Hàng chục loài động vật quý hiếm được thả về rừng

Sau khi được chăm sóc, sức khỏe hoàn toàn ổn định, hàng chục loài động vật quý hiếm được thả về rừng để tiếp tục sinh trưởng trong môi trường tự nhiên.

Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk (Buôn Đôn, Đắk Lắk) phối hợp với đơn vị liên quan thả về rừng nhiều động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới.

Ông Lê Văn Hồng - phụ trách Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk) - cho biết, Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk là nơi tiếp nhận động vật quý hiếm, hoang dã từ cơ quan chức năng hoặc giải cứu được…

Sau đó, chăm sóc cho các động vật khỏe mạnh hoàn toàn rồi thả về rừng. Trước khi thả, sẽ đánh giá cụ thể từng loài trên các khía cạnh: Khả năng thích ứng, sinh tồn trong tự nhiên; khả năng kiếm ăn trong rừng…

Theo ông Hồng, năm 2024 đã có 26 cá thể động vật quý hiếm thuộc 11 loài nằm trong danh mục bảo vệ nghiêm ngặt được thả về rừng.

Lực lượng chức năng thả động vật quý hiếm về rừng.

Lực lượng chức năng thả động vật quý hiếm về rừng.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk cũng đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông (Đắk Lắk) và Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) thả thành công 13 cá thể động vật quý hiếm vào Vườn quốc gia Chư yang Sin.

Cụ thể, gồm: 1 con tê tê Java, 1 con khỉ đuôi lợn, 2 con trăn gấm, 2 con trăn đất, 3 con khỉ đuôi dài, 1 con mèo rừng, 1 con rùa hộp lưng đen, 1 con rùa hộp trán vàng, 1 con rùa đất lớn.

Đồng thời, phối hợp với Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP HCM) thả thành công 42 cá thể động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin.

Một con khỉ thích ứng ngay với môi trường tự nhiên khi được thả vào rừng.

Một con khỉ thích ứng ngay với môi trường tự nhiên khi được thả vào rừng.

Thời gian qua, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng còn một số người đi săn bắn động vật hoang dã. Điển hình cuối tháng 4, Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk đã làm việc với đối tượng săn bắn một con khỉ mẹ vừa sinh con nhỏ.

Vậy nên, cùng với giải cứu, chăm sóc, thả động vật về rừng thì việc tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ chúng là điều cần thiết.

Loài trăn quý hiếm được Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk thả vào rừng.

Loài trăn quý hiếm được Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk thả vào rừng.

"Chúng tôi đã và đang phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa phương tổ chức các buổi họp dân, tuần tra rừng để tuyên truyền công tác bảo vệ rừng và bảo tồn động vật hoang dã.

Cùng với đó, hợp tác với các tổ chức như: AAF (tổ chức động vật Châu Á), ENV (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), các trường học trên địa bàn Đắk Lắk để tổ chức các buổi tham quan và giáo dục học sinh, sinh viên về bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật hoang dã.

Con tê tê thuộc danh mục động vật quý hiếm được Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk thả về rừng.

Con tê tê thuộc danh mục động vật quý hiếm được Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk thả về rừng.

Ngoài ra, Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk) đã áp dụng phương pháp truyền thông trên mạng internet, sử dụng trang web và các mạng xã hội để đăng tải hình ảnh, video về công tác cứu hộ, chăm sóc động vật. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm…", ông Lê Văn Hồng chia sẻ.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-chuc-loai-dong-vat-quy-hiem-duoc-tha-ve-rung-169250511091826438.htm
Zalo