60 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu 'định đoạt' tương lai nước Đức
Các điểm bầu cử sẽ được mở trong ngày 23/2 trên khắp nước Đức, trong cuộc bầu cử Quốc hội mang tính bước ngoặt khi cường quốc kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang đối mặt vô vàn khó khăn tại châu Âu.
Khi gió đảo chiều
Theo Reuters, các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa lúc 8h ngày 23/2 (giờ địa phương) và sẽ đóng cửa lúc 18h cùng ngày, khi việc kiểm phiếu bắt đầu và kết quả thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu được công bố. Khoảng 60 triệu người ở Đức đủ điều kiện để bỏ phiếu trong lần bầu cử này.
Trước đó, khối liên minh bảo thủ CDU/CSU dưới sự dẫn dắt của chính trị gia Friedrich Merz liên tục dẫn đầu các cuộc thăm dò, nhưng khó có thể giành được đa số phiếu tại quốc hội do bối cảnh chính trị chia rẽ của Đức, buộc khối liên minh này phải tìm giải pháp mở rộng liên minh nếu thắng cử.

Đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng là ứng cử viên đảng SPD vận động tranh cử. Ảnh: Reuters
Theo khảo sát của YouGov ngày 17/2, CDU/CSU duy trì thế dẫn đầu với 27% người ủng hộ, bỏ xa vị trí thứ 2 là đảng cực hữu AfD của bà Alice Weidel - nhận được 20%. Đảng SPD của đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đảng Xanh của ông Robert Habeck lần lượt xếp sau với 17% và 12%.
Trong bối cảnh đó, cường quốc kinh tế lớn thứ ba thế giới và là quốc gia đông dân nhất EU đang phải đối diện với những biến động mạnh mẽ, bao gồm xung đột Nga-Ukraine, sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính sách mới của chính quyền Mỹ, và một Liên minh châu Âu cũng đang dần chia rẽ.
Nhìn lại lịch sử, nhiệm kỳ 16 năm của bà Angela Merkel được đánh dấu bằng sự liên kết khí đốt với Nga, thương mại sôi động với Trung Quốc và sức mạnh quân sự của Mỹ, cho phép Đức tập trung vào những gì nước này làm tốt nhất: sản xuất ô tô và thiết bị trong khi vẫn duy trì sự thống nhất của EU.

Ông Friedrich Merz, ứng cử viên của liên đảng CDU và CSU tranh cử chức Thủ tướng Đức. Ảnh: Reuters
Người kế nhiệm bà Merkel, ông Olaf Scholz, đã hy vọng về một cách tiếp cận mới đối với các vấn đề bị lãng quên nhờ liên minh “đèn giao thông” giữa Đảng Xanh, SPD và FDP, theo đó thống nhất việc chuyển đổi và hiện đại hóa nước Đức thông qua một chương trình dựa trên ý tưởng "Tiến bộ".
Nỗi bi quan và rạn nứt
Nhưng chỉ vài tuần sau, xung đột Nga và Ukraine nổ ra, khiến các kế hoạch của ông Scholz phải đi chệch hướng. Việc Nga ngừng cung cấp năng lượng đã khiến giá cả tăng vọt, thúc đẩy lạm phát sau đại dịch và gây sức ép nặng nề lên các ngành công nghiệp như thép và hóa chất.
Những bất đồng trong các cuộc đàm phán về ngân sách mới của liên bang, chính sách di cư,… trở nên nghiêm trọng, làm rạn nứt liên minh cầm quyền. Tờ Der Spiegel từng nói về thất bại của ông Scholz khi liên minh cầm quyền sụp đổ: "Không có Thủ tướng Đức nào lại mất lòng dân đến vậy trong 27 năm qua".
Người Đức giờ đây bi quan hơn về mức sống của họ so với bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo công ty thăm dò ý kiến Gallup, tỷ lệ những người cho biết tình hình của họ đang được cải thiện đã giảm mạnh từ 42% vào năm 2023 xuống còn 27% vào năm ngoái.
Từ đó, theo các nhà phân tích, kết quả có khả năng xảy ra nhất của cuộc bầu cử quốc hội Đức năm nay là sự liên kết giữa đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) và đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU).
Tuy nhiên, kết quả bầu cử của các đảng nhỏ cũng có thể tác động đến bức tranh tổng thể, nếu đảng đó nắm số ghế vừa đủ để liên minh với đảng dẫn đầu nhằm tạo chính phủ đa số. Các cuộc thăm dò cho thấy có thể cần phải thành lập một liên minh ba bên khác nếu một số đảng nhỏ đạt ngưỡng 5% để vào quốc hội.