Việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng là cần thiết nhưng cần đánh giá thêm tác động
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, sáng 13/5, Quốc hội khóa XV nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Thẩm tra tờ trình, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng là cần thiết nhưng cần đánh giá thêm tác động.

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 13/5. Ảnh: VPQH cung cấp.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thành phố Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, thể chế hóa đường lối của Đảng, việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính sẽ tạo ra không gian phát triển rộng lớn, tạo dư địa tăng tốc và hình thành cực tăng trưởng quan trọng cho phía Bắc và cả đất nước. Điều đó càng đặt ra yêu cầu có một cơ chế vượt trội, phù hợp với đặc thù để phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế mới của Hải Phòng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đề xuất được cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất
Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng đề xuất thực hiện thí điểm được xây dựng theo 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: Quản lý đầu tư; Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Ảnh: VPQH cung cấp.
Trong đó, việc đề xuất thí điểm phân cấp cho UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có quy mô trên 2.300 tỉ đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động, linh hoạt, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các khu bến cảng theo quy hoạch được duyệt trong thời gian sớm nhất, sớm đưa các dự án vào vận hành khai thác.
Dự thảo quy định TP Hải Phòng được cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm logistics phục vụ cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa với quy mô trên 50 ha.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhận thấy, quy định này khác với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đấu thầu hiện hành. Tuy nhiên, Kết luận 96 của Bộ Chính trị đã cho phép ban hành Nghị quyết mới được áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá, vì vậy, quy định trên có căn cứ chính trị và cơ sở pháp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp.
Có ý kiến đề nghị cần thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật để bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có khả năng và điều kiện để thực hiện dự án hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của Thành phố và các bên liên quan.
Dự thảo Nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Quy định này đang được áp dụng tương tự tại TP Đà Nẵng để hỗ trợ phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nhưng với thời gian dài hơn (10 năm).
Đồng ý chủ trương, song đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị bổ sung quy định: “Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì thực hiện nộp thuế theo quy định tương ứng” để bảo đảm thống nhất với chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chính sách ưu đãi áp dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả, không tác động tiêu cực đến ngân sách nhà nước.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, dự thảo Nghị quyết quy định điều khoản mở để áp dụng cho trường hợp sáp nhập. Tức là sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trường hợp thành phố sáp nhập với đơn vị hành chính cấp tỉnh khác để hình thành đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thì các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này được tiếp tục áp dụng cho đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, quy định này chỉ dừng ở mức độ nguyên tắc chung. Các đánh giá tác động, các mục tiêu đặt ra căn bản trên cơ sở địa giới hiện có, dân số hiện hữu, tiềm năng, lợi thế hiện nay của riêng Hải Phòng. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chính sách phù hợp để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng sau khi mở rộng địa giới hành chính…
Thành lập Khu thương mại tự do là cần thiết nhưng cần đánh giá thêm tác động
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất: “Thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng” là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Khu Thương mại tự do Hải Phòng được tổ chức thành các khu chức năng: khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất phân cấp cho Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu Thương mại tự do Hải Phòng gắn với Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tương tự như khu công nghiệp”.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là cần thiết, là quyết tâm chính trị của TP Hải Phòng và Chính phủ; có đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, Ủy ban đề nghị làm rõ: Tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền...; Cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng, song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội; Trách nhiệm trong triển khai của các cá nhân, tổ chức liên quan.