Hệ quả chiến lược từ cam kết mạnh mẽ của châu Âu với an ninh Ukraine

Châu Âu đang cân nhắc triển khai chiến đấu cơ bảo vệ không phận phía Tây Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga – sáng kiến có thể được thực hiện mà không cần đến sự hậu thuẫn trực tiếp từ Mỹ, nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán chia sẻ với Al Jazeera.

Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Hoàng gia Hà Lan tại căn cứ Leeuwarden. Ảnh tư liệu: MILITARNYI/TTXVN

Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Hoàng gia Hà Lan tại căn cứ Leeuwarden. Ảnh tư liệu: MILITARNYI/TTXVN

Sáng kiến Skyshield – Thông điệp chính trị và chiến lược phòng thủ

Kế hoạch này, mang tên Skyshield, không chỉ có ý nghĩa quân sự, mà còn là tuyên bố chính trị mạnh mẽ, thể hiện cam kết của châu Âu đối với an ninh của Ukraine. Nếu được triển khai, đây sẽ là lần đầu tiên các máy bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoạt động trong không phận Ukraine, đánh dấu bước leo thang đáng kể về sự hiện diện quân sự phương Tây trong khu vực.

Mặc dù Skyshield có thể được kích hoạt trong bối cảnh một thỏa thuận ngừng bắn, kế hoạch này đã được thiết kế để có thể hoạt động trong điều kiện chiến đấu – do các chuyên gia từ Ukraine và Anh phát triển.

Theo bà Victoria Vdovychenko, chuyên gia về chiến tranh hỗn hợp tại Trung tâm Địa chính trị của Đại học Cambridge, Anh và Pháp đang tích cực cân nhắc phương án này, trong khi Đức, Italy và các nước Scandinavia cũng đã được thông báo về kế hoạch.

Tuy nhiên, bà thừa nhận một số quốc gia vẫn do dự trước quyết định triển khai chiến đấu cơ trong bối cảnh xung đột đang tiếp diễn.

Skyshield là sáng kiến của tổ chức nghiên cứu Price of Freedom, do bà Lesya Orobets – một nhà hoạt động Ukraine – sáng lập vào năm ngoái. Sáng kiến được đề xuất trong cuộc khủng hoảng phòng không vào mùa xuân năm ngoái, giữa lúc Mỹ trì hoãn phê duyệt gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine. Trong một cuộc gọi với Tư lệnh Không quân Ukraine, bà Orobets được cảnh báo về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu máy bay đánh chặn để bắn hạ tên lửa.

Kế hoạch đề xuất triển khai khoảng 120 chiến đấu cơ châu Âu để bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự và các tuyến đường quan trọng của Ukraine dọc theo sông Danube và Biển Đen. Điều này sẽ giúp Không quân Ukraine tập trung bảo vệ tuyến đầu phía Đông, nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt.

Máy bay châu Âu dự kiến xuất phát từ căn cứ tại Ba Lan và Romania, chủ yếu hoạt động ở phía Tây sông Dnipro và khu vực xung quanh thủ đô Kiev.

Thách thức về chi phí và hiệu quả quân sự

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) tại căn cứ quân sự Melsbroek (Bỉ), ngày 28/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) tại căn cứ quân sự Melsbroek (Bỉ), ngày 28/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Triển khai không quân là một lựa chọn đắt đỏ. Theo Đại tá Konstantinos Zikidis của Không quân Hy Lạp, chi phí vận hành một giờ bay dao động từ 28.000 USD (với F-16) đến 45.000 USD (với Rafale). Ngoài ra, việc đảm bảo hoạt động liên tục đòi hỏi nhân sự kỹ thuật, hậu cần và phi công làm việc theo ca – một thách thức về nhân lực và tài chính.

Ông Zikidis cũng lưu ý sử dụng chiến đấu cơ để đánh chặn tên lửa hành trình không hiệu quả bằng các hệ thống phòng không mặt đất, vốn có chi phí thấp hơn và hiệu suất cao hơn trong nhiệm vụ này. Ông nhấn mạnh những máy bay này chỉ có thể đánh chặn tên lửa nếu được hệ thống radar mặt đất cung cấp tọa độ, vì không thể tuần tra toàn bộ bầu trời một cách hiệu quả.

Ngoài ra, châu Âu không sở hữu các hệ thống radar cảnh báo sớm trên không như AWACS – công cụ rất cần thiết cho nhiệm vụ này. Các phi công Ukraine vẫn bắn hạ tên lửa bằng vũ khí không đối không, cho thấy radar mặt đất vẫn đủ khả năng hỗ trợ ở mức độ nhất định.

Một mối lo lớn khác là nguy cơ thương vong nếu máy bay bị bắn hạ. Theo bà Vdovychenko, việc này khiến nhiều quốc gia châu Âu chưa sẵn sàng đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, bà Orobets nói việc tấn công thiết bị bay không người lái và tên lửa hành trình là nhiệm vụ khá dễ dàng đối với các phi công được huấn luyện chuyên sâu, và Skyshield vẫn là phương án ít rủi ro hơn so với việc thiết lập vùng cấm bay hay đưa bộ binh châu Âu tới gần tiền tuyến.

Hệ quả chiến lược: Leo thang căng thẳng với Nga

Hệ thống phòng không SAMP/T Mamba. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hệ thống phòng không SAMP/T Mamba. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Một trong những lý do khiến phương Tây thận trọng là nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga. Skyshield sẽ cho phép Không quân Ukraine chuyển trọng tâm sang tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng các tiêm kích F-16 sắp được chuyển giao.

Ukraine muốn nhắm vào các sân bay Nga sử dụng để thả bom không điều khiển (CAB) – loại vũ khí đã được Nga sử dụng ngày càng nhiều, với hơn 5.000 quả được thả chỉ trong tháng 4.

Ngoài ra, Ukraine dự kiến di chuyển các hệ thống phóng tên lửa gần hơn đến tiền tuyến, mở rộng khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, những hành động này có thể khiến Nga phản ứng mạnh.

Moska từng cảnh báo sẽ hành động đối phó với sự hiện diện của lực lượng quân sự phương Tây ở lãnh thổ Ukraine. Trong tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng ngoại giao nhóm BRICS ở Rio de Janeiro vào tháng trước, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Sergei Shoigu, cảnh báo bất kỳ lực lượng quân sự nào của các quốc gia phương Tây xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine đều sẽ bị Nga coi là mục tiêu hợp pháp.

Theo bà Orobets, Chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden cũng từng lo ngại nếu máy bay của Mỹ hoặc đồng minh xâm nhập không phận Ukraine, điều đó sẽ khiến Mỹ trở thành bên trực tiếp tham gia xung đột – điều Washington muốn né tránh bằng mọi giá.

Mỹ đã không chấp thuận cho Ukraine sử dụng các hệ thống tên lửa tầm xa như ATACMS (tầm bắn 300 km) hay Taurus của Đức (tầm bắn 500 km) vì lo ngại Nga sẽ coi đây là hành động leo thang căng thẳng, đưa Mỹ trở thành một bên tham chiến.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/he-qua-chien-luoc-tu-cam-ket-manh-me-cua-chau-au-voi-an-ninh-ukraine-20250521110652706.htm
Zalo