu do áp lực từ nhóm bất động sản, nhưng nhóm cổ phiếu vua bất ngờ nổi sóng và đồng loạt kéo chỉ số VN-Index tăng hơn 20 điểm trong phiên thứ Tư (25/12). VN-Index trở lại trên mốc 1.270 điểm và duy trì trạng thái dao động giằng co với biên hẹp đến hết tuần. Khối ngoại vẫn đang nối tiếp đà bán ròng của mình, nhưng giá trị đã giảm đi đáng kể so với 2 tuần liền trước.
Với diễn biến khởi sắc của nhóm tài chính, đặc biệt là các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, dòng tiền đã bắt đầu có sự dịch chuyển rõ rệt. Trong khi nhóm tài chính tiếp tục hút dòng tiền và nhiều cổ phiếu lập đỉnh cao mới, áp lực bán lại xuất hiện mạnh hơn tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Một số cổ phiếu điều chỉnh đáng chú ý trong tuần qua như YEG, nhóm thủy sản (ANV, VHC), VTP, VGI... Đó cũng là nguyên nhân khiến thị trường có trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng” trong phiên giao dịch cuối của tuần qua.
Với diễn biến tốt lên của nhóm ngân hàng và chứng khoán, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục giữ được độ cao trong tuần giao dịch này. Đồng thời, áp lực chốt lời ngắn hạn sẽ mở ra cơ hội mua tích lũy tại vùng giá thấp cho các nhóm cổ phiếu tốt và triển vọng tích cực trong quý I/2025. Do vậy, nhà đầu tư có thể tiếp tục tìm điểm giao dịch ngắn hạn tại nhóm tài chính và một số cổ phiếu lớn được sự nâng đỡ của nhóm nhà đầu tư tổ chức trong những phiên cuối cùng của năm 2024. Bên cạnh đó, cần chú ý khả năng tạo đáy ngắn hạn của các nhóm tiềm năng trong tuần này để tận dụng cơ hội tích lũy cho triển vọng kinh doanh năm 2025.
Dệt may: Chạy đà trong năm 2024, đón chờ các cơ hội mới cho năm 2025
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước tính đạt khoảng 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng gần 11% so với năm trước đó. Với kết quả này, Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai thế giới về kim ngạch xuất khẩu dệt may, chỉ đứng sau Trung Quốc và vượt qua Bangladesh.
Năm 2024, nhóm cổ phiếu dệt may đạt mức tăng trưởng 23%, vượt xa mức tăng 10% của chỉ số VN-Index. Các cổ phiếu tăng ấn tượng nhất là MSH (tăng 49%), TNG (tăng 46%), TCM (tăng 30%) và VGT (tăng 23%). Quý III/2024, các công ty ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, chẳng hạn MSH tăng 45%, TCM tăng 20%, TNG tăng 12%.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất sợi lại gặp nhiều khó khăn, với cổ phiếu của STK giảm 5% và ADS giảm 24%, chủ yếu do tác động từ việc Trung Quốc bán phá giá sợi. Dù vậy, sự tăng trưởng tích cực của các doanh nghiệp may mặc tiếp tục khẳng định vị thế cạnh tranh toàn cầu của ngành dệt may Việt Nam.
Giai đoạn đầu năm 2025, thị trường có thể đón nhận thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ, hay thông tin về đơn hàng trong năm mới của các doanh nghiệp dệt may. Đây là động lực quan trọng cho định giá của nhóm cổ phiếu này. Ngoài ra, với triển vọng về tỷ giá USD/VND hiện tại, các doanh nghiệp dệt may có thể hưởng lợi khi thặng dư từ xuất khẩu có tỷ trọng tương đối lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều kiện vĩ mô quốc tế cũng được kỳ vọng sẽ có hỗ trợ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do không chỉ hỗ trợ cho ngành dệt may, mà còn hỗ trợ cho các ngành xuất nhập khẩu khi mà độ mở của kinh tế Việt Nam hiện tại vẫn rất lớn.
Xét về định giá, cổ phiếu ngành dệt may hiện đang giao dịch ở mức P/E trung bình xấp xỉ 10 lần, tương đương với mức trung bình lịch sử. Hiện tại, câu hỏi về thuế suất thuế nhập khẩu mà Mỹ sẽ áp lên hàng hóa vào Mỹ, bao gồm cả hàng dệt may vẫn đang được bỏ ngỏ, do đó, tác động của chính sách thuế lên tăng trưởng của ngành đang là một dấu hỏi lớn.
Tuy vậy, với việc kỳ vọng mức thuế đánh lên các sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ thấp hơn hàng dệt may Trung Quốc, chúng ta có thể được hưởng lợi một phần từ sự dịch chuyển đơn hàng cho phía các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.