Vì sao nước hồ không thấm hết vào lòng đất và không bốc hơi hoàn toàn?
Mặc dù nước trong hồ có thể bốc hơi và thấm vào lòng đất, song các hồ nước trên khắp thế giới vẫn không biến mất hoàn toàn. Vậy điều gì đang thực sự diễn ra?
Trước hết, cần hiểu rằng nước sẽ bốc hơi khi gặp nhiệt độ cao. Mặt trời là một nguồn nhiệt tự nhiên mạnh mẽ và liên tục nhất mà Trái Đất có. Thí nghiệm đơn giản như đổ đầy nước vào một cốc thủy tinh rồi để dưới ánh nắng mặt trời vài giờ, bạn sẽ thấy mức nước trong cốc giảm đáng kể. Nguyên nhân là do sức nóng từ mặt trời khiến nước bốc hơi. Điều tương tự cũng xảy ra với các ao hồ hay những vùng nước lớn. Tuy nhiên, vì sao chúng ta lại không dễ dàng nhận thấy mực nước thay đổi?
Có hai lý do chính. Thứ nhất, lượng nước trong các ao hồ là cực kỳ lớn, do đó quá trình bốc hơi diễn ra chậm đến mức gần như không thể nhận thấy bằng mắt thường trong thời gian ngắn. Dù có mất nước vì bay hơi, lượng mất đi so với tổng thể là không đáng kể.

Ảnh minh họa.
Vấn đề đặt ra là: nếu nước cứ tiếp tục bốc hơi như vậy, chẳng lẽ ao hồ sẽ cạn sau vài tuần hoặc vài tháng? Câu trả lời là không – và nguyên nhân là nhờ vào vòng tuần hoàn của nước, hay còn gọi là chu trình thủy văn. Theo đó, nước từ ao hồ, sông suối và đại dương bốc hơi lên không khí, sau đó ngưng tụ thành mây và quay trở lại mặt đất dưới dạng mưa, tuyết hoặc mưa đá. Nhờ vậy, lượng nước bị mất đi do bay hơi sẽ được tự nhiên bù đắp.
Tuy nhiên, vẫn có một số hồ nước ngọt bị cạn sau thời gian dài, nếu tốc độ cung cấp nước từ mưa hoặc nguồn khác không đủ bù lại lượng nước mất đi.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là: tại sao nước không thấm hết xuống lòng đất?
Câu trả lời liên quan đến cấu trúc địa chất bên dưới lòng hồ. Nếu hồ đủ sâu, đáy hồ thường là lớp đất sét hoặc đá, vốn là những vật chất gần như không thấm nước. Ngoài ra, đất cũng có "giới hạn no" – khi đất đạt đến độ bão hòa, tức đã hấp thu đủ lượng nước mà nó có thể chứa, nó sẽ không tiếp nhận thêm nước nữa. Khi nước từ trên tiếp tục đổ xuống, nước sẽ tích tụ lại thay vì thấm sâu hơn nữa.
Thêm vào đó, tùy từng loại đất mà tốc độ thấm nước sẽ khác nhau – hạt đất càng lớn thì khả năng thấm càng nhanh. Nhiều hồ nước tự nhiên cũng hình thành ở những khu vực thấp so với mực nước biển và thường nhận thêm nước từ các mạch ngầm dưới lòng đất.
Tóm lại, nước trong hồ có thể thấm xuống đất và bay hơi, nhưng đều chỉ đến một giới hạn nhất định. Khi đất bên dưới đã bão hòa và quá trình bay hơi diễn ra chậm, lượng nước còn lại tiếp tục tồn tại và được tự nhiên bù đắp thông qua mưa hoặc nguồn nước ngầm. Vì vậy, miễn là hồ có đủ nguồn cấp nước thường xuyên, thì sẽ không có lý do gì để hồ nước đó có thể biến mất hoàn toàn.