Hàng chục băng nhóm tội phạm Trung Quốc hoành hành tại Myanmar

Tướng cảnh sát Thái Lan cảnh báo hàng chục băng nhóm tội phạm Trung Quốc đang điều hành các trung tâm lừa đảo bất hợp pháp tại Myanmar - nơi giam giữ hàng chục nghìn nạn nhân.

 Thành phố Shwe Kokko (Myanmar) với tổ hợp sòng bạc, giải trí và du lịch là nơi có nhiều trung tâm lừa đảo. Ảnh: Reuters.

Thành phố Shwe Kokko (Myanmar) với tổ hợp sòng bạc, giải trí và du lịch là nơi có nhiều trung tâm lừa đảo. Ảnh: Reuters.

The Guardian đưa tin hàng chục nghìn người có thể đang bị giam giữ và ép buộc làm việc trong các trung tâm lừa đảo trực tuyến tại Myanmar, đặc biệt là khu vực giáp biên giới Thái Lan.

Đây là lời cảnh báo từ Tổng cục trưởng Cơ quan Chống Buôn Người Thái Lan, đồng thời ông nhấn mạnh rằng có thể mất nhiều tháng để giải cứu và hồi hương toàn bộ các nạn nhân.

“Thiên đường” cho tội phạm xuyên quốc gia

Trong thời gian qua, chính phủ Thái Lan đã triển khai chiến dịch trấn áp quy mô lớn nhằm làm tê liệt hoạt động của các trung tâm lừa đảo tại Myanmar. Chính quyền đã cắt nguồn điện và nhiên liệu cung cấp cho các khu vực biên giới, nơi các băng nhóm tội phạm đang hoạt động mạnh mẽ.

Theo Tướng Thatchai Pitaneelaboot, Giám đốc Trung tâm Chống Buôn Người Thái Lan, có khoảng 30-40 băng nhóm tội phạm Trung Quốc đang điều hành những trại lừa đảo này. Ông cho biết số người bị mắc kẹt có thể lên đến 30.000, 50.000, thậm chí 100.000 người. Những nạn nhân đến từ hơn 30 quốc gia, trong đó phần lớn là người Trung Quốc.

Với đường biên giới dài và lỏng lẻo giữa Myanmar và Thái Lan, nhiều tội phạm có thể dễ dàng qua lại, biến khu vực này thành "thiên đường" cho các hoạt động phi pháp. Không chỉ vậy, Myanmar vẫn đang chìm trong xung đột từ năm 2021, tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm mở rộng hoạt động.

Bên cạnh dòng người tị nạn chạy trốn khỏi xung đột, các băng nhóm tội phạm cũng tranh thủ biến khu vực này thành điểm nóng của các đường dây lừa đảo.

Mới đây, chính quyền Thái Lan đã tổ chức hồi hương hàng trăm nạn nhân. Những chuyến xe khách hai tầng đã chở lao động Trung Quốc trở về nước, trong khi 4 chuyến bay khác cũng được lên lịch để đưa những người bị mắc kẹt tại Mae Sot (Thái Lan) về quê hương.

Trước đó, một nhóm vũ trang tại Myanmar đã bàn giao 260 lao động bị cưỡng ép từ nhiều quốc gia như Philippines, Ethiopia, Brazil, Nepal và Thái Lan.

Tướng Thatchai nhấn mạnh Thái Lan sẽ không tiến hành giải cứu trong lãnh thổ Myanmar mà chỉ tiếp nhận những người đã được đưa qua biên giới.

“Công xưởng lừa đảo” với giấc mơ việc nhẹ lương cao

Theo Liên Hợp Quốc, hàng trăm nghìn người trên thế giới đã sập bẫy những lời mời chào hấp dẫn về công việc văn phòng với mức lương cao. Nhưng khi đặt chân đến, họ mới nhận ra mình đã rơi vào địa ngục: bị giam giữ, ép buộc tham gia vào các đường dây lừa đảo trực tuyến nhắm vào nạn nhân toàn cầu.

Một nghiên cứu của Viện Hòa Bình Mỹ ước tính các đường dây lừa đảo này kiếm được 63,9 tỷ USD mỗi năm, trong đó 39 tỷ USD đến từ các "công xưởng" tại Campuchia, Myanmar và Lào.

Những người may mắn trốn thoát hoặc được giải cứu đã kể lại nỗi kinh hoàng mà họ phải chịu đựng như đánh đập, tra tấn bằng điện, bỏ đói, nhiều người mang trên mình đầy vết sẹo và vết bầm tím.

 Các nạn nhân đa quốc gia bị lừa vào làm việc tại Myanmar được giải cứu đến Thái Lan và đang chờ đại sứ quán đón về vào ngày 19/2/2025. Ảnh: Reuters.

Các nạn nhân đa quốc gia bị lừa vào làm việc tại Myanmar được giải cứu đến Thái Lan và đang chờ đại sứ quán đón về vào ngày 19/2/2025. Ảnh: Reuters.

