Luật Công nghiệp công nghệ số: Bước ngoặt lịch sử cho kỷ nguyên số Việt Nam
Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số, đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho kỷ nguyên số Việt Nam.
Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 92,26% đại biểu tán thành, không chỉ là một đạo luật chuyên ngành mà còn là bước đi chiến lược thể chế hóa định hướng của Đảng tại Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68. Luật quy định rõ các cơ chế đặc thù để phát triển hạ tầng số, thúc đẩy sản phẩm "Make in Vietnam", đào tạo nhân tài và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, trong đó nổi bật là trí tuệ nhân tạo (AI) và chip bán dẫn.

Luật Công nghiệp công nghệ số hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước - Ảnh: IT
Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng khung pháp lý riêng cho ngành công nghiệp công nghệ số. Với định hướng rõ ràng về AI, làm chủ công nghệ lõi và phát triển hệ sinh thái công nghệ số. Luật Công nghiệp công nghệ số được kỳ vọng sẽ là bệ phóng cho Việt Nam khẳng định vị thế trong cuộc đua toàn cầu. Đây không chỉ là một đạo luật chuyên ngành, mà còn được kỳ vọng là đòn bẩy thể chế cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Những điểm mới của Luật Công nghiệp công nghệ số
Trong công nghiệp bán dẫn, luật này đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp chip - từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất đến kiểm thử và đóng gói. Việt Nam định hướng tận dụng thế mạnh hiện có ở khâu kiểm thử để thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời dần làm chủ thiết kế chip trong trung và dài hạn. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn được hưởng chính sách ưu đãi vượt trội, góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp này.
Trí tuệ nhân tạo: Đây là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc ưu tiên phát triển các công nghệ lõi như AI, dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain) và điện toán đám mây (Cloud). Các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực này được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế, tài chính và hỗ trợ hạ tầng. Nhà nước sẽ đặt hàng doanh nghiệp phát triển công nghệ chiến lược, đồng thời đầu tư vào trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo và phòng thí nghiệm chuyên sâu.
Luật cũng xác lập nguyên tắc phát triển AI có trách nhiệm, lấy con người làm trung tâm. Các hệ thống AI được phân loại theo mức độ rủi ro, với nhóm rủi ro cao phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt và có cơ chế giám sát chặt chẽ. Có thể thấy, bước đi này rất quan trọng, giúp đảm bảo an toàn công nghệ, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo một cách bền vững.
Luật Công nghiệp công nghệ số xác định rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, sản xuất phần mềm, AI, chip bán dẫn và trung tâm dữ liệu là các lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế, hỗ trợ đất đai và tiếp cận tín dụng ưu đãi. Các dự án có vốn đầu tư lớn được hưởng ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong nhiều năm, hỗ trợ tài chính từ Quỹ đầu tư phát triển, và chi phí R&D được tính gấp đôi, thậm chí gấp ba đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thủ tục hành chính: Được đơn giản hóa thông qua cơ chế phân cấp thẩm quyền thành lập khu công nghiệp công nghệ số cho UBND cấp tỉnh và áp dụng chế độ ưu tiên hải quan "luồng xanh".
Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số được hỗ trợ đến 50% chi phí mua công nghệ tiên tiến và phát triển mẫu thử. Những sản phẩm đạt chuẩn "Make in Vietnam" sẽ được ưu tiên trong các dự án đầu tư công, tạo ra thị trường đầu ra bền vững. Với định hướng này, Việt Nam đang xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khép kín, từ nghiên cứu, sản xuất đến tiêu dùng.
Một điểm quan trọng khác trong bộ luật là chính sách thu hút và phát triển nhân lực công nghệ số. Theo luật, địa phương được phép hỗ trợ chi phí thuê nhân lực chất lượng cao cho các dự án trọng điểm, các tổ chức được khuyến khích đào tạo và cấp chứng chỉ công nghệ số theo chuẩn quốc tế.
Cụ thể, nhân lực công nghệ số chất lượng cao được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đầu làm việc tại Việt Nam, tạo động lực tài chính mạnh mẽ. Chuyên gia nước ngoài được cấp visa 5 năm và miễn giấy phép lao động, giúp thu hút nhân lực quốc tế chuyển giao công nghệ và chia sẻ kiến thức.
Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo qua các chương trình quốc gia, hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức giáo dục, tập trung vào kỹ năng công nghệ tiên tiến, quản lý dự án, và sáng tạo. Cơ chế luân chuyển nhân lực linh hoạt cho phép công chức, viên chức biệt phái sang doanh nghiệp công nghệ số, bảo lưu lương và vị trí công tác, đồng thời kinh nghiệm tại doanh nghiệp được đánh giá cao, thậm chí là cơ sở để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo.
