Hàng loạt hàng bún riêu 'một năm mở cửa một tuần': Giá đắt mấy cũng tặc lưỡi cho qua!

Giống như mọi năm, mỗi khi đến Tết Nguyên đán, trên khắp đường phố Hà Nội xuất hiện vô vàn quán bún riêu 'một năm mở cửa một tuần'. Đặc biệt, một bát bún riêu ngày này được nhiều người ví như một bát bún được nạm 'vàng', bởi giá bán đắt đỏ.

Hàng bún riêu “một năm mở cửa một tuần”

Vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hầu hết các hàng quán dịch vụ ăn uống, nhà hàng tại Hà Nội đều đóng cửa trong ít nhất một tuần lễ. Tuy nhiên, ngay từ 30 Tết, hàng loạt cửa hàng bún riêu vỉa hè xuất hiện trên nhiều tuyến phố.

Các hàng bún được mở bán rất sớm (Ảnh minh họa)

Ngay tại Bạch Mai, tuyến phố dài khoảng 3,5 km, nhưng có trên dưới 30 cửa hàng bún riêu, đang tấp nập người ra, kẻ vào, hàng nào cũng đông khách. Nhiều người dân sống xung quanh bông đùa gọi tuyến phố là thủ phủ của bún riêu.

Bà Lan, chủ một cửa hàng bún riêu tại Bạch Mai cho biết: Trong những ngày Tết, hầu hết mọi người đều ăn cỗ từ nhà này, sang nhà khác. Các mâm cỗ Tết hầu như giống nhau, đều có các món ăn đặc trưng như bánh chưng, giò lụa, giò tai, thịt bò xào;....

Các món ăn này tuy ngon, nhưng dễ tạo ra cảm giác ngấy, chỉ cần ăn một vài miếng là ngán. Do đó, nhiều người thèm vị thanh chua, của mẻ hoặc dấm bỗng để cân bằng lại vị giác, tạo cảm giác thèm ăn. Đó chính là lý do vì sao, các cửa hàng bún riêu lại “mọc như nấm sau mưa” trong mấy ngày Tết.

“Trong 4 - 5 ngày Tết, tôi đố ai ngày nào cũng ăn bánh chưng đấy. Bánh chưng ngon, nhưng chỉ 2 - 3 miếng là có cảm giác không muốn ăn nữa. Vì vậy, khách, mới thèm đồ chua, nhưng vị phải thanh mát, đặc biệt phải có rau xanh ăn kèm. Chứ ngày Tết mà bán phở, mỳ, miến cũng không ăn thua”, bà Lan tiết lộ.

Theo tìm hiểu của PV, đến 90% các cửa hàng bún riêu phục vụ xuyên Tết Nguyên đán chỉ hoạt động thời vụ trong một tuần, kéo dài từ sáng 30 cho đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng, Âm lịch.

Sau đó, các chủ quán bún riêu lại trở về công việc hàng ngày, người là công nhân đã về hưu, người làm nội trợ, có người buôn hoa quả ngoài chợ;...

Bà Lan giải thích: “Tranh thủ mấy ngày Tết, không có nhiều hàng quán, chúng tôi mở ra để kiếm thêm thu nhập. Hết mùng 6 là nghỉ, bởi hàng quán mở cửa lại. Đến năm sau, đúng 30 Tết lại bán tiếp”.

Do một năm chỉ kinh doanh trong một tuần, nên bát đũa, nồi, niêu, xoong, chảo đều đi thuê hoặc mượn của người quen. Giá thuê khoảng 1 - 2,5 triệu đồng/tuần, tùy từng nơi.

Dù biết bị “chặt chém” nhưng ai cũng tặc lưỡi cho qua

Để được thưởng thức một bát bún riêu trong những ngày Tết Nguyên đán, thực khách sẽ phải chấp nhận sống chung với nạn “chặt chém”.

Có những hàng bún riêu, bún ốc trông rất tạm bợ

Theo khảo sát, một bán bún riêu ngày Tết có cao hơn 20% - 30% so với ngày thường, dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/bát thường, chỉ có riêu đậu và từ 50.000 - 80.000 đồng/bát đầy đủ, bao gồm riêu, ốc, đậu, giò và thịt bò.

Cá biệt, càng vào khu vực trung tâm thành phố, giá lại càng đắt, một số nơi còn bán giá cao gấp đôi, gấp 3 lần ngày thường. Đơn cử, trên phố Hàng Điếu, Hàng Gà, thực khách có thể dễ dàng bị “chém” với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/bát đầy đủ.

Điều đặc biệt, dù có giá bán đắt đỏ, được ví như cọng bún riêu dát vàng, dát bạc nhưng cửa hàng nào cũng tấp nập khách ra, khách vào. Đặc biệt, vào thời điểm đêm muộn, nhiều cửa hàng còn không có chỗ ngồi cho khách.

Chia sẻ với PV Báo Nhà báo và Công luận, một cửa hàng bún riêu kinh doanh thời vụ trên phố Khâm Thiên cho biết: Trong một ngày Tết có thể bán được 100 - 150 bát, giá bình quân là 100.000 đồng/bát. Như vậy, chỉ trong một tuần, cửa hàng này thu về trên dưới 100 triệu đồng.

Anh Vũ Đức Anh, một thực khách chia sẻ: Trong những ngày Tết, ít có ai đi trả giá cả. Vì vậy, chủ quán “hét giá” bao nhiêu cũng phải trả bấy nhiêu.

“Không chỉ dịch vụ ăn uống, ngày Tết mọi thứ đều đắt đỏ, ít nơi mở cửa kinh doanh. Do đó, dù biết bị “chém đẹp”, nhưng ăn tạm cho qua 7 ngày Tết”, vị thực khách này chia sẻ.

Lâm Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hang-loat-hang-bun-rieu-mot-nam-mo-cua-mot-tuan-gia-dat-may-cung-tac-luoi-cho-qua-post119031.html
Zalo