Hé lộ 'mắt phát sáng' của vua Quang Trung và ngọn đèn vĩnh cửu

Từ 'con mắt phát sáng' của vua Quang Trung và vết bỏng đặc trưng, rồi chết ngạt của quân Thanh… kỹ sư Vũ Đình Thanh đã chỉ ra vua Quang Trung đã biết đến phốt pho và sử dụng nó thành 'siêu vũ khí'.

Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, kỹ sư Vũ Đình Thanh, chuyên gia kỹ thuật của cơ quan nghiên cứu sản xuất NPO ALMAZ (trụ sở chính ở Moscow, Nga - nơi sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không S300, S500) cho rằng, con mắt phát sáng trong đêm của vua Quang Trung, vết bỏng phốt pho đặc trưng trong trận Ngọc Hồi, quân Thanh ngộ độc lê lết về biên giới khiến dân nhà Thanh sợ hãi bỏ chạy, đầu nổ hỏa hổ tự cháy, gò Đống Đa cùng cái chết của Sầm Nghi Đống, hai người lính khiêng thuyền, hang dơi và đảo phân chim Hoàng Sa, Trường Sa … là những bằng chứng rõ ràng về vũ khí phốt pho của vua Quang Trung (tiếng la tinh là phosphorus).

 Tranh minh họa con mắt phát sáng của vua Quang Trung. Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh cung cấp.

Tranh minh họa con mắt phát sáng của vua Quang Trung. Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh cung cấp.

Vết bỏng đặc trưng của vũ khí phốt pho

Kỹ sư Vũ Đình Thanh cho hay, khi quân Thanh kéo vào nước Đại Việt, tất cả các văn bản đều đóng dấu niên hiệu Càn Long. Vua Thanh Càn Long đã có chỉ dụ cho quân Thái Lan phối hợp bao vây tiêu diệt quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ, không cho hoàng đế Đại Việt Nguyễn Huệ chạy trốn. Thế nhưng sau một trận đánh chưa đầy 4 ngày, quân dân hùng mạnh, vốn được cho là “bất khả chiến bại” của nhà Thanh đã bị đánh cho tan tác.

 Minh họa vết bỏng khủng khiếp từ phốt pho. Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh.

Minh họa vết bỏng khủng khiếp từ phốt pho. Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh.

Sử nhà Thanh còn ghi lại tới hôm nay: “Cuối tháng Ba, tân nhiệm Lưỡng Quảng tổng đốc là Phúc Khang An báo cáo là ở Trấn Nam Quan mỗi ngày vẫn còn 3, 4 có khi 7, 8 người qua ải, phần lớn bệnh hoạn hoặc bị trọng thương“. Nguyên nhân, theo kỹ sư Thanh, là do bị lửa phốt pho đốt cháy. Chính Tôn sĩ Nghị chạy được về nước cũng phải điểu trị vài tháng chắc chắn là do bị một quả hỏa cầu phốt pho nổ gần, may mà chạy kịp.

Kỹ sư Vũ Đình Thanh phân tích, vết bỏng phốt pho là vết bỏng rất đặc trưng, có một không hai trong lịch sử vũ khí. Vết bỏng đó không thể lẫn đi vào đâu được vì nó y hệt như thò tay vào vạc dầu, nham nhở hở cả xương. Hình ảnh vết bỏng đó được chính sử nhà Thanh ghi lại nhiều lần “nóng như thò tay vào vạc dầu“. Đây là một trong những bằng chứng cho thấy, hoàng đế Quang Trung có sử dụng vũ khí phốt pho.

Tướng nhà Thanh - Trần Gia Ôn - trong một trận chiến giáp lá cà với quân Tây Sơn đã hốt hoảng về tâu lên hoàng đế nhà Thanh rằng: "Nó (chỉ hỏa hổ - hỏa cầu) nhanh như sấm chớp, nóng như thò tay vào vạc dầu. Quân có tinh nhuệ đến mấy cũng không thể nào tránh, chống đỡ được. Gặp vũ khí này thì gươm đao cũng thành vô hiệu, các dụng cụ công thành, khiên mác cũng hóa vô dụng”.

Phát hiện này của kỹ sư Thanh được Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, AHLLVTND Nguyễn Huy Hiệu, người đã trải qua gần trăm trận đánh khốc liệt, từ chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Quảng Trị năm 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975... hoàn toàn đồng tình.

