Hàng trăm ngàn tỉ đồng đang mắc kẹt sẽ được giải phóng

Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng vào ngày 27-6-2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong xử lý nợ xấu. Những nội dung then chốt của Nghị quyết 42/2017/QH14 nay đã được luật hóa, mở ra kỳ vọng cải thiện lợi nhuận cho các tổ chức tín dụng nhờ cơ chế thu hồi nợ đơn giản hơn.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được thông qua, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong xử lý nợ xấu. Ảnh: LÊ VŨ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được thông qua, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong xử lý nợ xấu. Ảnh: LÊ VŨ

Từ giải pháp tình thế tới luật hóa

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu liên tiếp đối mặt với các cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008) đến khủng hoảng nợ công (2009-2010), nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là khu vực ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tài chính liên tục gia tăng, với nợ xấu tổng thể đạt khoảng 15% vào năm 2012 (theo Fitch Ratings, tháng 9-2012) và vẫn duy trì ở mức cao 10,8% vào năm 2016.

Một số nỗ lực xử lý nợ xấu đã được triển khai, như thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) năm 2013 và áp dụng một số cơ chế đặc biệt trong việc mua bán, xử lý nợ với các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, các biện pháp này chủ yếu mang tính chất khoanh vùng, tạm thời đẩy nợ xấu ra khỏi bảng cân đối mà chưa thực sự giải quyết được tận gốc. Phải đến năm 2017, Quốc hội mới thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42), cho phép thí điểm một số cơ chế xử lý nợ xấu mang tính chủ động và nhanh hơn.

Nghị quyết 42 đã tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý lớn, từ quyền thu giữ tài sản bảo đảm đến ưu tiên xử lý tài sản bảo đảm trước các nghĩa vụ khác, đồng thời đơn giản hóa thủ tục chuyển nhượng nợ xấu cho VAMC và nhà đầu tư thứ cấp. Nhờ đó, các TCTD đã xử lý nhanh hàng trăm ngàn tỉ đồng nợ xấu, góp phần cải thiện bảng cân đối kế toán. Trong giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ nợ xấu tổng thể giảm mạnh từ 10,8% xuống 4,4% và nợ xấu nội bảng cũng giảm từ 2,5% xuống 1,6%.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào ngày 14-8-2022 và chỉ được gia hạn đến ngày 31-12-2023 theo Nghị quyết 63/2022/QH15. Luật các TCTD mới ban hành vào ngày 18-1-2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) lại không kế thừa các cơ chế cốt lõi từ Nghị quyết 42, đặc biệt là quy định về xử lý tài sản bảo đảm. Điều này khiến việc xử lý tài sản bảo đảm bị kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hồi nợ và lợi nhuận của các TCTD.

Trước tình hình đó, các TCTD đã chủ động kiến nghị Chính phủ sớm luật hóa những cơ chế đã được chứng minh hiệu quả trong Nghị quyết 42 vào trong Luật các TCTD. Những kiến nghị này đã được tiếp thu và thể chế hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 27-6-2025.

Điểm nổi bật về xử lý nợ xấu

Liên quan đến việc xử lý nợ xấu, Luật các TCTD (sửa đổi) lần này có hai nội dung đáng chú ý:

Thứ nhất, về quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Luật mới cho phép TCTD được thu giữ tài sản bảo đảm nếu giữa các bên có thỏa thuận về việc chuyển giao tài sản bảo đảm khi phát sinh nợ xấu. Trong trường hợp bên thế chấp không tự nguyện bàn giao, TCTD được quyền thu giữ cưỡng chế, với điều kiện thông báo công khai tại UBND cấp xã nơi có tài sản, nếu tài sản là bất động sản. So với quy định hiện hành tại điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 (yêu cầu phải khởi kiện ra tòa nếu người thế chấp không tự nguyện bàn giao, mà thường thì họ sẽ không tự nguyện), quy định mới giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý tài sản bảo đảm và giảm chi phí pháp lý cho ngân hàng.

Thứ hai, về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự. Luật mới quy định, trong trường hợp tài sản thế chấp đang bị tạm giữ để phục vụ điều tra, nếu sau khi xác minh cho thấy không ảnh hưởng đến việc xét xử hoặc thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả tài sản bảo đảm cho TCTD theo đề nghị. Quy định này đặc biệt quan trọng, bởi trong thực tế nhiều khoản vay chuyển thành nợ xấu thường đi kèm với việc khách hàng bị khởi tố liên quan đến các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt, khiến tài sản bảo đảm bị mắc kẹt và không thể xử lý được trong thời gian dài.

Với những điểm mới trên, luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn cho hoạt động xử lý nợ xấu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng tài sản của các TCTD từ cuối năm 2025 trở đi.

Xử lý nợ nhanh hơn, lợi nhuận sẽ cải thiện

Thực tế cho thấy, việc luật hóa các cơ chế của Nghị quyết 42 sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, từ đó cải thiện lợi nhuận đáng kể cho hệ thống ngân hàng.

Giai đoạn 2017-2019, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu tổng thể của toàn hệ thống đã giảm từ 7,4% xuống 4,4% và nợ xấu nội bảng cũng giảm từ 2% xuống 1,6%. Sự chênh lệch giữa hai tỷ lệ này chủ yếu do một phần lớn nợ xấu đã được chuyển sang VAMC. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tốc độ xử lý nợ, cả tại VAMC và các TCTD, đã được cải thiện rõ nhờ hành lang pháp lý mới.

Dữ liệu từ các ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều được hưởng lợi sau khi Nghị quyết 42 được ban hành. Đặc biệt, một số ngân hàng có kết quả cải thiện mạnh hơn nhờ đã trích lập dự phòng lớn trước đó, và khoản nợ xấu tập trung ở nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là bất động sản quy mô vừa - loại tài sản có tính thanh khoản cao và dễ xử lý.

Đến cuối năm 2024, tổng dư nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ước đạt gần 734.000 tỉ đồng, tương ứng với tỷ lệ 4,56%, tăng mạnh so với mức 1,6% của năm 2019. Nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC, nợ đang cơ cấu và các khoản tiềm ẩn khác, tỷ lệ nợ xấu tổng thể có thể lên tới khoảng 6,5%.

Trong bối cảnh đó, việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ giúp các TCTD đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu tồn đọng. Ước tính nếu tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm khoảng 2 điểm phần trăm trong giai đoạn 2026-2028, từ 4,5% xuống 2,5% thì toàn hệ thống có thể giải phóng khoảng 100.000-150.000 tỉ đồng tài sản. Đây là nguồn lực đáng kể, vừa hỗ trợ TCTD ghi nhận lợi nhuận, vừa tạo dư địa để tái đầu tư vào các lĩnh vực hiệu quả hơn trong những năm tới.

Lão Trịnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hang-tram-ngan-ti-dong-dang-mac-ket-se-duoc-giai-phong/
Zalo