Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc: 'Sát thủ thầm lặng' với nhan sắc của chị em

Hơn 6 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị tạm giữ tại Đắk Lắk, tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về tình trạng hàng kém chất lượng và nhu cầu siết chặt quản lý để bảo vệ người tiêu dùng.

Mới đây, PLO đưa tin về vụ việc lực lượng Quản lý thị trường Đắk Lắk tạm giữ hơn 6 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Vì lợi nhuận, liệu có thể bất chấp sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng đến thế sao?

 Lực lượng quản lý thị trường làm việc với chủ cơ sở kinh doanh mĩ phẩm. Ảnh: N.T

Lực lượng quản lý thị trường làm việc với chủ cơ sở kinh doanh mĩ phẩm. Ảnh: N.T

Nhiều nạn nhân của mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Bạn đọc Nguyenhien…@gmail.com bình luận: "Nhìn vào con số hơn 6 tấn mỹ phẩm bị tạm giữ, tôi giật mình tự hỏi: Liệu bao nhiêu sản phẩm kém chất lượng khác đã trót lọt đến tay người tiêu dùng? Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc không chỉ là vấn đề buôn bán trái phép mà còn tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Hồi xưa tôi có sử dụng mỹ phẩm trôi nổi đã gặp phải tình trạng dị ứng, viêm da, thậm chí bỏng rát nghiêm trọng. Đi khám BS, mới tá hỏa sản phẩm mà tôi mua trên mạng chứa hóa chất độc hại như corticoid, thủy ngân, hydroquinone… có thể làm trắng da tức thời nhưng hậu quả lâu dài là bào mòn da, gây rối loạn nội tiết".

Đồng quan điểm, bạn đọc Thaomy84…@gmail.com bình luận: "Trước đây tôi từng mua một loại kem dưỡng trắng trên mạng với giá rất rẻ. Ban đầu da trắng nhanh, mịn màng, nhưng chỉ sau vài tuần, da bị bong tróc, đỏ rát khắp mặt. Đi khám mới biết mình bị nhiễm corticoid nặng do dùng kem trộn".

Bạn đọc Minhhien...@gmail.com chia sẻ: "Vấn nạn mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc đã tồn tại nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để. Nhiều cơ sở kinh doanh sẵn sàng nhập hàng không có kiểm định, quảng cáo bằng những lời hoa mỹ để đánh lừa người tiêu dùng. Điều đáng lo ngại là một số người tiêu dùng vì ham rẻ hoặc thiếu hiểu biết mà tiếp tay cho các sản phẩm này, khiến thị trường mỹ phẩm chính hãng gặp khó khăn và kéo theo những hậu quả khôn lường".

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây tổn thương da vĩnh viễn

Trao đổi với PLO, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Quân, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết các loại mỹ phẩm mà bệnh nhân sử dụng thường không nêu rõ thành phần, nguồn gốc. Mặt chung của các loại mỹ phẩm này là thường chứa corticosteroid, hydroquinon, thủy ngân…

Đây là những chất không an toàn, khi bôi lên da gây biểu hiện trắng nhanh, chính vì vậy được các chị em rất ưa thích. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài các sản phẩm này sẽ làm da trở nên mỏng đi, các mạch máu giãn, da nhạy cảm, bong tróc và nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng, để lại sẹo hoặc tình trạng rối loạn sắc tố da khó hồi phục.

 Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Quân, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đang khám da cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Quân, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đang khám da cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Những biến chứng này điều trị rất khó khăn, kéo dài, và đôi khi phải áp dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại mới có thể khôi phục lại tình trạng da như ban đầu cho bệnh nhân.

Theo BS Quân, có những trường hợp, bệnh nhân đã ngưng sử dụng mỹ phẩm nhưng những tổn thương da vẫn tiếp diễn. Thậm chí, nguy hiểm hơn là có hiện tượng “lệ thuộc” mỹ phẩm. Nghĩa là khi người sử dụng đã ngưng sử dụng các loại mỹ phẩm này thì da sẽ trở nên ngứa, đỏ, nổi mụn, sắc tố sậm màu hơn.

Tình trạng này buộc bệnh nhân phải sử dụng liên tục mỹ phẩm, từ đó mới dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. Việc “cai nghiện” cho những trường hợp như vậy cũng hết sức khó khăn, cần nhiều thời gian, phối hợp các loại thuốc cũng như sử dụng công nghệ thích hợp.

BS Quân khuyến cáo chị em không nên chỉ tin vào những lời quảng cáo về hiệu quả làm đẹp tức thì của mỹ phẩm. Khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da, cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thành phần an toàn và điều quan trọng nhất là phải phù hợp với làn da.

Nên tăng mức phạt để răn đe!

Bạn đọc Huynhhien...@gmail.com bình luận: "Tôi nghĩ, cần tăng mức phạt để răn đe! Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc bị xử phạt nhưng sau đó vẫn tiếp tục vi phạm. Nếu mức phạt không đủ sức răn đe, họ sẽ coi đó là “chi phí kinh doanh” và tiếp tục trục lợi từ người tiêu dùng. Cần nâng mức phạt thật nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nghiêm trọng!".

Bạn đọc Quythanh...@gmail.com: "Không chỉ phạt tiền, cần cấm kinh doanh! – Bán mỹ phẩm kém chất lượng là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài việc tăng mức phạt, cần có biện pháp mạnh tay như tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với những cá nhân, tổ chức tái phạm nhiều lần".

"Tịch thu hàng hóa là chưa đủ. Không thể để hàng chục tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị phát hiện rồi chỉ tịch thu và xử lý hành chính. Cần truy xuất nguồn gốc tận gốc, xem ai sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm này để xử lý tận nơi, tránh tình trạng hàng kém chất lượng tiếp tục tuồn ra thị trường" - bạn đọc Nhathuong92...@gmail.com nêu quan điểm.

Bạn đọc Thanhmai80...@gmail.com bình luận: "Chúng ta đã có luật về bảo vệ người tiêu dùng, nhưng nếu chế tài không đủ mạnh thì quyền lợi của người dân vẫn bị xâm phạm. Cần có chính sách bồi thường rõ ràng và xử lý nghiêm khắc những kẻ kinh doanh bất chấp đạo đức".

"Mỹ phẩm không phải mặt hàng thông thường, mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sắc đẹp của người dùng. Nếu chỉ vì lợi nhuận mà bán hàng kém chất lượng, đó là hành vi vô trách nhiệm, cần bị trừng phạt nghiêm khắc để giữ vững đạo đức kinh doanh" - bạn đọc Thanhmy...@gmail.com chia sẻ.

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/my-pham-khong-ro-nguon-goc-sat-thu-tham-lang-voi-nhan-sac-cua-chi-em-post835279.html
Zalo