“Khi bom phốt pho nổ, phốt pho văng xa hàng chục mét, ai bị dính phải thì y hệt như là bị ném vào vạc dầu, trợt cả xương. Chỉ có phốt pho mới gây vết thương như vậy", vị tướng từng trực tiếp đối đầu với vũ khí phốt pho khẳng định.

Tướng Hiệu cũng đồng tình với kỹ sư Thanh về việc Tôn Sĩ Nghị có cả hàng vạn quân thiện chiến vừa dẹp khởi nghĩa ở Đài Loan về đang trực chiến (vì vua Quang Trung đã bắt đầu tấn công từ 3 hôm trước đó) chắc chắn bị dính phốt pho cháy từ hỏa cầu phốt pho nổ tung nên mới cuống cuồng bỏ chạy, bỏ cả ấn tín, chặt đứt cả cầu phao như sử sách đã ghi.

“Nếu đánh nhau bằng gươm đao chắc chắn không có cảnh như vậy , sử nhà Thanh mô tả Tôn Sĩ Nghị khi về đến nhà bị ốm chắc chắn là thở phải khói phốt pho", tướng Hiệu phân tích.

Cũng theo sử nhà Thanh, hình ảnh hỏa cầu Tây Sơn nổ “nhanh như sấm chớp" cũng mô tả rõ ràng cách phốt pho trắng được tung vào không khí, tự bốc cháy và chứng minh rõ ràng hỏa cầu của Tây Sơn là hỏa cầu phốt pho.

Ngoài ra, nhận định của kỹ sư Thanh lại càng được củng cố bằng các bằng chứng là hỏa cầu từ thời Tây Sơn còn sót lại trong các bảo tàng. Theo đó, thành hỏa cầu rất dày nên không thể bị phá vỡ bởi thuốc nổ đen. Thành dày này đã tạo áp suất lớn, khi "quả pháo đùng" thuốc nổ đen nổ sẽ tống phốt pho vào không khí, rồi phốt pho tự bốc cháy với nhiệt độ lên tới 2.700 độ.

Kỹ sư Thanh cũng tìm thấy chi tiết kỹ thuật cực kỳ quan trọng chứng minh về vũ khí phốt pho từ sử nhà Nguyễn. Đó là “hỏa đồng, còn có tên là hỏa hổ, có bầu lớn, dài chừng một thước (khoảng 30 cm), khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy".

Bắn pháo thăng thiên từ ống hỏa hổ. Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh.

Bắn pháo thăng thiên từ ống hỏa hổ. Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh.

“Nhựa thông tự bốc cháy khi tung vào trong không khí là chi tiết kỹ thuật rất quan trọng. Vì để nhựa thông cháy cần phải mồi bằng nhiệt độ mồi cao. Vậy cái gì tự cháy có nhiệt độ cao để mồi nhựa thông cháy?”, kỹ sư Thanh đặt câu hỏi.

Sau đó, kỹ sư Thanh đã tìm ra câu trả lời từ sử nhà Nguyễn: “Tây Sơn dùng nhựa cây trộn với dầu mỏ chế ra loại hỏa dược cháy lâu và không thể dập tắt“. Chỉ vài dòng ngắn gọn thôi nhưng vô cùng quan trọng, hé lộ chi tiết kỹ thuật. Vì phốt pho hòa tan được vào với dầu mỏ, dầu mỏ trộn với nhựa thông được đặt trong đầu hỏa hổ, khi bắn đầu hỏa hổ bay đi trúng mục tiêu rồi vỡ tung ra.

Phốt pho hòa tan trong dầu mỏ gặp oxy trong không khí sẽ tự cháy với nhiệt độ lên tới 2.700 độ C dễ dàng mồi dầu mỏ và nhựa thông cháy y hệt như bom napalm ngày nay. Chất lỏng của quân Tây Sơn tất nhiên không thể dập tắt vì có phốt pho hòa tan trong dầu mỏ nếu tiếp xúc với oxy lập tức bùng cháy. Dầu mỏ thì thời đó đã có sẵn ở vùng biển phía nam nước ta, trong lịch sử cả Việt Nam và Trung quốc đều dùng dầu mỏ tự nhiên để làm đuốc.