Tài sản số, tài sản mã hóa: tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản mã hóa là một loại tài sản số.
Luật Công nghiệp công nghệ số còn đặt nền móng pháp lý cho tài sản số và tài sản mã hóa. Trong bối cảnh Việt Nam đang nằm trong "Danh sách xám" của FATF (Lực lượng đặc nhiệm) về chống rửa tiền, việc xây dựng cơ chế quản lý tài sản số bao gồm cả tài sản ảo, là bước đi cấp thiết nhằm bảo đảm an toàn tài chính và nâng cao uy tín quốc gia.
Đáng chú ý, luật cũng thiết lập cơ chế sandbox - thử nghiệm công nghệ có kiểm soát cho các mô hình công nghệ mới. Đây là bước tiến thể chế quan trọng, vừa khuyến khích sáng tạo, vừa hạn chế rủi ro trong quá trình ứng dụng công nghệ tiên phong.
Luật này cũng được xem là nền tảng vững chắc để nâng cao đời sống của người dân và sức cạnh tranh của quốc gia trên thị trường thế giới thông qua công nghệ, bởi luật đặt mục tiêu đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thị trường quốc tế, gia tăng doanh thu và khẳng định thương hiệu toàn cầu
Ngoài ra, dự thảo luật quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, AI, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu AI, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số...
Tầm nhìn chiến lược, đón đầu xu hướng công nghệ toàn cầu
Luật Công nghiệp công nghệ số được xem là một bước tiến pháp lý mang tính lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong việc đón đầu xu hướng công nghệ toàn cầu. Với các quy định tiên phong về tài sản số, AI, công nghiệp bán dẫn, và nhân lực công nghệ số, luật tạo ra một hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch, và linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, và chính phủ số.
Việc triển khai hiệu quả các quy định này sẽ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, cùng với sự cập nhật liên tục để thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Trong kỷ nguyên công nghệ, Luật Công nghiệp công nghệ số không chỉ là đòn bẩy thể chế mà còn là nền tảng để Việt Nam khẳng định vị thế là trung tâm công nghệ số khu vực và toàn cầu.
Từ nay đến năm 2035, Việt Nam đặt mục tiêu có 150.000 doanh nghiệp công nghệ số. Đây được xem là một con số đầy tham vọng, nhưng không viển vông nếu luật được thực thi nghiêm túc và hiệu quả.
Đánh giá về tầm nhìn chiến lược của Luật Công nghiệp công nghệ số, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số được xem là một bước ngoặt, thiết lập hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi người dùng, thúc đẩy kinh tế số và hòa nhập với các tiêu chuẩn quốc tế về tài sản số.
Theo ông Trung, luật không chỉ hỗ trợ bảo vệ pháp lý cho các doanh nghiệp trong giao dịch, đầu tư, thừa kế tài sản số mà còn mở rộng không gian hợp pháp cho người dân đầu tư, giao dịch và giải quyết tranh chấp dân sự trên không gian mạng.
Về tầm nhìn dài hạn, ông Trung cho rằng luật sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tăng cường quản lý và giảm thiểu rủi ro, cũng như khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, tài sản số được quy định trong các điều khoản cụ thể của luật, làm rõ khái niệm, tiêu chí, nguyên tắc và trách nhiệm quản lý nhà nước.
Tài sản số, bao gồm cả tài sản mã hóa, được xây dựng trong luật theo chuẩn mực quốc tế, tương thích với quy định của Mỹ và cũng như các tiêu chuẩn các quốc gia khác. Ông Trung cho biết năm 2024, dòng tài sản mã hóa đổ vào Việt Nam đạt 105 tỉ USD, tương đương 1/4 GDP cả nước và gần gấp 4 lần tổng vốn FDI, dù giảm nhẹ so với năm 2023. Khi hành lang pháp lý hoàn thiện, một phần dòng chảy ngầm này sẽ chuyển dịch sang khu vực chính thống, góp phần nâng cao tính minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và ngăn ngừa các hành vi phạm pháp như rửa tiền, lừa đảo hay tài trợ khủng bố.
"Luật Công nghiệp công nghệ số mang tính chất thúc đẩy nhiều hơn là quản lý, góp phần hoàn thiện mảnh ghép còn thiếu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, sự ra đời của luật này sẽ tạo hành lang pháp lý thực thi nhanh chóng các hệ thống văn bản, thúc đẩy triển khai hiệu quả các công nghệ chiến lược như blockchain, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế số", ông Trung cho hay.
Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỉ USD, tăng 35,7% so với năm 2019. Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019. Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019. Toàn ngành có 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng Top đầu thế giới: (1) đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; (2) đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; (3) đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; (4) đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; (5) đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.
Công nghiệp công nghệ số được Việt Nam xác định là một ngành công nghiệp nền tảng, là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số.