Hành trình theo dấu người cổ của PGS.TS Nguyễn Lân Cường

Trong hơn nửa thập kỷ gắn bó với ngành cổ nhân học PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã để lại một kho tàng tác phẩm quý giá. Các cuốn sách bao quát từ lý thuyết nền tảng cho tới thực tiễn.

 PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Với hơn 50 năm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã để lại dấu ấn sâu đậm qua loạt công trình tiêu biểu như Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư, Nghiên cứu di cốt người cổ di chỉ Hòa Diêm, và đặc biệt là cuốn sách đồ sộ Bộ xương người nói với chúng ta điều gì? - tác phẩm đoạt giải Sách Quốc gia năm 2024.

Không chỉ dừng lại ở chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Lân Cường còn góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu cổ nhân học, đặc biệt là với Nhật Bản. Nhờ sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và niềm đam mê không ngừng nghỉ, ông đã góp phần dựng lại những câu chuyện cuộc đời từ tro bụi quá khứ, giúp hậu thế hiểu sâu hơn về nguồn gốc và sự tiến hóa của người Việt cổ.

Bộ xương người nói với chúng ta điều gì?

 Cuốn sách Bộ xương người nói với chúng ta điều gì?. Ảnh: Việt Linh.

Cuốn sách Bộ xương người nói với chúng ta điều gì?. Ảnh: Việt Linh.

Trong thế giới của khảo cổ học, mỗi tàn tích đều chất chứa những câu chuyện từ quá khứ. Một nhánh nghiên cứu đầy mê hoặc mở ra: cổ nhân học. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã lặng lẽ, kiên trì góp nhặt từng mảnh xương vụn để tái hiện lại hình hài, cuộc sống, tập tục và thậm chí là bệnh tật của con người cổ đại. Công trình “Bộ xương người nói với chúng ta điều gì?” chính là một đúc kết sinh động và đồ sộ cho hành trình ấy.

Không chỉ là một công trình khoa học, sách Bộ xương người nói với chúng ta điều gì? giống một cuốn hồi ký khoa học. Dày hơn 550 trang, khổ lớn, tập sách gồm 24 công trình khảo cứu, trong đó có 20 công trình độc lập của chính tác giả, là kết tinh cho hơn 50 năm nghiên cứu không mệt mỏi từ năm 1965 đến 2018.

Ngay từ phần đầu tiên, chiếm hơn 200 trang, độc giả đã được dẫn dắt vào thế giới kỳ diệu của bộ xương người - một kết cấu sinh học tưởng chừng khô khan nhưng lại đầy tính biểu cảm khi được soi chiếu bằng ánh sáng của khoa học nhân học. Các phần tiếp theo mở ra những câu chuyện ly kỳ về cổ bệnh học, về các dị tật do tập tục bó chân, nẹp sọ, về cách xác định tuổi, giới tính từ di cốt, và cả những phương pháp phân tích sọ người hiện đại để truy nguyên nguồn gốc.

Nghiên cứu những di cốt người cổ di chỉ Khảo cổ học Hòa Diêm

Hình ảnh từ cuộc khai quật khảo cổ tại di chỉ Hòa Diêm, Khánh Hòa năm 2007. Nguồn: Viện Khảo cổ học.

Hình ảnh từ cuộc khai quật khảo cổ tại di chỉ Hòa Diêm, Khánh Hòa năm 2007. Nguồn: Viện Khảo cổ học.

Một điểm nhấn đặc biệt trong hành trình nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Lân Cường là những cuộc khai quật khảo cổ tại di chỉ Hòa Diêm, Khánh Hòa. Tại đây, trong những nấm mộ chum đã bị thời gian tàn phá, ông và đồng nghiệp Nhật Bản đã phải tỉ mỉ phục dựng từng hộp sọ vỡ vụn, phân biệt từng cá thể trong một huyệt mộ có thể chứa tới 5 người.

Những phát hiện này không chỉ cung cấp dữ liệu nhân học quý báu mà còn gợi mở những câu hỏi lớn về chủ nhân các di vật: họ là ai, đến từ đâu, sống như thế nào? Đó chính là điều làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của cổ nhân học, một ngành khoa học có khả năng đánh thức lịch sử từ những gì tưởng như đã bị chôn vùi vĩnh viễn.

Đến với vùng văn hóa Kinh Môn

 Cổng tam quan của Đền Cao. Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN.

Cổng tam quan của Đền Cao. Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN.

Trên cương vị Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Lân Cường còn là đồng chủ biên cuốn Đến với vùng văn hóa Kinh Môn, nơi quy tụ tinh hoa khảo cổ, văn hóa, tôn giáo của một vùng đất cổ.

