Hành trình giữ song thai bất đồng nhóm máu với mẹ
Sản phụ có nhóm máu Rh- còn hai thai nhi nhóm Rh+, tức là bất đồng nhóm máu mẹ con. Tình trạng này khiến cơ thể người mẹ sinh ra kháng thể chống lại hồng cầu của con, dẫn đến tình trạng thai nhi có thể bị phù thai, lưu thai hoặc trẻ sau sinh bị bệnh vàng da tán huyết.

Ê-kíp mổ chủ động đón hai bé trai nặng khoảng 2 kg và 2,3 kg, sức khỏe ổn định.
Sản phụ N.T.M mang song thai nhờ thụ tinh ống nghiệm vào tháng 8/2024, sau 10 năm hiếm muộn, theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Bình Lụa, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết chị M. có nhóm máu Rh- còn hai thai nhi nhóm Rh+, tức là bất đồng nhóm máu mẹ con.
Đây là tình trạng không phù hợp kháng nguyên hồng cầu giữa thai phụ và thai nhi, dẫn đến cơ thể người mẹ sinh ra kháng thể chống lại hồng cầu của con.
Tế bào hồng cầu của thai nhi có thể đi qua nhau thai vào máu mẹ, thông qua chuyển dạ sinh, các sang chấn sản khoa hoặc thủ thuật làm lưu thông máu mẹ và con như chọc ối, sinh thiết gai nhau…
Lúc này cơ thể người mẹ nhận diện kháng nguyên hồng cầu của con là “vật lạ”, sản sinh các kháng thể gây vỡ hồng cầu của con. Thai nhi có thể bị phù thai, lưu thai hoặc trẻ sau sinh bị bệnh vàng da tán huyết.
"Trường hợp này được xem là thai kỳ nguy cơ cao với nhiều yếu tố phức tạp cần theo dõi sát. Ê-kíp bác sĩ xét nghiệm và làm hiệu giá kháng thể miễn dịch anti D để theo dõi cơ thể mẹ có tạo ra kháng thể chống lại yếu tố Rh+ hay không", bác sĩ Lụa cho hay.
Ở tuần thai 14, thai phụ xuất huyết âm đạo, dọa sẩy thai, xoắn polyp cổ tử cung, được đặt thuốc giữ thai. Tình trạng xuất huyết cũng có thể tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của mẹ tiếp xúc sớm với tế bào hồng cầu của thai nên bác sĩ chỉ định xét nghiệm hiệu giá kháng thể, ghi nhận kết quả âm tính.
Thai phụ được dự phòng aspirin nhằm ngăn ngừa nguy cơ tiền sản giật. Đến tuần 28, bác sĩ tiêm anti D, một hợp chất ngăn cản cơ thể mẹ sản xuất kháng thể kháng Rh+ nhằm chuẩn bị cho giai đoạn chuyển dạ và sinh nở. Các kháng thể này gắn kết và phá hủy các tế bào hồng cầu Rh+ của thai nhi (nếu có) trong máu mẹ trước khi hệ miễn dịch của mẹ kịp nhận diện chúng là “ngoại lai”.
Trong suốt thai kỳ, siêu âm xác định song thai nhỏ hơn so với tuổi thai, nhưng các chỉ số nằm trong giới hạn kiểm soát. Thai phụ duy trì chế độ ăn lành mạnh, giàu protein, vitamin, khoáng chất, kết hợp uống đủ nước, tránh làm việc nặng, giảm căng thẳng.
Đến tuần 36, bác sĩ chẩn đoán một thai nhỏ, chênh lệch cân nặng 5% so với thai còn lại giới hạn tăng trưởng trong tử cung, kèm giãn nhẹ bể thận hai bên. Siêu âm Doppler cho thấy thai nhỏ hơn giảm trở kháng động mạch não giữa và CPR, nguy cơ cao mất tim thai.
Ê-kíp mổ chủ động đón hai bé trai nặng khoảng 2 kg và 2,3 kg, sức khỏe ổn định. Chị Mỹ được tiêm thêm một liều anti D trong vòng 48 giờ sau sinh nhằm ngăn ngừa hệ miễn dịch của mẹ tạo ra kháng thể Rh+ khi hồng cầu của con xâm nhập vào máu mẹ trong lúc sinh, hạn chế sự hình thành kháng thể lâu dài, bảo vệ các lần mang thai tiếp theo.
Theo các bác sĩ sản khoa, 75% thai kỳ ghi nhận máu thai nhi xâm nhập vào máu mẹ ở một thời điểm bất kỳ do nứt bánh nhau, khi chuyển dạ hoặc trong lúc sinh. Sự trao đổi này tăng lên trong suốt thai kỳ theo thứ tự khoảng 3%, 12%, 45%, 64% tương ứng với ba tháng đầu, giữa, cuối và lúc sinh.
Thông thường ở lần mang thai đầu tiên, thai nhi bất đồng nhóm máu Rh với mẹ ít có nguy cơ bị ảnh hưởng hơn so với ở lần mang thai tiếp theo do hệ miễn dịch của mẹ chưa nhạy với kháng nguyên Rh+ của con.
Trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da tán huyết do bất đồng nhóm máu mẹ và con có thể thiếu máu từ nhẹ đến nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, chất gây vàng da bilirubin tăng cao quá mức trong máu, nguy cơ dẫn đến chậm phát triển trí tuệ hoặc tử vong.
Xét nghiệm trước sinh hoặc sau sinh có thể dự đoán bệnh vàng da tán huyết ở trẻ sơ sinh nếu có bất đồng nhóm máu mẹ con.
Bác sĩ khuyến nghị thai phụ cần khám thai định kỳ tại các trung tâm y tế chuyên khoa nhằm phát hiện sớm các bất thường. Trường hợp thai phụ mang nhóm máu Rh-, chẩn đoán sớm giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị kịp thời, hạn chế di chứng trẻ vàng da tán huyết do bất đồng nhóm máu mẹ và con.