Tại sao người thiết kế bom hydro lại che giấu vai trò của mình suốt 50 năm? - Kỳ 3

Khi làm cố vấn cho Tổng thống John F. Kennedy và Richard M. Nixon, Tiến sĩ Garwin đã nỗ lực chấm dứt và giám sát mối đe dọa bom hydro.

Kỳ 3: Giám sát mối đe dọa bom hydro

Theo tờ The New York Times, Tổng thống John F. Kennedy đã sử dụng những thành tựu khoa học và quân sự của Mỹ để gây sức ép với Moskva và phô diễn lợi thế công nghệ của phương Tây. Đó là chiến lược hàng đầu của ông trong Chiến tranh Lạnh.

Ánh chớp do vụ nổ tạo ra được nhìn thấy qua lớp mây dày từ Honolulu, cách xa 1.450 km. Ảnh: Wikipedia

Ánh chớp do vụ nổ tạo ra được nhìn thấy qua lớp mây dày từ Honolulu, cách xa 1.450 km. Ảnh: Wikipedia

Vào ngày 9/7/1962, quân đội Mỹ cho nổ một quả bom hydro ở độ cao khoảng 400 km trên Thái Bình Dương nhằm tìm cách tiêu diệt các đầu đạn Liên Xô bay tới. Vụ nổ hạt nhân ở độ cao kỷ lục này đã gây ra những hiện tượng bất ngờ cả dưới mặt đất lẫn trong không gian. Đèn đường ở Hawaii tắt phụt. Các vệ tinh trên quỹ đạo ngừng hoạt động.

Hóa ra vụ nổ đã làm tăng cường các vành đai bức xạ quanh Trái Đất, khiến các vành đai chứa các hạt năng lượng cao trở nên nguy hiểm hơn. Quân đội Mỹ lúc đó đang chuẩn bị một vụ nổ khác ở độ cao còn lớn hơn: trên 1.300 km.

Tổng thống Kennedy muốn đánh giá ngay rủi ro. Dù bị Lầu Năm Góc thúc ép, nhưng ông đã cho phép chuẩn bị cho vụ nổ cực cao đó, có mật danh là Urraca. Câu hỏi cấp bách của Tổng thống là liệu kích nổ vũ khí hạt nhân của Mỹ ngoài không gian có tạo ra đủ lượng bức xạ để gây nguy hiểm cho con người và phá hủy kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt Trăng hay không.

Ngày 25/7/1962, ông gửi điện tín cho Tiến sĩ Richard Garwin, mời ông gia nhập nhóm cố vấn khoa học của Nhà Trắng.

Vài tuần sau, ông Kennedy gặp Tiến sĩ Garwin và các cố vấn cấp cao tại Phòng Bầu dục để bàn về các nguy cơ bức xạ. Nhà vật lý nhớ lại rằng Tổng thống lo ngại vụ nổ gần đây “đã giết chết chương trình Apollo” - chương trình đưa người Mỹ lên Mặt Trăng. Lượng bức xạ tăng cao đó sẽ kéo dài bao lâu?

“Rất lâu”, Tiến sĩ Garwin trả lời và nói thêm rằng không thể xác định chính xác. Sau một hồi thảo luận về rủi ro và những điều chưa rõ, Garwin cho rằng vùng nguy hiểm có thể tồn tại từ hai đến 20 năm.

Cuộc họp ở Phòng Bầu dục đó rất có thể là bước ngoặt.

Ngày 5/9/1962, ông Kennedy hỏi các cố vấn an ninh quốc gia và khoa học rằng liệu mối nguy bức xạ có thể khiến hành trình lên Mặt Trăng trở nên bất khả thi hay không. Họ thảo luận về rủi ro, danh sách các vụ thử hạt nhân sắp tới của Mỹ và khả năng quân đội có thể từ bỏ vụ nổ Urraca ở độ cao 1.300km.

Hai ngày sau, tại một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia, vụ thử ở độ cao nói trên đã bị hủy bỏ.

Năm sau đó, ông Kennedy ký hiệp ước với Liên Xô, cấm thử vũ khí hạt nhân ngoài không gian, trong khí quyển và dưới nước. Các vụ thử chỉ còn được phép diễn ra sâu dưới lòng đất. Dần dần, mức bức xạ cao trong các vành đai quanh Trái Đất giảm xuống nhờ phân rã tự nhiên và khuếch tán.

