Hàng cận date - hậu quả khôn lường

Chỉ với vài cú click chuột, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm, sữa, đồ uống... với giá 'rẻ không tưởng' trên mạng xã hội. Nhưng phía sau những con số hấp dẫn ấy là nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm, sức khỏe người tiêu dùng khi trào lưu buôn bán hàng 'cận date' (gần hết hạn sử dụng) đang tràn lan, khó kiểm soát.

Ma trận hàng cận date

Không cần lạc vào các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng hiện nay chỉ cần ngồi nhà, lướt Facebook, Instagram, TikTok là đã “vô tình” rơi vào mê trận mời chào hàng cận date với mức giá “rẻ đến bất ngờ”. Giá rao bán thường chỉ bằng 30-50% so với hàng còn hạn thông thường, thậm chí có món được hét giá chỉ 5.000 - 10.000 đồng với lý do “thanh lý lỗ vì sắp hết hạn”.

Một ví dụ điển hình là các hội nhóm như “Đồ Âu, đồ Nhật giá hủy diệt”, “Săn hàng cận date giá rẻ”, “Hội nội trợ săn deal cuối hạn”, hay “Chợ đồ nhập khẩu thanh lý”, nơi hàng loạt tài khoản cá nhân livestream bán hàng mỗi ngày, thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt theo dõi. Chỉ trong 1 giờ phát sóng, họ có thể “chốt đơn” hàng trăm sản phẩm từ nước xả vải, dầu gội, bánh quy, sữa chua, sữa bột đến nước rửa chén, phô mai, thịt nguội, chocolate, pate gan ngỗng... Phần lớn đều được quảng bá là “hàng nội địa Nhật”, “nhập từ Mỹ, Đức, Úc”, “cận hạn 1-2 tháng nhưng chất lượng đảm bảo”.

Tài khoản “Hòa Minh” trong nhóm “Hội săn hàng cận date nội địa Nhật Bản” thuyết phục người xem: “Hàng này chỉ cận date thôi, chất lượng vẫn tốt. Mình bán vì tiếc của, mong ai cũng mua được đồ tốt giá hời, chứ đâu phải ai cũng đủ tiền mua hàng nguyên hạn”.

Anh Nguyễn Văn Kh. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là nạn nhân của việc mua hàng mỹ phẩm cận date.

Anh Nguyễn Văn Kh. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là nạn nhân của việc mua hàng mỹ phẩm cận date.

Chủ livestream khác thì nói thẳng: “Khách bên mình toàn dùng hết trong 1-2 tuần, cần gì hạn dài. Ăn nhanh, mua gọn, tiết kiệm tiền triệu mỗi tháng”.

Một người bán khác rôm rả mời chào: “Đây là phô mai Đức, hạn còn 20 ngày, giá chỉ bằng 1/4 siêu thị. Nhà em ăn hoài, chưa ai đau bụng cả!”.

Để tăng độ tin cậy, họ thường tung chiêu “giật tít” đánh thẳng vào tâm lý người mua: “Chấp nhận bán lỗ”, “Xả hàng vì đổi mẫu mã”, “Không nhận hàng tồn, chỉ bán cận date để khách dùng kịp”... Nhiều chiêu trò khác khai thác tâm lý tiết kiệm của các bà nội trợ: “Một gói bánh nhập khẩu, còn hạn 2 tuần - 12.000 đồng, ăn sáng cho bé thì vừa!”, “Mỹ phẩm Hàn chính hãng, giá thử chỉ 39.000 đồng vì sắp hết hạn!”.

Chị Trần Thị Thu - tiểu thương online ở Hải Phòng - thú thật: “Giờ khách mê hàng cận date vì giá rẻ, lại thấy ‘hàng ngoại’ nên tin sái cổ. Có người còn mua buôn lại bán kiếm lời. Có hôm tôi livestream bán đồ ăn vặt gần hết hạn, mà vẫn chốt hơn 200 đơn trong 2 tiếng”.

Nhưng ẩn sau lớp vỏ đường mật đó là hàng loạt hiểm họa mà người tiêu dùng không lường trước được. Thực tế không hiếm các trường hợp “dở khóc dở cười” vì sản phẩm nhận về khác xa lời rao, thậm chí gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe.

