Khu di tích Pác Bó: Xúc động trong dòng người tri ân

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã đón lượng khách tham quan kỷ lục, ước tính khoảng 10.000 lượt người mỗi ngày. Dù vậy, không khí tại khu di tích vẫn diễn ra trong sự trật tự, trang nghiêm.

Phong cảnh nên thơ của núi rừng Pác Bó.

Phong cảnh nên thơ của núi rừng Pác Bó.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 55km. Ngay từ sáng sớm, dòng xe ô-tô cá nhân và xe khách từ các địa phương trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn… đã nối dài hàng km trên các tuyến đường dẫn vào khu di tích. Bãi đỗ xe luôn trong tình trạng kín chỗ, nhiều đoàn khách phải chờ đợi khá lâu để đến lượt di chuyển bằng xe điện vào khu vực chính.

Mùa này, cảnh sắc núi rừng rất xanh trong.

Mùa này, cảnh sắc núi rừng rất xanh trong.

Hình ảnh ấn tượng ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó là đoàn người xếp hàng dài hàng, kiên nhẫn dưới nắng nóng, không có cảnh chen lấn. Các lực lượng liên quan và đội ngũ quản lý khu di tích đã phối hợp nhịp nhàng nhằm bảo đảm an ninh, điều tiết giao thông, hướng dẫn du khách.

Du khách di chuyển theo đợt và bảo đảm trật tự.

Du khách di chuyển theo đợt và bảo đảm trật tự.

Chị Nguyễn Thị Thu đến từ Hà Nội, chia sẻ: "Gia đình tôi đã đợi hàng giờ đồng hồ được vào khu di tích nhưng ai cũng vui vẻ, thấy xúc động khi được đến nơi Bác Hồ từng sống và làm việc. Không khí trang nghiêm khiến ai cũng tự ý thức giữ gìn trật tự”.

Anh Trần Vũ Thành, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam cùng gia đình đã chọn Pác Bó làm điểm đến cho dịp nghỉ lễ.

Mỗi du khách đến đây thường mang theo một món quà dâng Bác. Với anh Thành, đó chính là ấn phẩm phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tờ báo như nén tâm nhang tinh thần, thành kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã đặt nền móng cho sự nghiệp cách mạng, cho hòa bình, độc lập, và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. "Ra tới biển đảo là nơi tiền tiêu Tổ quốc, nhưng về Pác Bó là về với gốc rễ, cội nguồn dân tộc", anh Thành chia sẻ.

Phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân dâng lên Bác.

Phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân dâng lên Bác.

Cựu chiến binh Lê Văn Hòa, 78 tuổi, đến từ Nam Định bày tỏ: "Tôi từng hành quân qua khắp các chiến trường, nhưng lần đầu tiên đặt chân đến Pác Bó, tôi đã không kìm được nước mắt. Mọi thứ quá đỗi giản dị, thân thương mà vĩ đại. Tôi như được sống lại thời tuổi trẻ, trong lý tưởng mà mình từng sẵn sàng hy sinh. Ước sao đồng đội tôi năm xưa cũng có mặt ở đây hôm nay, để được cúi đầu trước nơi bắt đầu của cả một hành trình giành độc lập dân tộc".

Nhiều du khách xếp hàng chờ đến lượt nhận phụ san Báo Nhân Dân và đã mang theo suốt hành trình về nguồn dịp nghỉ lễ.

Nhiều du khách xếp hàng chờ đến lượt nhận phụ san Báo Nhân Dân và đã mang theo suốt hành trình về nguồn dịp nghỉ lễ.

James Anderson, 45 tuổi, du khách đến từ San Francisco, Hoa Kỳ, chia sẻ: "Khi đứng giữa núi rừng Pác Bó, tôi mới cảm nhận được rõ hơn tầm vóc của một con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn nơi gian khổ để khởi đầu cho cuộc cách mạng vĩ đại. Tôi không nghĩ mình sẽ xúc động đến vậy. Sự khiêm nhường, thông tuệ và lòng yêu nước của Người thật sự khiến nhân loại kính phục. Tôi sẽ mang câu chuyện này về kể lại cho các con mình".