Từ năm 1968 đến 1972, NASA đã đưa hơn 20 phi hành gia bay qua vùng nguy hiểm. Sau đó, các chuyên gia đánh giá mức phơi nhiễm của họ và phát hiện ra rằng liều bức xạ họ nhận được còn thấp hơn cả những người làm các công việc công nghiệp liên quan đến bức xạ. Không có ai trong số họ gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tới thời Tổng thống Richard M. Nixon, ông muốn Moskva và Washington ký một hiệp ước lịch sử nhằm giới hạn kho vũ khí hạt nhân.

Các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu vào năm 1969, năm ông nhậm chức. Đồng thời, ông và các cố vấn tìm cách đánh giá tốt hơn quy mô kho vũ khí của Liên Xô nhằm xác minh quá trình tuân thủ thỏa thuận. Mục tiêu tổng thể là giữ cho mối đe dọa hạt nhân ở mức đủ đáng sợ và cân bằng để ngăn chặn chiến tranh xảy ra.

Một thế hệ vệ tinh do thám mới là công cụ trung tâm. Ở trên cao, các vệ tinh mở ra một “ống kính” mới quan sát các hoạt động bí mật của máy bay ném bom, tàu ngầm và tên lửa Liên Xô có khả năng mang vũ khí nhiệt hạch đến Mỹ. Tiến sĩ Garwin, khi đó đã là cố vấn khoa học cho Tổng thống Nixon, dốc toàn lực vào dự án vệ tinh này.

Các vệ tinh do thám đời đầu của Mỹ dùng phim chụp ảnh nên cồng kềnh, chậm chạp và lãng phí. Phải mất nhiều tuần phim chụp mới đến tay các nhà phân tích. Một khi phim hết, các vệ tinh đắt tiền kia cũng trở thành rác thải không gian.

Tiến sĩ Garwin dẫn đầu nhóm chuyên gia phát triển một loại vệ tinh tiên tiến hơn, thay phim bằng vi điện tử và bộ phát vô tuyến. Hình ảnh mới được truyền ngay xuống mặt đất. Nhóm cũng đề xuất sử dụng kính viễn vọng mạnh hơn. Về bản chất, các vệ tinh do thám mới này giống như tiền thân của kính viễn vọng Hubble, nhưng hướng về Trái Đất.

Dự án này cực kỳ tuyệt mật. Tháng 7/1971, Tiến sĩ Garwin cho gửi bản thảo báo cáo cuối cùng đến các thành viên nhóm. Họ phải đọc rồi trả lại ngay, không được giữ bản sao.

Tháng sau, Tiến sĩ Garwin và một đồng nghiệp trình bày với Kissinger, người đã ủng hộ cách tiếp cận điện tử - quang học mới. Điều đáng chú ý là công nghệ này đi trước cả máy ảnh số vài thập kỷ.

Tháng 9 năm đó, Tổng thống Nixon phê duyệt kế hoạch phát triển vệ tinh do thám mới, thứ sau này trở thành hình mẫu cho tất cả thế hệ sau. Về mặt quan hệ Đông - Tây, công nghệ này được xem là giúp tăng tính dự đoán và giảm bất ngờ, qua đó hạ thấp căng thẳng giữa hai siêu cường.

Năm sau, Nixon gặp lãnh đạo Liên Xô Leonid I. Brezhnev tại Moskva và ký một hiệp ước lần đầu tiên giới hạn kho vũ khí hạt nhân của hai nước.

Tiến sĩ Garwin nhận hai giải thưởng cho công trình này, gồm một giải thưởng của CIA năm 1996 và một giải thưởng của Văn phòng Trinh sát Quốc gia năm 2000. Bản tuyên dương ghi nhận rằng ông đã giúp Kissinger hiểu được vai trò thiết yếu của công nghệ do thám trong ổn định thế đối đầu hạt nhân giữa các cường quốc.

Đón đọc kỳ cuối: Di sản kiểm soát vũ khí hạt nhân

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/tai-sao-nguoi-thiet-ke-bom-hydro-lai-che-giau-vai-tro-cua-minh-suot-50-nam-ky-3-20250521144707773.htm
Zalo