Một bằng chứng quan trọng nữa, đó là vũ khí phốt pho khi vận chuyển cần phải dìm trong nước. Sử nhà Nguyễn ghi lại, có hình ảnh hai chiến binh Tây Sơn khi hành quân gánh một thuyền nhỏ, trong thuyền nhỏ có nước, hỏa cầu, đầu nổ hỏa hổ (vũ khí phốt pho) được dìm trong nước giúp vận chuyển an toàn. Trước trận đánh sẽ lắp khối thuốc nổ đen vào hỏa cầu phốt pho và lắp đầu nổ vào hỏa hổ. Việc này cũng được các giáo sĩ phương Tây ghi nhận, rằng quân Tây Sơn biết pha chế thuốc súng trước trận đánh.

“Cái chết toàn thây” từ hiệu ứng siêu nguy hiểm

Kỹ sư Vũ Đình Thanh cho hay, vũ khí phốt pho chỉ sau vũ khí nguyên tử vì ngoài nhiệt độ cao lên tới 2.700 độ C, cái nguy hiểm nhất của vũ khí phốt pho là nhanh chóng đốt hết oxy trong không khí gây chết ngạt (kể cả khi không trực tiếp tiếp xúc với lửa từ phốt pho). Nếu không chết ngạt thì oxy xuống thấp sẽ gây tai biến mất sức chiến đấu. Hít phải khí phốt pho ngay lập tức tắc đường thở. Toàn bộ các hiệu ứng đó của vũ khí phốt pho được chính sử nhà Thanh và cả nhà Nguyễn ghi lại quá rõ ràng.

 Sử nhà Thanh chép lại: "Nghe nói đại doanh đã bị trận voi xông vào đốt cháy vì chưng mỗi con voi trên lưng đủ chỗ cho ba bốn tên giặc đầu quấn khăn đỏ ngồi ném các loại lưu hoàng, hỏa cầu vào mọi nơi để đốt người". Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh.

Sử nhà Thanh chép lại: "Nghe nói đại doanh đã bị trận voi xông vào đốt cháy vì chưng mỗi con voi trên lưng đủ chỗ cho ba bốn tên giặc đầu quấn khăn đỏ ngồi ném các loại lưu hoàng, hỏa cầu vào mọi nơi để đốt người". Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh.

Cụ thể, theo chính sử nhà Thanh "nghe nói đại doanh đã bị trận voi xông vào đốt cháy vì chưng mỗi con voi trên lưng đủ chỗ cho ba bốn tên giặc đầu quấn khăn đỏ ngồi ném các loại lưu hoàng, hỏa cầu vào mọi nơi để đốt người". Quân Thanh chỉ nhìn thấy hiện tượng hỏa cầu phốt pho đốt người mà hoàn toàn không biết đến hiệu ứng siêu nguy hiểm của hỏa cầu phốt pho là cực kỳ nhanh chóng đốt hết oxy trong không khí gây chết ngạt hàng loạt.

Căn cứ vào kích thước của hỏa cầu Tây Sơn trong bảo tàng, căn cứ vào không gian là một cái lũy mà toán quân thiện chiến của Sầm Nghi Đống cố thủ, kỹ sư Thanh tính toán cần 30 hỏa cầu phốt pho sẽ gây cái chết ngay lập tức 5.000 quân. Điều này trùng hợp với việc sử nhà Thanh ghi chốc lát 5.000 quân bị giết.

Tuy nhiên, mãi về sau quân Thanh vẫn không hề lý giải được cái chết toàn thây của danh tướng giặc Sầm Nghi Đống cùng 300 thuộc hạ, vì khi ngạt oxy do vũ khí phốt pho gây ra thì trên người không hề có dấu vết của gươm đao. Tuy không bị hỏa cầu phốt pho đốt cháy trực tiếp nhưng cả khu vực đó hoàn toàn không có ô xy nên cả Sầm Nghi Đống cùng 300 thuộc hạ tuy trên cạn nhưng như bị dìm dưới nước, chết toàn thây trong vòng 2 phút.

Ngược lại, quân Tây Sơn biết đến hiệu ứng chết ngạt do thiếu ô xy nên việc ném hỏa cầu phốt pho được thực hiện từ trên voi. Điều này, sử nhà Thanh mô tả: “Đại doanh ta vỡ, bị đội voi chiến đốt cháy, vì trên lưng mỗi con voi có 3-4 tên lính chít khăn đỏ, ngồi ném, tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp mọi nơi, đốt cháy cả người nữa". Voi ở vị trí cao và di chuyển nên quân ta không bị ngạt ô xy và ngộ độc khí phốt pho.

