Thỏa thuận hòa bình 'ít tồi tệ nhất' với Ukraine

Theo cựu đô đốc hải quân Mỹ James Stavridis, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nghiêng về phía Nga thì Ukraine vẫn có thể giữ được phần lớn lãnh thổ và đảm bảo an ninh cho chính mình.

Tuần qua, Tổng thống Trump vừa triển khai bước đi đầu tiên trong nỗ lực thực hiện cam kết chấm dứt cuộc chiến Ukraine: quan chức Mỹ - Nga gặp nhau tại Ả Rập Saudi. Không hề có đại diện Ukraine hay châu Âu tham gia mặc dù nội dung bàn luận gồm nhiều vấn đề liên quan đến họ như kiểm soát vũ khí, trừng phạt với năng lượng Nga, vị thế của Nga trong nhóm G7, tấn công mạng…

Phía Mỹ dường như chấp nhận nhiều quan điểm của Nga, chẳng hạn phản đối Ukraine gia nhập NATO, hay cho phép Nga kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine mà họ đang chiếm đóng. Thậm chí Tổng thống Trump còn đổ lỗi chính Ukraine bắt đầu cuộc chiến.

Tình hình trên khiến giới phân tích đặt ra câu hỏi kết quả đàm phán “ít tồi tệ nhất” mà Ukraine có thể phải chấp nhận là gì?

Ukraine nên đòi hỏi gì?

Phái đoàn Mỹ đến Ả Rập Saudi gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff, tất cả đều thiếu kinh nghiệm trong ngoại giao quốc tế. Dẫn đầu phía Nga là ngoại trưởng dày dạn kinh nghiệm Sergei Lavrov.

Khi còn giữ vai trò trợ lý quân sự cấp cao cho cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, cựu đô đốc Stavridis từng gặp Ngoại trưởng Lavrov nhiều lần. Ông nhận xét nhà ngoại giao này cao lớn, uy nghiêm và cứng rắn, theo lời cựu Bộ trưởng Rumsfeld mô tả là “nhẹ nhàng như thủy tinh”.

Trong lúc Mỹ triển khai hoạt động đối thoại nhiều khả năng sẽ rất khó khăn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đối mặt với thách thức khó không kém. Tuy nhiên Kyiv chắc chắn không thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi bất cứ nỗ lực đàm phán nào.

Cựu đô đốc Stavridis nhận định Tổng thống Zelensky có 3 “quân bài” có thể dùng lúc đàm phán, lần lượt là phần lãnh thổ trên địa bàn vùng biên giới Kursk mà lực lượng nước này chiếm được, quân đội ít người nhưng khá thiện chiến, hậu thuẫn mạnh mẽ từ châu Âu.

Cũng theo cựu đô đốc Stavridis, Ukraine cần đưa ra 3 đòi hỏi quan trọng để kết quả đàm phán không trở nên “tồi tệ nhất” với mình. Đầu tiên là không có thêm nhượng bộ lãnh thổ nào nữa. Mất bán đảo Crimea cùng 4 vùng Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia, Kherson (Nga đơn phương tuyên bố sáp nhập vào tháng 9.2022) đã quá tồi tệ rồi, Tổng thống Zelensky cần vạch rõ giới hạn không chấp nhận mất thêm phần lãnh thổ nào nữa, đặc biệt cần giữ được thành phố Kharkiv nằm gần biên giới.

Thứ hai là một số đảm bảo an ninh đáng tin cậy nhằm ngăn Nga tái vũ trang thực hiện phát động chiến dịch quân sự nữa trong vài năm tới. Tổng thống Trump đã loại trừ khả năng triển khai quân Mỹ đến Ukraine và Nga chắc chắn không bao giờ trực tiếp can thiệp vào NATO. Nhưng quân đội châu Âu có thể đồn trú, phụ trách nhiệm vụ phát hiện động thái bất thường. Pháp, Anh, Ba Lan cùng các nước vùng Baltic đều “bật đèn xanh” cho việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.

Sẽ rất tốt nếu Ukraine đạt được đảm bảo một khi Nga phát động chiến dịch quân sự nữa thì NATO lập tức kết nạp Kyiv. Tuy nhiên khả năng Mỹ - Nga chấp nhận đảm bảo này không cao.

Cuối cùng, Ukraine nên đòi hỏi Mỹ và châu Âu hỗ trợ quân sự liên tục. Ngân sách quốc phòng của toàn NATO lên đến gần 1.500 tỉ USD, đủ khả năng cung cấp cho Ukraine nhiều chiến đấu cơ, tên lửa đất đối đất, hệ thống không người lái hơn. Hỗ trợ tình báo cũng rất quan trọng.

Thắng lợi với Nga?

Kết quả đàm phán “ít tồi tệ nhất” chưa hẳn thể hiện Nga đạt thắng lợi. Cuộc chiến khiến nước này mất đi lượng lớn nam giới, một phần lãnh thổ trở thành chiến trường với bom đạn chưa nổ, hạ tầng bị phá hủy cần tái thiết, Thụy Điển cùng Phần Lan gia nhập NATO giúp khối khuếch trương ảnh hưởng đến biển Baltic. Moscow còn phải dành ra phần GDP đáng kể cho chiến tranh, kinh tế tăng trưởng yếu, lực lượng lao động giảm sút.

Thỏa thuận “ít tồi tệ nhất” không hoàn hảo, nhưng khả thi với tình hình đàm phán hiện tại. Vấn đề lớn nhất là Nga có chấp nhận hay không và phía Mỹ có cố gắng đạt thỏa thuận không.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thoa-thuan-hoa-binh-it-toi-te-nhat-voi-ukraine-229638.html
Zalo