Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội: Không vì cơ cấu mà để sót, lọt cán bộ tốt

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, quá trình sắp xếp bộ máy xã, phường mới sẽ không vì cơ cấu mà hạ thấp chất lượng cán bộ và cũng không để sót, lọt cán bộ tốt.

Chiều 13/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 và Hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

Bố trí cán bộ phù hợp với năng lực

Nêu ý kiến tại hội nghị, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định thông tin, để chuẩn bị cho sắp xếp cán bộ khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, quận đã rà soát, lên danh sách tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quận, kèm theo các biểu mẫu phân tích về trình độ, năng lực, khả năng phát triển, mức độ hoàn thành công việc thời gian qua.

Theo ông Vũ Đăng Định, với quận nội đô lịch sử, số lượng cán bộ, công chức, viên chức phải bố trí, sắp xếp là rất lớn. Như quận Hoàn Kiếm, có tổng số 632 cán bộ, trong đó 51 trường hợp đã có đơn xin nghỉ việc từ 1/7. Quận phải bố trí, sắp xếp 581 cán bộ, trong khi sau sắp xếp, quận sẽ hình thành 2 phường Hoàn Kiếm, Cửa Nam. Do định biên của phường sau này chỉ khoảng hơn 50 cán bộ, nên lượng dôi dư rất lớn.

Nhấn mạnh trình độ công chức, cán bộ thuộc quận Hoàn Kiếm có trình độ đào tạo rất cao, ông Vũ Đăng Định đề xuất xem xét bố trí phù hợp theo năng lực.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm nêu tham luận tại hội nghị.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm nêu tham luận tại hội nghị.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm nêu, theo đề án, huyện sẽ sắp xếp thành 4 xã. Hướng dẫn của Ban Thường vụ Thành ủy về tiêu chuẩn bí thư cấp ủy cấp xã sau sáp nhập là nhân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ chức vụ phó bí thư cấp ủy hoặc tương đương trở lên.

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, từ thực tiễn nhân sự ở địa phương, cần có hướng dẫn, xem xét cụ thể, bởi ở huyện chỉ có 3 người đủ điều kiện nêu trên.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh cũng đề nghị xem xét với các trường hợp cán bộ từng bị kỷ luật do sinh con thứ 3, nhưng có năng lực nổi trội, vì theo quy định mới nhất, những trường hợp này không bị kỷ luật nữa.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cũng nêu, theo đề án, huyện sẽ sắp xếp còn 5 xã. Mỗi xã sẽ có khoảng 33 cán bộ vào ban chấp hành, nhưng trừ 2 vị trí cơ cấu cứng, còn 31 người. Tổng số 5 xã sẽ chỉ có 155 người vào ban chấp hành, nhưng qua rà soát, từ phó chủ tịch xã hiện nay và trưởng, phó phòng của huyện, tổng số có 339 người.

Như vậy, theo ông Lê Trung Kiên, sẽ chỉ có 45% cán bộ được vào ban chấp hành và có chức vụ, còn lại sẽ trở thành chuyên viên.

“Đây là vấn đề rất trăn trở, băn khoăn”, ông Lê Trung Kiên nói, đồng thời cho biết thực tế hiện nay, nhân sự bố trí cấp ủy thì thừa, nhưng nhân sự để bố trí cán bộ chủ chốt như bí thư, phó bí thư thì lại thiếu do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ

Trao đổi về vấn đề trên, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, hướng dẫn của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nêu rất rõ các thứ tự ưu tiên bố trí nhân sự cấp ủy xã, phường sau sáp nhập. Ưu tiên đầu tiên là nhân sự đảm bảo đủ điều kiện và có trong quy hoạch. Ưu tiên thứ hai là cán bộ chưa có trong quy hoạch, đang thiếu một số điều kiện, nhưng đáp ứng được năng lực về công việc.

“Chúng ta đã có quy hoạch trước đây của 30 quận, huyện, trên cơ sở đó, sẽ chọn lựa cho các xã, phường sau sắp xếp. Tinh thần của Trung ương, chỉ đạo của Bí thư và Ban Thường vụ Thành ủy là lấy cán bộ có năng lực. Kể cả trong danh sách ưu tiên một, cán bộ đủ điều kiện và nằm trong quy hoạch, nhưng qua đánh giá không đáp ứng được yêu cầu công việc thì phải báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét”, ông Hải nói và nhấn mạnh, không vì cơ cấu mà hạ chất lượng, xác định chất lượng là yếu tố sống còn, cốt lõi trong vấn đề này.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải giải đáp băn khoăn của đại biểu.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải giải đáp băn khoăn của đại biểu.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nói thêm, với các cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn, sẽ có đánh giá, nhìn nhận, đề xuất từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như cấp phó chủ tịch xã, phường, trưởng, phó phòng (cấp huyện) có thể qua đánh giá đáp ứng được yêu cầu công việc thì bố trí ngay ở địa bàn sau sáp nhập, hoặc báo cáo lên Thành ủy để bố trí cho xã, phường khác. “Tinh thần là đảm bảo không để sót, lọt cán bộ tốt”, ông Hải nêu.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc sắp xếp, bố trí cán bộ “dứt khoát phải dựa trên việc tìm người”. Theo ông Nguyễn Văn Phong, việc đánh giá cán bộ dựa trên những kết quả công việc cụ thể, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. “Chất lượng là quan trọng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn và chất lượng”, ông Phong nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố cũng sẽ chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với những đối tượng bị tác động bởi sắp xếp bộ máy.

Sau khi hình thành các đơn vị hành chính cấp xã mới, theo ông Phong, thành phố tiếp tục tăng cường phân cấp, ủy quyền, trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

“Thống nhất việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ không bó hẹp trong địa giới, mà phi địa giới, cũng không bó hẹp cán bộ của quận này, quận kia, mà có lên có xuống, có ngang có dọc, có vào có ra, thực hiện đúng tinh thần là vì việc mà bố trí người”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng, việc sắp xếp cán bộ đồng đều giữa các xã là thể hiện cái tâm, cái tầm, là nghệ thuật, trách nhiệm của ban thường vụ cấp ủy hiện tại, đặc biệt là người đứng đầu.

Quang Phong/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/truong-ban-to-chuc-thanh-uy-ha-noi-khong-vi-co-cau-ma-de-sot-lot-can-bo-tot-20250513195813648.htm
Zalo