Tướng Hiệu khẳng định, kỹ sư Thanh hoàn toàn đúng khi cho rằng cái chết của Sầm Nghi Đống và hơn 300 tâm phúc là do ngạt thở vì oxy trong không khí đã bị phốt pho đốt hết. Tướng Hiệu cũng đã từng gặp trong chiến tranh cảnh quân ta trong hầm kín bị chết đồng loạt như vừa đi ngủ vì phía trên hầm bom phốt pho của Mỹ nổ đốt hết sạch oxy.

“Khi bom phốt pho nổ cần nấp vào hầm hàm ếch vừa tránh phốt pho cháy vừa thoáng lưu thông khí không bị chết ngạt, đồng thời giãn cách. Quân Thanh tập trung một chỗ trong không gian hẹp, dù không bị lửa phốt pho trực tiếp đốt cháy thì chỉ sau 2 phút tất cả sẽ chết ngạt vì hết oxy. Và đó là cái chết không có dấu vết thương tích. Chính vì thế sử sách nhà Thanh tưởng là Sầm Nghi Đống và thuộc hạ tự tử. Một dũng tướng như Sầm Nghi Đống còn có cả ít nhất 300 quân thì bọn chúng sẽ chiến đấu chứ chẳng có lý gì để tự tử”, vị tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc khẳng định.

Trận Ngọc Hồi, cũng theo chính sử nhà Thanh “Vào giờ ngọ quân Nam bắn hỏa tiễn, hỏa châu tới tấp, lại dùng rạ bó to lăn mà tiến đều “. Hỏa tiễn hỏa châu chứa phốt pho bắn vào trong đồn Ngọc Hồi chốc lát biến đồn Ngọc Hồi của địch thành biển lửa nóng tới 2.700 độ C, như một vạc dầu sôi khổng lồ , cực kỳ độc hại và không có oxy. Sau đó, quân Thanh hàng vạn quân là những thương binh, bị ngộ độc, bị tai biến hoàn toàn mất sức chiến đấu bỏ chạy khỏi đồn Ngọc Hồi. Những nông dân Thanh Nghệ mà trước đó 10 ngày còn đang đi làm đồng không hề được luyện tập, xông vào chém chết sạch đến nỗi “máu chảy ngập mắt cá chân".

Trong thư đề ngày 20/1/1790 của giáo sĩ La Mothe gửi cho giáo sĩ Blandin trong bảo tàng hội truyền giáo Pháp cũng có đề cập đến chuyện này: “Ngay đến Hoàng đế Trung Hoa cũng có vẻ vì nể tân Attila này vì ngài mới phong ông làm vua Bắc kỳ qua trung gian một vị đại sứ, quên cả việc 50.000 binh lính Trung Hoa đã chết vì tay Tiếm vương năm ngoái chỉ trong một cuộc giao chiến thôi. Trận đó quân Trung Hoa, được trang bị đầy đủ khí giới, từ súng cho tới gươm và đông gấp 10 quân Tiếm vương", đúng như lời tuyên bố của hoàng đế Quang Trung trước chiến dịch: “Trong các quân của ta, ai muốn đánh thì phải vì ta mà giết cho hết lũ chó Ngô. Nếu không muốn đánh, hãy xem ta chỉ trong một trận giết hàng mấy vạn mạng người cho coi, không phải là nói khoác đâu”.

“Ngày nay gò Đống Đa, gò còn sót lại trong 12 gò đống sừng sững mồ chôn của hơn 20 vạn quân Thanh chính là bằng chứng vũ khí khủng khiếp phốt pho với độ nguy hiểm chỉ sau bom nguyên tử lần đầu tiên được sử dụng đại trà trong suốt chiều dài lịch sử loài người”, kỹ sư Thanh khẳng định.

Tướng Hiệu phân tích, việc vua Thanh Càn Long phải bỏ tục cống người vàng kéo dài hàng trăm năm, phải gả công chúa cho hoàng đế Quang Trung, phải tiếp đãi trọng thể phái đoàn của Đại Việt, hoàng đế Quang Trung có ý định dòm nghó nhà Thanh…. như rất nhiều sử sách đã mô tả hoàn toàn là sự thật lịch sử.

