Hãng son 'quốc dân' Merzy nói lời tạm biệt thị trường Việt Nam: Cạnh tranh khốc liệt trong ngành mỹ phẩm
Merzy, thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc, nói lời chia tay thị trường Việt Nam sau 9 năm trong sự bất ngờ và tiếc nuối của khách hàng Việt.

Hãng son "quốc dân" - Merzy nói lời tạm biệt thị trường Việt. Ảnh: Internet
Mới đây, Merzy - hãng mỹ phẩm Hàn Quốc, được ví như hãng son "quốc dân" tại Việt Nam, đã thông báo trên fanpage chính thức của mình tại nền tảng Facebook về việc sẽ dừng hoạt động tại Việt Nam sau 9 năm ra mắt thị trường.
Cụ thể, dòng trạng thái được Merzy chia sẻ với nội dung như sau:

Bài đăng thông báo "tạm biệt" của Merzy thu hút sự quan tâm đông đảo của giới đam mê làm đẹp (Ảnh chụp màn hình)
"Cảm ơn bạn vì đã đồng hành, yêu thương và tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ cùng MERZY trong suốt cuộc hành trình 9 năm qua.....
.....Hy vọng rằng sự tự tin và cảm hứng mà Merzy mang đến vẫn sẽ luôn đồng hành cùng bạn, và mỗi khi chạm vào sắc màu quen thuộc, bạn vẫn nhớ đến hành trình chúng ta đã đi cùng nhau
Mọi sự thay đổi đều mở ra những điều mới mẻ, Merzy mong rằng, dù ở đâu, chúng ta vẫn sẽ gặp lại nhau trong một phiên bản mới, rực rỡ hơn.
Cảm ơn và hẹn gặp lại"
Hiện, hãng vẫn chưa công bố nguyên nhân vì sao rời khỏi thị trường Việt Nam.
Được biết, Merzy là hãng mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc, ra mắt vào năm 2016, với slogan: "Another me inside of me" (một con người bên trong mỗi cá thể), Merzy tập trung sản xuất và phân phối các sản phẩm trang điểm và làm đẹp như: Cushion (phấn nước), chỉ kẻ mắt, chỉ kẻ mày,...
Trong đó, nổi bật nhất là những bộ sưu tập son, với giá thành "hạt dẻ" từ 150.000 – 290.000 đồng/thỏi, đa dạng về dòng son: lì, bóng, dưỡng,... và màu son, phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu của Merzy, chủ yếu ở độ tuổi 15 – 25 tuổi, học sinh, sinh viên và người có mức thu nhập mức trung bình.

Nhiều bình luận bày tỏ sự tiếc nuối trước thông báo này (Ảnh chụp màn hình)
Theo thông tin từ hãng, tính đến nay, Merzy đã cho ra mắt hơn 20 bộ sưu tập về son với hơn 10 triệu sản phẩm được bán ra trên toàn thế giới. Đáng nói, có những bộ sưu tập đã bán được 10.000 sản phẩm trong vòng 24 giờ kể từ khi ra mắt. Riêng Việt Nam, Merzy đã bán được hơn 50 triệu đơn hàng.
Vì vậy, trước thông tin rời khỏi thị trường Việt Nam, nhiều khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng nữ, thường xuyên sử dụng mỹ phẩm hãng này bày tỏ tiếc nuối ở phần bình luận.
Thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường năng động nhất trong khu vực Asean hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện đang trong thời kỳ vàng dân số, với nữ giới chiếm 50,1% trong tổng dân số 100,3 triệu người.
Hơn nữa, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam thường xuyên sử dụng sản phẩm làm đẹp tăng từ 76% lên 86% trong giai đoạn 2018 - 2022 (Theo nghiên cứu của Euromonitor International).
Trong thời đại 4.0, ngành làm đẹp còn phát triển mạnh mẽ tại các sàn thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki, Sendo). Báo cáo số liệu từ Metric năm 2023 cho thấy, tổng doanh thu toàn ngành là 37,7 nghìn tỷ đồng, với doanh số đạt 341 triệu sản phẩm, tăng trưởng trên 50% so với năm 2022, với khoảng 137.000 doanh nghiệp đang kinh doanh trong ngành hàng này.

Ngành hàng mỹ phẩm có nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam, song, đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh: Internet)
Còn tại số liệu mới nhất từ Statista, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2024 ước tính đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2023. Con số này dự báo có thể tăng lên khoảng 2,7 tỷ USD vào năm 2027.
Dựa trên số liệu phân tích ở trên, có thể nói, thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang có thị phần rất lớn và nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là trên sàn TMĐT. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia, tốc độ tăng trưởng có thể chậm hơn so với năm 2022 và 2023 do khó khăn kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, dẫn tới việc chi tiêu cho các sản phẩm làm đẹp có phần hạn chế.
Trước đó, vào tháng 4/2023, hãng Eglips – một hãng mỹ phẩm Hàn Quốc, cũng đã thông báo rút khỏi thị trường Việt Nam sau 7 năm.
Vì vậy, cạnh tranh trong ngành mỹ phẩm tại Việt Nam đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Các thương hiệu, doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chú trọng đến marketing và tiếp cận khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường cùng với tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành.