Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn
Mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng thực tế hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn, mang lại hiệu quả trên nhiều mặt. Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, nơi nào có QTDND thì thành viên, các hộ gia đình có điều kiện giảm nghèo, hỗ trợ tích cực cho địa phương phát triển kinh tế vùng, tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư, góp phần giúp người dân giải quyết được khó khăn về tài chính.
Song song với mở rộng hoạt động cho vay, vấn đề kiểm soát các khoản vay, bảo đảm cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả được các QTDND chú trọng nhằm bảo đảm chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu của các QTDND trên địa bàn tỉnh so với tổng dư nợ của hệ thống QTDND luôn được duy trì ở mức thấp, trong giới hạn an toàn. Việc phát triển các QTDND không những cung cấp nguồn vốn tại chỗ cho phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho người gửi và vay vốn, mà còn thể hiện rõ tính nhân văn của loại hình hợp tác xã kinh doanh tiền tệ trong công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giảm được tình trạng cho vay nặng lãi và các hình thức biến tướng, nhằm góp phần bảo đảm trật tự xã hội ở các vùng nông thôn. Có được kết quả này, bên cạnh công tác chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, các QTDND luôn nhận thức được vai trò quan trọng của việc kiểm soát chất lượng tín dụng, từ đó chủ động kiểm soát chặt các khoản cho vay. Đồng thời, các QTDND đã phát huy lợi thế gần dân, hiểu dân, thủ tục nhanh gọn.
Điển hình như QTDND Chuyên Ngoại (Duy Tiên), đến thời điểm này dư nợ ước đạt hơn 230 tỷ đồng. Nguồn vốn của quỹ chủ yếu đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nuôi cá lồng, dịch vụ thương mại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo đánh giá của nhiều thành viên trong quỹ, nếu so với lãi suất của ngân hàng thì lãi suất của QTDND có thời điểm cao hơn, song đối với nhiều khách hàng việc tiếp cận nguồn vốn của QTDND rất thuận lợi, thủ tục vay vốn không rườm rà, thành viên vay vốn không phải chi phí bất cứ một khoản nào khác và không phải đi xa như vay vốn ngân hàng. Đối với những thành viên uy tín, thường xuyên sử dụng nguồn vốn của QTDND thì việc vay vốn còn thuận tiện hơn, chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng 1-2 giờ là có thể vay được vốn đầu tư kinh doanh.

Cán bộ tín dụng QTDND Tiên Tân (TP Phủ Lý) rà soát nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành viên.
Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch HĐQT QTDND Chuyên Ngoại cho biết: Trong quá trình hoạt động, cán bộ làm công tác tín dụng tại QTDND có điều kiện gần gũi từng hộ gia đình trong xã, thôn, biết rõ việc đầu tư sản xuất kinh doanh, uy tín của từng khách hàng để phán quyết những khoản cho vay. Trên cơ sở đó, có điều kiện để thẩm định dự án, thông qua trực tiếp kiểm tra hồ sơ, đánh giá thực tế và nắm bắt thông tin trong khu vực. Nhờ cách làm này, trong thời gian qua, ngoài giải ngân vốn của quỹ, đơn vị còn hợp vốn với Ngân hàng Hợp tác xã (Co-opBank), Chi nhánh tỉnh Hà Nam giải ngân vốn cho khách hàng vay. Thông qua đó, khách hàng có điều kiện vay vốn lớn có thể đến quỹ tín dụng, thay vì phải đến một số các ngân hàng thương mại.
Thời gian tới, QTDND Chuyên Ngoại chủ động điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với diễn biến của thị trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; chú trọng nâng cao năng lực tài chính, công tác quản trị điều hành, kiểm soát; nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro; tuân thủ đúng các quy định về an toàn trong hoạt động, các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng và kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.
Theo tổng hợp của ngành chức năng, đến thời điểm này toàn tỉnh có 12 QTDND đang hoạt động với nguồn vốn huy động ước hơn 2.000 tỷ đồng, giải ngân được khoảng hơn 1.600 tỷ đồng, cho hơn 3.200 thành viên vay vốn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế song trong thời gian qua hoạt động của hệ thống QTDND từng bước khẳng định vai trò, vị trí của loại hình tổ chức tín dụng hiệu quả; phát huy được ưu thế trong công tác huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư để cho vay, tương trợ cộng đồng vì sự phát triển bền vững. Để hỗ trợ các QTDND hoạt động hiệu quả, thời gian qua, Ngân hàng Hợp tác xã (Co-opBank), Chi nhánh tỉnh Hà Nam thường xuyên bám sát hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, điều tiết nguồn vốn, hợp vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Bùi Đình Thành, Quyền Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã (Co-opBank), Chi nhánh tỉnh Hà Nam cho biết: Thời gian qua, chi nhánh đã phối hợp với các QTDND phát huy tối đa lợi thế trong hoạt động của QTDND nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, chi nhánh tập trung hỗ trợ các QTDND đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, hỗ trợ chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ ngân hàng, cảnh báo ngăn ngừa rủi ro, sai phạm, với mục tiêu bảo đảm hệ thống QTDND hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đơn vị cũng khuyến khích các QTDND xây dựng các đại lý cho Co-op Bank như thu hút khách hàng mở tài khoản cá nhân, chuyển tiền và thực hiện các dịch vụ khác.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các QTDND, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Khu vực 7 đã chỉ đạo các QTDND: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, phát huy tối đa lợi thế trong hoạt động của QTDND nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính cho thành viên; các phòng ban nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống QTDND nhằm chấn chỉnh, kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định, với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các QTDND.