Tối hậu thư chấn động của Elon Musk
Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang Mỹ đang hoang mang trước một email bất ngờ từ OPM và yêu cầu của tỷ phú Elon Musk: hoặc báo cáo công việc hàng tuần hoặc bị coi là từ chức.

Tỷ phú Elon Musk tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ngày 20/2. Ảnh: Reuters.
Cuối tuần qua, hàng trăm nghìn nhân viên liên bang Mỹ bất ngờ nhận được email từ Văn phòng Quản lý Nhân sự Liên bang (OPM) yêu cầu họ báo cáo công việc đã làm trong tuần trước. Điều đáng chú ý là email này đi kèm với một cảnh báo từ tỷ phú Elon Musk: “Không phản hồi sẽ bị coi là từ chức”.
Email yêu cầu nhân viên gửi lại khoảng 5 gạch đầu dòng tóm tắt những gì họ đã hoàn thành, đồng thời không được đính kèm liên kết hay tài liệu mật. Điều này đã tạo ra một làn sóng hoang mang trong nội bộ chính phủ, đặc biệt khi nó được gửi từ địa chỉ chính thức của OPM nhưng lại không có chữ ký của bất kỳ quan chức nào.
Dòng tiêu đề của email đơn giản là: “Bạn đã làm gì tuần trước?” CNN đã thu thập được nhiều bản sao email gửi đến nhân viên tại các cơ quan liên bang khác nhau. Nhiều email được đánh dấu mức độ ưu tiên cao hoặc có dấu chấm than màu đỏ.
Yêu cầu bất ngờ
Chiến dịch gửi email này diễn ra ngay sau bài đăng của Musk trên mạng xã hội, trong đó ông đe dọa sa thải những nhân viên không tuân thủ yêu cầu.
“Theo chỉ đạo của Tổng thống @realDonaldTrump, tất cả nhân viên liên bang sẽ sớm nhận được email yêu cầu báo cáo những gì họ đã hoàn thành trong tuần qua”, Musk viết trên nền tảng X vào thứ Bảy, chỉ vài giờ sau khi Trump kêu gọi ông có hành động “quyết liệt hơn”.
Tuy nhiên, nội dung email không hề nhắc đến việc không phản hồi sẽ bị coi là từ chức. Nó chỉ đơn thuần đặt ra hạn chót vào ngày 24/2, lúc 11:59 tối (giờ địa phương).

Bài đăng của tỷ phú Elon Musk trên mạng xã hội X vào ngày 22/2.
Email này đã gây chấn động trong nội bộ lực lượng lao động liên bang, vốn đang chịu áp lực từ hàng loạt chính sách gây tranh cãi của chính quyền Trump.
Trước đó, nhiều nhân viên đã bị sa thải khi vẫn còn trong thời gian thử việc, một số khác nhận được đề nghị từ chức theo hình thức trì hoãn, và nhiều cơ quan bị buộc phải quay lại làm việc trực tiếp toàn thời gian.
Một chủ tịch công đoàn khu vực cho biết anh ta nhận được tin nhắn từ các thành viên lo lắng “không ngừng” sau bài đăng của Musk và email từ OPM.
“Tôi cũng không rõ email đó thực sự có ý nghĩa gì,” người này nói với CNN, đồng thời khuyên các thành viên: “Hãy chờ hướng dẫn chính thức từ chúng tôi trước khi hành động”.
Email này đã được gửi đến hàng loạt cơ quan chính phủ, bao gồm FBI, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Văn phòng Quản lý Nhân sự, FDA, Bộ Cựu chiến binh, Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid và Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng, theo tài liệu mà The New York Times thu thập được.
Một số lãnh đạo cơ quan hoan nghênh động thái của Musk. “DOGE và Elon đang làm rất tốt. Lịch sử đang được viết. Chúng tôi sẵn sàng tham gia”, Ed Martin, quyền Công tố viên Liên bang tại Washington, D.C., người được ông Trump đề cử chính thức, tuyên bố trong tin nhắn nội bộ.
Tuy nhiên, yêu cầu này cũng làm dấy lên lo ngại về pháp lý và an ninh. Một số cơ quan liên bang đã yêu cầu nhân viên tạm dừng phản hồi và chờ hướng dẫn thêm, đặc biệt là những cơ quan có nhiệm vụ nhạy cảm.
Giám đốc FBI Kash Patel đã gửi email cho toàn bộ nhân viên, nhấn mạnh rằng: “FBI, thông qua Văn phòng Giám đốc, sẽ chịu trách nhiệm rà soát toàn bộ quá trình này theo quy trình nội bộ. Nếu cần thêm thông tin, chúng tôi sẽ chủ động liên hệ. Hiện tại, xin hãy tạm dừng phản hồi”.
Trước đó, lãnh đạo cấp cao tại văn phòng FBI New York và một số đơn vị khác cũng đã thông báo cho nhân viên không trả lời email, theo một nguồn tin nắm được sự việc.
Nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) cũng nhận được thông báo vào thứ Bảy rằng họ nên chờ chỉ đạo từ Bộ Quốc phòng trước khi đưa ra bất kỳ phản hồi nào.

