Sau điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ, doanh nghiệp 'thở phào'
Sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu tại khu vực phía Nam rất phấn khởi và kỳ vọng một làn sóng đơn hàng mới từ thị trường này.
Gỡ bỏ tâm lý bất an
Trong suốt thời gian dài, sự bất ổn về chính sách thuế quan tại thị trường Mỹ đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế bị động. Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Bình Dương (cũ) cho biết, tình trạng không chắc chắn về giá cả khiến các đối tác nhập khẩu ngần ngại đặt hàng. Hệ quả là không ít doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc chỉ sản xuất cầm chừng, gây ra tâm lý lo lắng, bất an.

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Bình Dương cho biết, doanh nghiệp phấn khởi với mức thuế mới
Giờ đây, khi mức thuế suất đã được ấn định rõ ràng, các doanh nghiệp có thể tự tin tính toán giá thành, xác định giá mua và giá bán tại thị trường Mỹ mà không còn lo sợ rủi ro.
"Trước đây, khi chưa biết mức thuế ra sao nên ít doanh nghiệp đặt hàng sản xuất. Nay đã khác, khi đã xác định được mức thuế, doanh nhân, doanh nghiệp đã xác định được giá mua, giá bán tại thị trường Mỹ. Như vậy, họ sẽ không sợ rủi ro như mấy tháng nay khi không biết giá cả ở thị trường này ra sao. Lúc này, người mua hàng sẽ tính toán và sẽ giao đơn hàng", ông Xô cho biết thêm.
Đối với ngành chế biến gỗ, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, kết quả đàm phán thông qua cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump đêm 2/7 được xem là rất tích cực. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HaWa) phân tích, mức thuế 20% tốt hơn rất nhiều so với mức thuế đối ứng 46% từng được đề xuất trước đó. Dù trước đây ngành hàng này được hưởng thuế suất 0% vào thị trường Mỹ, ông Phương cho rằng với mức thuế mới, doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động sản xuất, xuất khẩu hiệu quả.

Doanh nghiệp phấn khởi, sản xuất trở lại
Về năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp gỗ Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tốt khi cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc ở một số phân khúc và với các nước như Malaysia, Indonesia ở các nhóm sản phẩm chuyên biệt đã định hình hàng chục năm. Một điểm đáng chú ý là cơ chế chia sẻ chi phí thuế. Theo ông Phương, thay vì nhà nhập khẩu chịu toàn bộ, chi phí này có xu hướng được thương lượng và chia sẻ giữa 3 bên: Nhà sản xuất Việt Nam, nhà nhập khẩu và nhà phân phối tại Mỹ.
"Công thức tính giữa các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất và nhà phân phối từ lúc áp thuế đối ứng 10% là chia 3 hoặc chia 2. Nhưng chia giữa thương nhân với nhà sản xuất hoặc là chia giữa thương nhân, nhà phân phối với nhà sản xuất thường chia 3 là đẹp nhất, mỗi bên chịu thuế 7% là tốt nhất", ông Phương bày tỏ.
Ngành rau quả, giữ vững sức cạnh tranh
Từ góc độ ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết việc áp thuế 20% không gây tác động quá lớn. Hiện tại, các mặt hàng trái cây chế biến của Việt Nam xuất sang Mỹ vốn đã chịu mức thuế từ 5-15%, do đó mức thuế mới vẫn nằm trong khả năng của doanh nghiệp.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Ông Nguyên nhận định, sức cạnh tranh của nông sản Việt sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi các đối thủ trong khu vực như Thái Lan hay Philippines cũng có thể phải đối mặt với mức thuế tương tự hoặc cao hơn. "Cơ hội giữ vững thị phần của hàng Việt tại Mỹ vẫn rất lớn nếu chúng ta đảm bảo được chất lượng," ông nói. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là thị trường quan trọng cho nông sản Mỹ, đặc biệt là trái cây, với kim ngạch nhập khẩu gần gấp đôi lượng xuất khẩu.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ
Việc Việt Nam tiếp tục duy trì thuế suất 0% cho nông sản Mỹ được xem là một phần quan trọng trong việc cân bằng cán cân thương mại, góp phần cải thiện quan hệ kinh tế lâu dài giữa hai nước.
"Dự kiến sản lượng nông sản của Mỹ nhập từ Việt Nam năm 2025 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2024. Nhưng mình phải hiểu rằng, đây cũng là cách kéo giảm thâm hụt trong cán cân thương mại mà Mỹ đang đề cập, cũng là cách để Việt Nam cải thiện quan hệ kinh tế lâu dài giữa hai nước", ông Đặng Phúc Nguyên phân tích.