Xuất khẩu nhôm và thép của Việt Nam vào Mỹ sẽ ra sao?

Ngày 11/02, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ mọi quốc gia vào Mỹ, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 04/3 tới. Theo quy định được Mỹ áp dụng từ năm 2018, hầu hết thép xuất sang Mỹ cũng đã phải chịu mức thuế 25% còn nhôm là 10%. Khi quyết định mới được áp dụng, mức thuế đối với thép của Việt Nam giữ nguyên, còn thuế đối với nhôm tăng từ 10% lên 25%.

Doanh nghiệp thép có thể đối diện với thách thức khi Mỹ áp thuế. Ảnh: ST

Doanh nghiệp thép có thể đối diện với thách thức khi Mỹ áp thuế. Ảnh: ST

Cơ hội và thách thức đan xen

Theo Bộ Công Thương, năm 2024 xuất khẩu các mặt hàng thép của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 983 triệu USD, chiếm khoảng 4,4% thị phần, tăng gần 159% so với năm 2023. Với nhôm là gần 300 triệu USD, chiếm khoảng 1,46% thị phần. Việc áp dụng thuế bổ sung 25% với cả thép và nhôm như dự kiến sẽ gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này vào Mỹ trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng thuế tới ngành thép trong nước sẽ không đáng kể bởi mặt hàng thép của Việt Nam đã bị Mỹ áp mức thuế 25% từ năm 2018. Thực tế, sắc lệnh thuế mới là một phần mở rộng của thuế Mục 232 đã được ông Trump ban hành năm 2018, ban đầu đặt mức cố định 25% cho thép nhập khẩu nhưng miễn trừ một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Vương quốc Anh... Tuy nhiên, tác động gián tiếp có thể xảy ra khi mặt hàng thép của các nước khó xuất khẩu vào Mỹ sẽ mở rộng sang thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí mở rộng tại chính thị trường nội địa sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh lên mặt hàng thép của Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm trên, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cũng cho rằng: nếu Mỹ áp dụng mức thuế trên với toàn bộ hàng nhập khẩu, sản phẩm của Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay; hàng Việt Nam có giá cạnh tranh, chất lượng tốt. Hơn nữa, khi chính sách thuế mới được Mỹ áp dụng có thể tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bởi không còn phân biệt giữa các quốc gia xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Các công ty của Việt Nam có thể không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng về giá từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn hoặc mức thuế bằng 0 như Canada, Mexico, EU hay Brazil. Điều này giúp cho doanh nghiệp của ta có thể giảm bớt sức ép cạnh tranh về giá nếu tận dụng được các lợi thế so sánh...

Với Công ty Cổ phần EuroHa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp, mỗi năm EuroHa xuất khẩu 7 triệu USD sản phẩm nhôm vào Mỹ. Khi Mỹ áp thuế bổ sung 25% cho nhôm thay vì mức 10% hiện hành, dự kiến sản lượng thực tế nhôm thanh định hình của doanh nghiệp này có thể giảm khoảng 30%. Còn với doanh nghiệp sản xuất thép Chính Đại, xuất khẩu thép vào Mỹ chiếm 10% tổng kim ngạch của Công ty, với mức thuế 25%. Dù không lo lắng về việc xuất khẩu thép giảm ngay, nhưng doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch thích ứng với tình hình thế giới biến động, đa dạng thêm các thị trường khác, tập trung vào dòng sản phẩm có giá trị cao cho thị trường quốc tế...

Việt Nam sẵn sàng ứng phó

Trước diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Vụ Thị trường nước ngoài, hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát, nắm bắt thông tin thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại Việt Nam để kịp thời tham mưu cho Chính phủ phản ứng chính sách phù hợp; đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế rủi ro và thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh từ 17 Hiệp định thương mại tự do cũng như gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có với các nước để khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, đồng thời phát triển thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở thêm thị trường tiềm năng mới.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường; chú trọng việc kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng như đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Mỹ. Nếu tác động thuế quan gắt gao, Bộ Công Thương sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường thời gian tới...

Về phía Bộ Ngoại giao, ngày 13/02, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng - cho biết, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ đã có những bước phát triển tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của Chính phủ và Nhân dân hai nước. Việt Nam sẵn sàng trao đổi và làm việc trên tinh thần xây dựng và hợp tác với phía Mỹ để chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tháo gỡ các vướng mắc trong thương mại khi nước này sắp áp thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu...

Cùng với việc chỉ ra các cơ hội đối với doanh nghiệp thép và nhôm của Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Hưng cũng khuyến cáo, doanh nghiệp Việt có thể không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng về giá từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn hoặc mức thuế bằng 0 nhưng biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, khó khăn xuất khẩu vào Mỹ sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do các nước tìm đường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhiều công ty thép quay lại thị trường nội địa khiến các nước tăng cường bảo hộ, cũng gây ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu thép như nước ta. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần tiếp tục đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Đồng thời, tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ về các vụ việc phòng vệ thương mại; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp./.

ĐỨC MINH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-nhom-va-thep-cua-viet-nam-vao-my-se-ra-sao-38313.html
Zalo