Giai đoạn đó, quân Thanh không biết đến hiệu ứng ngạt oxy gây tai biến và chết người, mà đây mới là hiệu ứng nguy hiểm nhất của vũ khí phốt pho. Quân Thanh không có vũ khí bắn xa như sau này nhà Nguyễn có được của người Pháp nên khi giao tranh với quân Đại Việt sẽ ngay lập tức bị đại bại. Việc sử sách không mô tả gì đến thiệt hại của quân ta là đúng vì chắc chắn thiệt hại đó là rất nhỏ, quân địch đã bị ngạt phốt pho rồi thì làm sao đánh được nữa.

“Con mắt phát sáng” của vua và ngọn đèn "bất tử" trong hầm mộ

Kỹ sư Vũ Đình Thanh cho hay, từ hàng ngàn năm trước, đồng bào ta cạnh các hang dơi, đặc biệt là vùng đất mà nhà Nguyễn tự dưng cắt cho Lào đã biết lấy đất từ các hang dơi thấm đẫm phân dơi và nước tiểu dơi về nấu ra một chất thắp sáng.

Ông Hannig Brand người Đức tìm ra năm 1669 được thế giới chính thức công nhận là người đầu tiên tìm ra phốt pho năm 1669. Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh.

Ông Hannig Brand người Đức tìm ra năm 1669 được thế giới chính thức công nhận là người đầu tiên tìm ra phốt pho năm 1669. Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh.

Chất thắp sáng này chính là chất mà ông Hannig Brand người Đức tìm ra năm 1669 cũng bằng cách tương tự tức là nấu nước tiểu người trộn với cát và ông được thế giới chính thức công nhận là người đầu tiên tìm ra phốt pho. Mục đích sử dụng phốt pho của ông Hannig Brand đầu tiên cũng là để thắp sáng y hệt như đồng bào các dân tộc ta từ hàng ngàn năm trước.

Cái tên phốt pho do ông ta đặt cho chính là đặc tính phát sáng khi ẩm của phốt pho. Ông người Đức này khi nấu ra phốt pho thì mang bán với giá cắt cổ cho giới quý tộc để họ bôi lên quần áo, lên mặt để ban đêm đi chơi phát sáng màu xanh đặc trưng khác người, mang tính “quý tộc".

 Kỹ sư Vũ Đình Thanh cho hay, trong tác phẩm "Con chó săn của dòng họ Baskerville", tuy là tiểu thuyết nhưng đã chứng minh người dân Châu Âu thế kỷ XVIII đã biết rằng bôi phốt pho vào mắt chó sẽ khiến mắt phát sáng.

Kỹ sư Vũ Đình Thanh cho hay, trong tác phẩm "Con chó săn của dòng họ Baskerville", tuy là tiểu thuyết nhưng đã chứng minh người dân Châu Âu thế kỷ XVIII đã biết rằng bôi phốt pho vào mắt chó sẽ khiến mắt phát sáng.

Đây chính là điều rất thú vị mà kỹ sư Thanh dùng để giải thích về "con mắt phát sáng" của vua Quang Trung nhờ bôi phốt pho, bôi trực tiếp hay là bôi qua một tấm màng dán lên mắt. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình khi nghe lý giải này vì cho rằng, khi cháy, phốt pho có nhiệt độ tới 2.700 độ, nếu bôi vào mắt thì cháy mắt ngay.

“Đây là điều “huyền bí” của phốt pho. Phốt pho có hai dạng phát sáng, phát sáng trắng xanh đặc trưng khi ẩm và nhiệt độ dưới 30 độ. Đây là phát sáng lạnh và không tỏa nhiệt. Như vậy, khi bôi phốt pho vào mắt, nước mắt ẩm sẽ khiến phốt pho phát sáng đúng như sử sách đã ghi. Dạng phát sáng thứ hai đó là khi phốt pho tự cháy khi ở nhiệt độ trên 30 độ tỏa ra nhiệt 900 độ, khi dùng tập trung có thể lên tới 2.700 độ, như vũ khí phốt pho hỏa cầu của Tây Sơn hay bom, lựu đạn phốt pho sau này. Vua Quang Trung còn tặng cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp cây gậy phát sáng trong đêm càng chứng minh vua hiểu rất rõ về phốt pho”, kỹ sư Thanh lý giải.