Yotor, một trong bốn người Ethiopia vừa được cứu thoát, ngồi tại một điểm tập trung ở Thái Lan vào ngày 19/2. Trên đôi chân anh vẫn còn chi chít vết cắt. Những người khác cũng cho thấy các vết thương chưa lành sau thời gian bị giam giữ trong một trong những khu lừa đảo khét tiếng nhất Myanmar.

"Tôi bị trừng phạt liên tục. Ngày nào tôi cũng bị chích điện", Yotor, 19 tuổi, kể lại với Reuters.

Một số nạn nhân cho biết họ bị ép làm việc gần 20 giờ mỗi ngày, chuyên lừa đảo qua các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp để moi tiền.

Faysal, 21 tuổi, người Bangladesh, tiết lộ: "Khi một khách hàng nói 'Tôi yêu bạn', chúng tôi bắt đầu thao túng tâm lý họ để trục lợi".

Anh Faysal cũng cho biết, nếu không đạt “chỉ tiêu”, những người này sẽ bị đánh đập dã man.

"Chúng tôi không phải kẻ lừa đảo, chúng tôi là nạn nhân!", Faysal khẳng định.

Tuy vậy, Tướng Thatchai cảnh báo không phải ai cũng là nạn nhân. "Có những người tự nguyện đến làm việc, kiếm được tiền rồi quay về. Nhưng cũng có những người bị ép buộc, nếu muốn rời đi sẽ bị đánh đập và tra tấn", ông nói.

Ông cũng tiết lộ nhiều băng nhóm còn lấy lý do chi phí đi lại, ăn ở để buộc nạn nhân phải "trả nợ", biến họ thành lao động cưỡng bức.

Chính quyền các nước vào cuộc

Cuộc trấn áp mạnh tay của các nước bắt đầu sau vụ mất tích gây chấn động của diễn viên trẻ người Trung Quốc, Vương Tinh (Wang Xing - 22 tuổi). Wang bị lừa đến Thái Lan với lời mời đóng phim, nhưng sau đó bị bán sang Myanmar để làm việc trong một trung tâm lừa đảo.

Khi bạn gái anh mất liên lạc và lên tiếng kêu cứu trên mạng xã hội, vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn. Wang được tìm thấy sau hơn một tháng bị bắt cóc, trở về với mái đầu đã bị cạo trọc.

Sự việc này đã khiến dư luận Trung Quốc và Thái Lan dậy sóng, làm dấy lên lo ngại về nạn buôn người đang hoành hành tại khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, nó cũng khiến chính quyền Thái Lan lo sợ về việc mất uy tín trong mắt du khách Trung Quốc, một trong những thị trường du lịch quan trọng nhất của nước này.

Ngày 4/2, Thái Lan đã ra lệnh cắt điện và Internet tại 5 khu vực bên trong Myanmar, nơi được xác định là trung tâm điều hành các đường dây lừa đảo. Ngoài ra, Thái Lan cũng siết chặt việc bán nhiên liệu cho các khu vực này.

Tại Shwe Kokko, một trong những trung tâm lừa đảo khét tiếng, tiếng máy phát điện vẫn vang lên. Tuy nhiên, theo ông Thatchai, các tổ chức lừa đảo không còn hoạt động với công suất tối đa như trước. Trước đây, chúng hoạt động 24/7, nhắm vào các nạn nhân ở nhiều múi giờ khác nhau trên thế giới. Nhưng bây giờ, hoạt động đã bị hạn chế đáng kể.

Trung Quốc cũng đã vào cuộc, cung cấp danh sách hàng nghìn công dân bị nghi ngờ liên quan đến các đường dây lừa đảo. Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Liu Zhongyi đã đến Bangkok và biên giới để phối hợp hồi hương.

 Những người Trung Quốc bị cáo buộc làm việc hoặc là nạn nhân tại trung tâm lừa đảo được Myanmar trao trả, lên máy bay tại sân bay Mae Sot (Thái Lan). Ảnh: Reuters.

Những người Trung Quốc bị cáo buộc làm việc hoặc là nạn nhân tại trung tâm lừa đảo được Myanmar trao trả, lên máy bay tại sân bay Mae Sot (Thái Lan). Ảnh: Reuters.

Theo ông Thatchai, các băng nhóm tội phạm Trung Quốc còn có mối liên kết chặt chẽ với các đường dây lừa đảo tại Campuchia.

Việc hồi hương hàng chục nghìn nạn nhân đang tạo áp lực lớn đối với Thái Lan. Chính phủ nước này phải lo liệu phương tiện di chuyển và chỗ ở tạm thời cho những người được giải cứu.

Tuy nhiên, nhiều đại sứ quán vẫn chưa cam kết tài trợ để đưa công dân của họ về nước, khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hang-chuc-bang-nhom-toi-pham-trung-quoc-hoanh-hanh-tai-myanmar-post1533563.html
Zalo