Suối Lê Nin in bóng mây trời.

Suối Lê Nin in bóng mây trời.

Biết bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, nhưng tại nơi núi rừng Pác Bó, mỗi lần du khách tìm đến nơi đây vẫn như thấy mình chạm vào hơi thở của những buổi đầu Cách mạng. Ngày 28/1/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam-Trung Quốc, trở về quê hương sau 30 năm xa Tổ quốc. Đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng lạnh giá giữa mùa đông, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Người chọn hang Cốc Bó làm căn cứ địa cho những ngày đầu lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

Dòng người tri ân trong tình cảm sâu nặng.

Dòng người tri ân trong tình cảm sâu nặng.

Nơi đây, trong vòm hang nhỏ chỉ rộng vài mét vuông, bên dòng suối Lê Nin xanh biếc, dưới bóng núi Các Mác sừng sững, Bác Hồ đã sống, làm việc, viết tài liệu, dịch sách và xây dựng chiến lược cho một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hình ảnh Người ngồi bên bàn đá giữa núi rừng, trong ánh sáng tự nhiên đã trở thành biểu tượng bất tử về sự giản dị, trí tuệ và lòng yêu nước vĩ đại.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó ngày nay đã trở thành một quần thể di tích lịch sử, nơi chốn linh thiêng mà hàng triệu trái tim tìm về để tri ân, để hiểu và yêu hơn giá trị tự do của dân tộc. Từ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghi trên đỉnh đồi cao, đến suối Lê Nin, hang Cốc Bó, lán Khuổi Nặm, mỗi địa danh đều âm vang một câu chuyện, một ký ức sống động của cả một giai đoạn lịch sử.

Đầu nguồn suối Lê Nin.

Đầu nguồn suối Lê Nin.

Cột mốc Km0 của đường Hồ Chí Minh - điểm khởi đầu của con đường huyết mạch xuyên suốt đất nước - cũng bắt đầu từ nơi này như minh chứng của ngọn lửa dẫn đường cho cả dân tộc bước vào kỷ nguyên độc lập.

Du khách nào cũng rưng rưng khi nghe hướng dẫn viên kể về những ngày đầu Bác trở về nước. Có người đứng lặng thật lâu bên suối Lê Nin, tưởng tượng bóng dáng Người đang bước nhẹ trên triền đá. Có người không nén nổi xúc động khi được nghe bài thơ "Pác Bó hùng vĩ" mà Người viết, giản dị mà sâu sắc: "Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà".

Núi Các-Mác hùng vĩ.

Núi Các-Mác hùng vĩ.

Trong dòng người ấy, có những em học sinh lần đầu đến với Pác Bó, có những cụ già từ miền xuôi lên với núi rừng, có cả những vị khách quốc tế khao khát khám phá về nhà cách mạng vĩ đại ở dân tộc Việt Nam. Họ đến để tham quan, lắng nghe, để hiểu và thấm nhuần một bài học về lòng kiên định, đức hy sinh và lý tưởng sống vì dân tộc.

Di tích nhà ông Lý Quốc Súng, nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí cán bộ từng ở và làm việc từ chiều ngày 28/1/1941 đến hết ngày 7/2/1941 cũng là điểm đến thu hút với khách tham quan và nhiều người lần đầu mới có dịp tìm hiểu di tích này. Ông Lý Quốc Súng là người dân tộc Choang, quê ở Lũng Nại, Tịnh Tây, Quảng Tây (Trung Quốc) di cư sang Pác Bó làm ăn sinh sống.

Di tích nhà ông Lý Quốc Súng được phục dựng theo hình dáng cũ.

Di tích nhà ông Lý Quốc Súng được phục dựng theo hình dáng cũ.

Nhà của gia đình ông Súng dựng vào khoảng năm 1937 bằng những cây gỗ rừng theo kiểu nửa nhà sàn, nửa nhà đất, mái lợp gianh. Nhà hướng về phía Bắc, được chia làm hai gian nhỏ và một gian chái, các gian được ngăn bằng vách tre, trúc. Ngôi nhà ấy là một cơ sở cách mạng tin cậy.