Cuốn sách mở ra lịch sử và quá trình hình thành của quần thể di tích quốc gia đặc biệt là Đền Cao An Phụ nơi An Sinh Vương Trần Liễu đã lập trang ấp sinh sống và thác tại đây. Ông là phụ thân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đưa người đọc tới chùa Nhẫm Dương, nơi Thánh Tổ Thủy Nguyệt khai sáng, tu hành và đắc đạo, cùng tổ đệ nhị là Chân Dung hòa thượng làm nên trung tâm thiền phái Tào Động đầu tiên của nước ta. Các hang đá quanh chùa còn là nơi tìm thấy hàng nghìn cổ vật quý giá như xương hóa thạch, đồ gốm, tiền đồng…

Đến với vùng văn hóa Kinh Môn là một tác phẩm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Nhân học hình thể

 Cuốn sách Nhân học hình thể. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cuốn sách Nhân học hình thể. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường là người viết nên những cuốn sách về lý thuyết nền tảng cho nhân học, cổ nhân học. Nổi bật là tác phẩm Nhân học hình thể. Tác phẩm cung cấp kiến thức nền tảng về cổ sinh, tiến hóa, phân loại học và hệ thống hóa những phát hiện lớn về cổ nhân học tại Việt Nam. Qua đó, PGS.TS Nguyễn Lân Cường góp phần định hình nhận thức khoa học về nguồn gốc người Việt Nam từ góc nhìn nhân học sinh học.

Trong cuốn sách có hai bài viết về: 1. Những phát hiện về cổ nhân học ở Việt Nam; 2.Những nhóm loại hình nhân chủng ở Việt Nam và vấn đề nguồn gốc của người Việt trình bày những phát hiện chính về cổ nhân học của Việt Nam. Đây đều là những đúc rút của PGS.TS Nguyễn lân Cường về nguồn gốc người Việt dựa trên các hóa thạch và di cốt người cổ ở Việt Nam suốt từ trung kỳ Cánh tân đến tận thời đại kim khí qua các nền văn hóa nổi tiếng như văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Đa Bút, Đông Sơn, Sa Huỳnh…

Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư

 Cuốn sách Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư ấn bản năm 2025. Ảnh: TIMES.

Cuốn sách Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư ấn bản năm 2025. Ảnh: TIMES.

Bên cạnh nghiên cứu di cốt người cổ, một công trình khác không thể không nhắc đến của PGS.TS Nguyễn Lân Cường là Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư. Tác phẩm ghi lại quá trình hơn 25 năm ông tham gia nghiên cứu, tu bổ và bảo quản 4 nhục thân ở các chùa nổi tiếng như chùa Đậu (Hà Nội), Phật Tích, Tiêu Sơn (Bắc Ninh). Đây không chỉ là nỗ lực khoa học mà còn là sự kết hợp giữa tri thức hiện đại với lòng tôn kính văn hóa tâm linh truyền thống.

Trong quá trình tu bổ, ông và nhóm cộng sự đã phát hiện nhiều chi tiết chưa từng được ghi chép như những lớp đồng mỏng che trước ngực và sau lưng thiền sư, các dải băng đồng cuốn quanh hộp sọ để giữ nguyên hình hài… Những phát hiện ấy giúp khẳng định rằng các vị thiền sư này không bị can thiệp giải phẫu. Điều đó cho thấy một hình thức táng độc đáo ở Việt Nam và Trung Quốc, khác biệt hoàn toàn với các xác ướp Ai Cập hay châu Âu.

Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu (1924-2014)

 Cuốn sách Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu (1924-2014). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Cuốn sách Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu (1924-2014). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Văn hóa Đông Sơn, được phát hiện năm 1924, đã để lại những dấu ấn đậm nét nhất trong ngành Khảo cổ học. Trong 90 năm qua (1924-2014), văn hóa Đông Sơn đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế thuộc nhiều thế hệ quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu. Một khối lượng lớn công trình nghiên cứu đã mang lại những nhận thức mới giúp người dân ngày càng hiểu rõ hơn về nền văn hóa nổi tiếng này.

Thế kỷ trước, ngay khi phát hiện ra di tích Đông Sơn, thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” đưa ra và được thừa nhận, các học giả phương Tây đã tập trung nghiên cứu về di vật, di tích văn hóa Đông Sơn.

Quá trình phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, trên nhiều phương diện có ý nghĩa mở đầu chặng đường dài tìm về dân tộc, quốc gia, nhà nước Việt Nam. Sử học nói chung và Khảo cổ học, Bảo tàng học nói riêng đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu văn hóa Đông Sơn

Thành tựu quan trọng của khảo cổ học Việt Nam suốt 90 năm qua là đã khai quật, nghiên cứu và khẳng định những giá trị, đóng góp của văn hóa Đông Sơn trong dòng chảy của các nền văn hóa ở Việt Nam và ảnh hưởng, giao thoa sâu rộng đến vùng Nam Trung Hoa và Đông Nam Á. Qua cuốn sách Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu (1924-2014), PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã ghi chép lại kết quả của quá trình nghiên cứu đó.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhin-lai-hanh-trinh-kham-pha-nguoi-co-cua-pgsts-nguyen-lan-cuong-post1551572.html
Zalo