Siết chặt quản lý hóa đơn, ngăn chặn hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế
Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024, ngành Thuế đã tập trung vào các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, kê khai không đủ thuế như: Bất động sản, giao dịch liên kết, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi, thủ đoạn gian lận và chiếm đoạt tiền thuế. Ngành Thuế cũng tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý về hóa đơn, ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế dịp cuối năm.
Thanh, kiểm tra nhiều ngành, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế
Thông tin về tình hình thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế thông qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong năm 2024, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngay từ đầu năm, đã giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN) và chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế (NNT), chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, ngành đã tập trung vào các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, kê khai không đủ thuế, có dư địa thu lớn như: Bất động sản, giao dịch liên kết, thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, chứng khoán và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, kinh doanh vàng bạc, đá quý, bảo hiểm..., nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi, thủ đoạn gian lận và chiếm đoạt tiền thuế.
Kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra gần 63 nghìn tỷ đồng
Với việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đến nay cơ quan thuế đã thực hiện được 62.932 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, đạt 97,5% kế hoạch năm 2024; kiểm tra được 525.792 lượt hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 62.726 tỷ đồng, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, ngành Thuế triển khai hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nâng cao năng lực cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế, tăng chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, xây dựng và chỉ đạo các cục thuế triển khai thực hiện các chuyên đề chống thất thu theo các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như: hàng nông sản nhập khẩu; lĩnh vực vận tải, BOT; quản lý hộ kinh doanh; sản phẩm chăn nuôi; kinh tế đêm; kinh tế chia sẻ... Đến nay, hơn 96 tỷ đồng tiền thuế được yêu cầu nộp bổ sung thông qua công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh nông sản nhập khẩu.
Ngành Thuế yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường đại học kê khai, nộp bổ sung hơn 292 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp; đã thanh tra, kiểm tra 20 DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm, giảm lỗ gần 5 tỷ đồng, truy thu 3,3 tỷ đồng, phạt gần 1,2 tỷ đồng. Phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam để thu thập và làm rõ thông tin về các đơn vị kinh doanh vận tải; nhiều chuyên đề trọng điểm khác cũng đang được cơ quan thuế triển khai, rà soát, lựa chọn DN để đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Đối với các DN có giao dịch liên kết, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đẩy mạnh kiểm tra hồ sơ khai thuế, phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, rà soát các thông tin liên quan đến DN để nhận diện các DN có dấu hiệu rủi ro để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị toàn ngành trao đổi kinh nghiệm về thanh tra, kiểm tra đối với DN có giao dịch liên kết. Kết quả, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 622 DN có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.526 tỷ đồng; giảm lỗ 8.136 tỷ đồng; giảm khấu trừ 54,7 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.210 tỷ đồng.
Phối hợp ngăn chặn buôn lậu, gian lận thuế
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Thuế đã ban hành và triển khai trong toàn ngành Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn và quy trình hướng dẫn thực hiện; triển khai Ứng dụng đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử (HĐĐT) và tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT). Qua đó, xác định NNT có rủi ro cao, nghi ngờ gian lận thuế, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh thất thu NSNN. Trong năm 2024, cơ quan thuế đã chuyển hình thức sử dụng hóa đơn từ không mã sang có mã đối với 104 DN; đưa 944 DN thuộc diện có rủi ro cao về hóa đơn vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Ngành Thuế cũng đã xây dựng, triển khai nâng cấp chức năng cảnh báo sử dụng HĐĐT trên phạm vi toàn quốc triển khai từ ngày 15/4/2024. Kết quả xử lý nghiệp vụ được công chức thuế rà soát kiểm tra đối với 79.731 NNT thuộc diện cảnh báo.
Ngoài ra, ngành Thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu dữ liệu HĐĐT và tờ khai, tính đến ngày 30/11/2024, số thuế GTGT hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra NNT đã thực hiện kê khai điều chỉnh là 4.750 tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh số thuế GTGT đầu ra là 3.371 tỷ đồng; điều chỉnh số thuế GTGT đầu vào là 1.378,6 tỷ đồng. Cũng thông qua biện pháp rà soát, đối chiếu dữ liệu HĐĐT và tờ khai đã phát hiện 11.488 NNT đã dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra xử lý 712 NNT.
Để tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá, Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC. Trong đó, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; tăng cường công tác quản lý về hóa đơn nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thuế.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra được giao, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tăng cường quản lý hóa đơn, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tránh thất thu NSNN./.