Tại đây, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đón cái Tết cổ truyền đầu tiên sau 30 năm xa cách, mâm cỗ Tết có đầy đủ các loại thức ăn theo phong tục dân tộc ở vùng này như: bánh tét, bánh chít, thịt lợn, thịt gà, có cả thịt nai khô nướng và một hũ rượu thơm nức. Xúc động trước tình cảm gia đình ông Súng, Người đã động viên các đồng chí phải ăn khỏe, ăn thực lòng để gia đình vui. Người cùng các đồng chí ở tại nhà ông Lý Quốc Súng đến hết ngày 7/2/1941, sau đó chuyển sang hang Cốc Bó cách đó khoảng 100m ở và làm việc để bảo đảm yếu tố bí mật.

Vẻ đơn sơ bên trong nhà ông Lý Quốc Súng.

Vẻ đơn sơ bên trong nhà ông Lý Quốc Súng.

Vào những năm 1942-1943, Đế quốc Pháp tiến hành khủng bố gắt gao, truy lùng những người hoạt động cách mạng, gia đình ông Lý Quốc Súng chuyển sang dựng nhà gần Cột mốc 108 sinh sống, do vậy ngôi nhà cũ của ông Súng đã không còn. Đến năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã tiến hành phục dựng lại ngôi nhà của gia đình ông Lý Quốc Súng theo đúng với vị trí và hình dáng ngôi nhà năm xưa.

Nhờ sự đầu tư, chăm sóc và giữ gìn của chính quyền địa phương, khu di tích ngày càng khang trang nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc vốn có. Các tuyến đường được cải thiện, các khu trưng bày, thuyết minh được nâng cấp hiện đại, nhưng cảnh sắc tự nhiên vẫn được bảo tồn tối đa.

Cột mốc in đậm giá trị lịch sử và chủ quyền Tổ quốc.

Cột mốc in đậm giá trị lịch sử và chủ quyền Tổ quốc.

Do lượng khách tăng đột biến, các khu lưu trú tại thành phố Cao Bằng và khu vực Hà Quảng đều trong tình trạng "cháy phòng", nhiều du khách lựa chọn các liên hệ qua các hội, nhóm để trải nghiệm nghỉ tại nhà dân hoặc di chuyển xa hơn. Các hàng quán ăn uống tại khu vực Trường Hà gần như hoạt động xuyên đêm để phục vụ lượng lớn du khách. Dù gặp khó khăn về nguồn nhân lực và nguyên liệu, phần lớn các điểm dịch vụ đều cố gắng giữ thái độ niềm nở và giá cả hợp lý.

Tượng anh Kim Đồng trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Tượng anh Kim Đồng trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Người dân xóm Pác Bó đã luôn bền bỉ gìn giữ ký ức. Họ làm dịch vụ du lịch, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh cho khách… với lòng kính trọng dành cho vùng đất đã đi vào lịch sử. Từng quầy hàng nhỏ, bao nụ cười thân thiện, câu chuyện kể đời thường… hòa quyện tạo nên một Pác Bó gần gũi, sống động, và chan chứa nghĩa tình.

Đây là thời điểm lý tưởng để thưởng thức vẻ đẹp của núi rừng.

Đây là thời điểm lý tưởng để thưởng thức vẻ đẹp của núi rừng.

Pác Bó luôn chạm vào trái tim mỗi người bằng sự giản dị. Trong những ngày lễ lớn, khi hàng ngàn lượt người xếp hàng dài hàng cây số để được vào dâng hương, để nghe lại những câu chuyện cũ, đó thực sự đã mở ra hành trình tìm về cội nguồn. Bởi nơi ấy, giữa núi non Cao Bằng, vẫn còn vọng mãi bước chân Người.

Mai Lữ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khu-di-tich-pac-bo-xuc-dong-trong-dong-nguoi-tri-an-post876981.html
Zalo