NASA yêu cầu nhân viên chưa trả lời email cho đến khi có chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, quyền Công tố viên Liên bang của Quận Columbia, Ed Martin, đã gửi email trấn an nhân viên, khuyên họ có thể trả lời một cách “chung chung” nếu cần thiết. Ông cũng cam kết bảo vệ quyền lợi của họ: “Nếu có ai gây khó dễ cho các bạn, tôi sẽ đứng ra bảo vệ”.
Hạn chót gửi phản hồi vào thứ Hai cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Một quan chức liên bang thắc mắc: “Những nhân viên đang trong kỳ nghỉ hoặc nghỉ ốm thì sao? Họ có bị coi là từ chức vì không thể trả lời đúng hạn không?”.
Ngoài ra, một số nhân viên cho biết họ thực hiện các nhiệm vụ mật và không thể tiết lộ nội dung công việc qua email. Một số khác lại không có quyền truy cập máy tính thường xuyên, điều này có thể khiến họ lỡ hạn chót và gặp rủi ro mất việc.
Nhân viên hoang mang, công đoàn chỉ trích
Một số nhân viên mô tả email này là một động thái "lạnh lùng, tính toán", với mục tiêu loại bỏ những người mà chính quyền Trump chưa thể đụng đến.
Những người khác thì cảm thấy bắt buộc phải phản hồi vì lo sợ mất việc. Một nhân viên liên bang chia sẻ với CNN: "Tôi không dám không trả lời, vì Elon đã nói rõ rằng im lặng đồng nghĩa với từ chức".
Họ cũng cho biết bạn bè của họ tại một cơ quan khác “đang phân vân giữa việc liệt kê các thành tựu thực sự hay chỉ đơn giản gửi lại lời tuyên thệ trung thành với Hiến pháp”.
Không chỉ gây lo lắng trong giới nhân viên chính phủ, yêu cầu này còn vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các công đoàn đại diện cho người lao động.
Everett Kelley, Chủ tịch Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ (AFGE), tổ chức đại diện cho hơn 800.000 nhân viên liên bang, đã chỉ trích gay gắt tối hậu thư của Musk, gọi đây là minh chứng cho “sự khinh miệt hoàn toàn” của chính quyền Trump đối với nhân viên chính phủ và những dịch vụ thiết yếu mà họ cung cấp cho người dân Mỹ:
"Việc buộc hàng trăm nghìn cựu chiến binh - những người đã từng phục vụ trong quân đội và nay tiếp tục cống hiến với tư cách công chức - phải biện minh cho công việc của họ trước một tỷ phú xa rời thực tế, chưa từng cống hiến một giờ nào cho dịch vụ công là một hành động tàn nhẫn và thiếu tôn trọng", ông nói.
Kelley cũng khẳng định rằng AFGE sẽ khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của các nhân viên liên bang khỏi bất kỳ hành vi sa thải trái luật nào.
Doreen Greenwald, Chủ tịch Liên đoàn Nhân viên Bộ Ngân khố Quốc gia (NTEU), không giấu nổi sự phẫn nộ: "Email 'Bạn đã làm gì tuần trước?' là một hành động hoàn toàn phản bội lại những giá trị Mỹ. Các thành viên của NTEU là những công chức chuyên nghiệp, và họ sẽ không lùi bước trước những nỗ lực trắng trợn nhằm tấn công lực lượng lao động liên bang".
Ông Trump: "Musk cần hành động quyết liệt hơn"
Tối hậu thư của Musk được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi ông có hành động "mạnh tay" hơn trong việc cải tổ bộ máy chính phủ.
Khi được CNN liên hệ, một phát ngôn viên của OPM tuyên bố rằng động thái này phản ánh “cam kết xây dựng một lực lượng lao động liên bang hiệu quả và có trách nhiệm”. Vị này cũng cho biết các cơ quan liên bang “sẽ tự quyết định các bước tiếp theo”.

Tổng thống Donald Trump muốn tỷ phú Musk tinh gọn bộ máy quyết liệt hơn. Ảnh: Reuters.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã giao cho Musk nhiệm vụ tái cấu trúc hệ thống liên bang thông qua Bộ Hiệu quả Chính phủ mới thành lập. Tuy nhiên, tính hợp pháp của hành động này vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Ngay sau khi Musk tuyên bố sẽ xem việc không trả lời email là từ chức, Trump đã đăng trên mạng xã hội ca ngợi ông chủ X:
“Elon đang làm rất tốt, nhưng tôi muốn ông ấy quyết liệt hơn. Hãy nhớ rằng, chúng ta có một đất nước cần cứu, và cuối cùng, làm cho nó vĩ đại hơn bao giờ hết. Maga!”
Musk nhanh chóng đáp lại: “Sẽ làm ngay, thưa Tổng thống”
Tình hình hiện tại cho thấy, Musk và ông Trump không chỉ muốn yêu cầu nhân viên liên bang báo cáo công việc mà còn có kế hoạch sâu rộng hơn: cắt giảm nhân sự, thay thế công chức lâu năm bằng quan chức bổ nhiệm chính trị, xóa bỏ một số chính sách bảo vệ công chức, và chấm dứt các sáng kiến về đa dạng và hòa nhập.