Thêm một bằng chứng nữa về việc vua Quang Trung rất hiểu về phốt pho, theo kỹ sư Thanh, đó là đã được PGS.TS Đỗ Bang ghi trong cuốn “Những khám phá về hoàng đế Quang Trung”. Đó là: Gia Long ngỡ rằng đó là phần mộ của ông bà Hồ Phi Phúc nên truyền quan địa phương khai quật. Nhưng khi khai quật lên không thấy hài cốt mà chỉ có bốn chiếc chum đựng dầu phụng đã vơi, trong mỗi chum có một ngọn đèn chong chóng đang cháy.Ai cũng biết, hai huyệt mộ giả có bốn ngọn đèn dầu phụng khổng lồ đang cháy là do Tây Sơn chôn".

Ngọn đèn cháy vĩnh viễn trong mộ của Tần Thủy Hoàng được các nhà khoa học thế giới giải mã là do có phốt pho. Tương tự như hầm mộ của Tần Thủy Hoàng, hầm mộ mà nhà Nguyễn tìm được có ngọn đèn chong chóng đang cháy chính là nhờ phốt pho trộn trong bốn chiếc chum đựng dầu phụng. Khi mở mộ ra, dầu phụng trộn phốt pho gặp oxy vào sẽ tiếp tục bốc cháy nên sẽ có cảm tưởng là cháy vĩnh viễn. Kỹ sư Thanh phán đoán, với trình độ hóa học như vua Quang Trung, rất có thể các ngọn đèn dầu tự bốc cháy vì có phốt pho chắc chắn không chỉ để phát sáng mà còn triệt oxy và tạo khí độc giết chết bất cứ ai xâm phạm hầm mộ của vua Quang Trung.

Cũng theo kỹ sư Thanh, từ trước tới nay, chưa thấy giải thích thấu đáo ý nghĩa của niên hiệu Quang Trung, Quang (光) có nghĩa là sáng; trung (中) có nghĩa là ở giữa, bên trong. Quang Trung (光中) nghĩa là ở giữa ánh sáng.

Kỹ sư Vũ Đình Thanh nhận thấy một sự trùng hợp kỳ lạ giữa ý nghĩa của niên hiệu Quang Trung với cách mà ông Hennig Brand đặt tên cho vật chất mang ánh sáng kỳ bí mà ông ta phát hiện ra theo tiếng la tinh ( hay tiếng Hy lạp cổ đại ) là phosphorus. Nói cách khác ý nghĩa của niên hiệu Quang Trung theo tiếng la tinh ( hay tiếng Hy lạp cổ đại ) chính là phosphorus.

Theo kỹ sư Vũ Đình Thanh, không loại trừ việc hoàng đế Nguyễn Huệ đặt tên niên hiệu của mình theo vật chất kỳ bí phát ra ánh sáng (Quang Trung - phosphorus ), làm ra vũ khí bí mật vô cùng uy lực giúp hoàng đế Nguyễn Huệ bảo vệ được Việt Nam trước sự xâm lược của hai kẻ thù vô cùng hùng mạnh đó là Thái Lan và nhà Thanh của Trung Quốc trong bối cảnh Việt Nam trải 200 năm nội chiến bị chia làm 4 phần sức cùng lực kiệt.

Ngoài ra, kỹ sư Vũ Đình Thanh cho rằng, chính cái chết của vua Quang Trung cũng hé lộ về việc vị hoàng đế này đã có tiếp xúc với phốt pho. Bởi việc tiếp xúc lâu dài với phốt pho trong quá trình điều chế phốt pho gây nên hiện tượng hoại tủy xương gây thiếu máu tức chứng huyễn vận, hoại xương hàm. Triệu chứng này tương đồng với sử sách mô tả về cái chết của vua Quang Trung, anh em vua Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và danh tướng Phan Văn Lân, cũng đúng với khuyến cáo của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (U.S. Environmental Protection Agency) về tiếp xúc với phốt pho.

Cái chết cùng một thời điểm về thời gian của vua Quang Trung, anh em vua Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lư, danh tướng Phan Văn Lân trùng hợp với thời gian phát bệnh và chết khi phơi nhiễm phốt pho mà Quân y Cộng hòa Séc có một nghiên cứu.

Bài thơ "Ai tư vãn" của công chúa Ngọc Hân cũng mô tả rõ ràng quá trình phát bệnh lâu dài của vua Quang Trung, càng chứng minh cái chết của vua vì phơi nhiễm phốt pho. Cùng với đó, thông tin vua Quang Trung trước khi mất bị mù một mắt trùng hợp với việc vua có một con mắt phát sáng trong đêm.

(còn nữa)

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/he-lo-mat-phat-sang-cua-vua-quang-trung-va-ngon-den-vinh-cuu-2080540.html
Zalo