Hạt nhân kết nối cảng biển và logistics miền Trung - Bài 1: Động lực phát triển kinh tế

Theo định hướng, cụm cảng biển và logistics khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam cùng với các cụm cảng biển và logistics 2 đầu đất nước định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Quyết định số 140/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quy hoạch lại toàn bộ hệ thống cảng biển cả nước, phù hợp với sự chuyển mình của đất nước trong thời đại mới, đưa Việt Nam thật sự trở thành một quốc gia biển, mạnh lên từ biển. Theo định hướng phát triển quốc gia, cụm cảng biển và logistics khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam sẽ cùng với các cụm cảng biển và logistics 2 đầu đất nước định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần.

Bài 1: Động lực phát triển kinh tế

Giữa dòng chảy hội nhập quốc tế và sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hệ thống cảng biển và logistics tại khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, trở thành trục kết nối chiến lược và động lực phát triển kinh tế cho miền Trung.

* Vị trí chiến lược cho trục kết nối

Nằm ở giữa chiều dài đất nước, hướng ra biển Đông rộng lớn, Đà Nẵng, Quảng Nam đang được ví như "điểm tựa logistics" của miền Trung. Với vị trí địa lý trung tâm và hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, 2 địa phương này đang trở thành đầu mối logistics đa phương thức, kết nối hoàn hảo giữa các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.

Với hệ thống cảng biển nước sâu như Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai… có mặt nước sâu rộng, diện tích mặt nước kết nối cảng biển rất lớn và kết cấu nền vững chắc, Đà Nẵng, Quảng Nam có khả năng đáp ứng được hầu hết các lực vực phát triển cảng biển, logistics và công nghiệp nặng. Là một trong ba cảng biển lớn nhất miền Trung, cảng Tiên Sa đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực, với sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 15 triệu tấn mỗi năm. Đây cũng là một trong những cảng đón tàu du lịch quốc tế, với hơn 40 chuyến tàu ghé cảng trong năm qua.

Ngoài ra, Đà Nẵng hiện sở hữu ba trung tâm logistics lớn: ICD Hòa Cầm phục vụ hàng hóa cho các khu công nghiệp phía Tây; trung tâm logistics tại sân bay quốc tế Đà Nẵng và cụm logistics Hòa Khánh, liên kết với khu công nghệ cao. Những hạ tầng này không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn kết nối mạnh mẽ với tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC), mở ra cửa ngõ ra biển cho các nước láng giềng như Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar.

Tại Quảng Nam, sản lượng hàng hóa qua cảng Kỳ Hà đã vượt mức 2,1 triệu tấn/năm, với nguồn hàng chủ yếu đến từ các cụm công nghiệp Chu Lai – THACO. Nổi bật trong chiến lược phát triển logistics của Quảng Nam là Trung tâm Logistics Chu Lai – tổ hợp hiện đại rộng 350ha, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, kết nối trực tiếp với sân bay Chu Lai và cảng biển. Mô hình này hứa hẹn sẽ tạo ra hệ sinh thái logistics "3 trong 1", thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng.

Nhưng thực tế hiện nay là cảng Tiên Sa đã bị quá tải, cùng với sự không chuyển biệt cảng hàng hóa và cảng hành khách đưa đến nhiều bất cập, làm chậm sự phát triển của địa phương. Các cảng biển tại Quảng Nam thì chưa được đầu tư và chưa khai thác được nhiều theo như kỳ vọng.

Theo Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, ngành logistics đóng góp khoảng 5,8% GRDP của thành phố, với tốc độ tăng trưởng 9% mỗi năm. Với Quảng Nam, ngành logistics, đóng góp khoảng 4% GRDP và ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025-2030. Lợi thế của Quảng Nam chính là sự liên kết mạnh mẽ giữa logistics và sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Mặc dù mỗi địa phương hiện đã có nền tảng phát triển logistics khá rõ ràng, nhưng thực tế hiện nay vẫn cho thấy sự thiếu kết nối giữa các cảng, các trung tâm logistics và chuỗi cung ứng trong khu vực. Các chuyên gia cho rằng, nếu không gắn kết hệ thống logistics thành một chuỗi liên vùng đồng bộ, Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ khó có thể kết nối đồng bộ hoặc theo kịp được với các trung tâm logistics lớn ở 2 đầu đất nước.

Trưởng văn phòng đạo diện Hiệp hội logistics Việt Nam tại Đà Nẵng, Dương Tiến Lâm, đánh giá: “Trong lĩnh vực logistics, Đà Nẵng có lợi thế trọng điểm là trung tâm của miền Trung. Thời điểm hiện nay là cơ hội rất lớn cho ngành logistics Đà Nẵng phát triển. Đà Nẵng cần quan tâm và có động thái thúc đẩy hình thành những trung tâm logistics lớn”.

Kha Phạm/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hat-nhan-ket-noi-cang-bien-va-logistics-mien-trung-bai-1-dong-luc-phat-trien-kinh-te/372016.html
Zalo