Người đã bị tuyên án tử hình về các tội đã bỏ hình phạt tử hình trước ngày 1/7/2025 xử lý ra sao?
Tại buổi họp báo công bố các luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc vụ Quốc hội khóa XV thông qua được Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức vào sáng 3/7, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đã giải thích rõ các điều khoản chuyển tiếp khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Cụ thể, các điều khoản chuyển tiếp được quy định tại Điều 4, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Theo điểm b Khoản 1 Điều 4, các quy định của Luật này nếu có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0h 00 phút ngày 1/7/2025 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện hoặc đang bị điều tra, truy tố, xét xử.
Theo điểm c khoản 1 Điều 4, các quy định của Luật này nếu không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với hành vi phạm tội xảy ra trước 0h 00 phút ngày 1/7/2025 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện hoặc đang bị điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp người phạm tội về các tội quy định tại Điều 353 (Tội tham ô tài sản) và Điều 354 (Tội nhận hối lộ) của Bộ luật Hình sự mà theo quy định của Luật này (bỏ hình phạt tử hình đối với các tội này) được chuyển thành tù chung thân thì vẫn áp dụng quy định về việc chỉ được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đáp ứng được các tiêu chí đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Về xử lý tình huống phát sinh đối với người đã bị tuyên án tử hình về các tội đã bỏ hình phạt tử hình trong Luật trước ngày 1/7/2025 nhưng chưa thi hành (khoản 2 và khoản 3 Điều 4), Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, khoản 2 Điều 4 quy định, hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 1/7/2025 đối với người phạm tội về các tội đã bỏ hình phạt tử hình quy định tại các điều 109, 110, 114, 194, 250, 353, 354 và 421 của Bộ luật Hình sự hoặc thuộc trường hợp không thi hành án tử hình vì bị ung thư giai đoạn cuối quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự mà chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại buổi họp báo.
Khoản 3 Điều 4 hướng dẫn xử lý trường hợp người bị kết án tử hình trước ngày 1/7/ 2025 về Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) của Bộ luật Hình sự nhưng theo quy định của Luật này, mức định lượng chất ma túy dùng để định khung hình phạt chung thân hoặc tử hình đã có sự thay đổi do Luật đã bổ sung thêm khoản 5 có khung hình phạt là chung thân hoặc tử hình với mức định lượng lớn hơn mức định lượng tại khoản 4 các điều này của Bộ luật Hình thì giải quyết như sau:
- Hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 1/7/2025 đối với người phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) của Bộ luật Hình sự mà khối lượng, thể tích chất ma túy được xác định trong bản án để quyết định hình phạt tử hình đối với họ bằng hoặc thấp hơn khối lượng, thể tích chất ma túy thấp nhất quy định tại khoản 5 Điều 248 hoặc khoản 5 Điều 251 của Bộ luật Hình sự mà chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
- Hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 1/7/2025 đối với người phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) của Bộ luật Hình sự mà khối lượng, thể tích chất ma túy được xác định trong bản án để quyết định hình phạt tử hình đối với họ lớn hơn khối lượng, thể tích chất ma túy thấp nhất quy định tại khoản 5 Điều 248 hoặc khoản 5 Điều 251 của Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 của Luật nhưng người phạm không phải là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy hoặc không có 2 tình tiết tăng nặng trở lên mà không thi hành án và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định chuuẩn hình nhạt tử hình thành tù chung thân.
Về xử lý tình huống phát sinh khi thi hành án tù chung thân đối với người phạm tội tham ô tài sản và tội phạm nhận hối lộ (khoản 4 và khoản 5 Điều 4):
- Quy định tại khoản 4 Điều 4, Luật đã bỏ hình phạt tư hình đối với Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354). Tuy nhiên, để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa đối với lại tội phạm này đồng thời đảm bảo hiệu quả thu hồi tài sản tham ô, nhận hối lộ, khoản 4 Điều 4 đã quy định theo hướng vẫn áp dụng quy định về việc sau khi được giảm án từ tử hình xuống tù chung thân. Những người này chỉ có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đáp ứng được các tiêu chỉ: Đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Nếu không đáp ứng các tiêu chí này, người bị kết án tù chung thân về Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ sẽ chấp hành án phạt tù vĩnh viễn.
- Để đảm bảo sự công bằng, tránh gây bất lợi đối với người phạm tội, khoản 5 Điều 4 cũng quy định về việc hình phạt tù chung thân đã tuyên trước ngày 1/7/2025 đối với các tội tham ô tài sản và nhận hối lộ thì không cần phải có điều kiện “đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” khi xét giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người phạm tội.
Về phân công trách nhiệm triển khai, theo quy định của Luật, Khoản 6 Điều 4 đã giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan tổ chức việc rà soát người bị kết án tử hình thuộc diện được chuyển từ hình phạt tử hình thành tù chung thân để thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp tổ chức rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của Luật này.