Một điển hình là vụ việc tháng 3/2024 tại TP.Hồ Chí Minh, khi một bà mẹ trẻ đặt mua sữa bột Nhật qua livestream với lời cam kết “còn hạn 1 tháng, hàng chuẩn Nhật, giá chỉ 150.000 đồng/hộp”. Sau khi dùng, con chị bị tiêu chảy nặng, phải nhập viện cấp cứu. Kiểm tra lại thì hộp sữa đã hết hạn 10 ngày, phần in date bị dán đè khéo léo bằng tem mờ. Người bán lập tức khóa Facebook, chặn liên lạc, để lại nỗi day dứt và ân hận cho người mẹ trẻ.

Hay trường hợp anh Nguyễn Văn Kh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mua 3 tuýp kem chống nắng “nội địa Hàn” giá 39.000 đồng/tuýp, được rao là “hàng showroom xả kho”. Dùng xong, anh nổi mẩn đỏ, ngứa rát khắp mặt. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy kem chứa lượng paraben và corticoid vượt ngưỡng - cực kỳ nguy hiểm nếu dùng lâu dài. Không chỉ mất tiền, anh còn tốn gần 3 triệu để điều trị da liễu.

Nhiều mặt hàng thực phẩm khác như pate, xúc xích, phô mai cũng thường xuyên bị “gia hạn” bằng cách dán tem phụ hoặc xóa mờ hạn cũ. Cuối năm 2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện kho hàng tại Đông Anh chứa hơn 2 tấn thực phẩm nhập lậu cận date, trong đó nhiều món đã hết hạn nhưng được thay vỏ mới, rao bán online với mác “hàng Âu giá hủy diệt”.

Đáng ngại hơn, tình trạng mập mờ trong ghi nhãn khiến người mua gần như không có căn cứ khi khiếu nại. Livestream bán hàng đa phần không hóa đơn, không đổi trả, không địa chỉ rõ ràng - chỉ vài dòng mô tả, số điện thoại, tài khoản cá nhân, thậm chí dùng nickname và avatar ẩn danh. Khi có sự cố, người tiêu dùng chỉ còn biết “ngậm ngùi tự trách nhẹ dạ cả tin”.

Sức hút của “hàng rẻ” đã khiến việc mua sắm online trở thành thói quen nguy hiểm, đặc biệt với sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc giảm cân, sữa bột trẻ em, khẩu trang y tế... Không chỉ gây dị ứng, tiêu hóa rối loạn, những sản phẩm này còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, tích tụ hóa chất, ảnh hưởng lâu dài đến gan, thận, thần kinh.

Khảo sát của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 cho thấy: có đến 68% người từng mua hàng cận date qua mạng; trong đó, 45% nhận hàng sai mô tả, 20% từng gặp vấn đề sức khỏe nhưng không biết kêu ai. Điều đó cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng về nhận thức tiêu dùng và sự thiếu vắng cơ chế bảo vệ người mua trên nền tảng mạng. Nhiều người sau khi dùng thực phẩm, mỹ phẩm cận date bị dị ứng, tiêu chảy, đau bụng hay nổi mẩn, song ngại rắc rối nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Phần lớn hàng không rõ nguồn gốc, không tem phụ tiếng Việt, vi phạm nghiêm trọng quy định ghi nhãn, khiến người mua mù mờ về thành phần và xuất xứ.

Mặt khác, sự buông lỏng quản lý trên các nền tảng mạng xã hội càng tiếp tay cho hình thức kinh doanh độc hại này lan rộng. Livestream bán hàng hiện không cần giấy phép, không kiểm duyệt quảng cáo hay chất lượng, khiến thật - giả trộn lẫn, người bán thì lẩn trốn, người mua thì bị “dắt mũi”.

Tâm lý sính ngoại, ham rẻ, cùng thói quen “mua sắm tiện tay” trên mạng xã hội đã khiến không ít người thành con mồi cho các chiêu trò bán hàng mập mờ. Một số thậm chí “nghiện” săn hàng cận date, coi đó là thú vui tiết kiệm mà quên đi hiểm họa lâu dài với sức khỏe bản thân và gia đình.

Các loại sữa cận date nằm trong những sản phẩm được rao bán nhiều nhất hiện nay.

Các loại sữa cận date nằm trong những sản phẩm được rao bán nhiều nhất hiện nay.

Thực tế cho thấy, dù giá rẻ đến đâu, các sản phẩm cận date - đặc biệt là thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc - vẫn cần được bảo quản nghiêm ngặt và giám sát an toàn. Tuy nhiên, mô hình mua bán tự phát trên mạng xã hội hoàn toàn không đáp ứng được điều đó.

Đây không còn là vấn đề nhỏ lẻ của cá nhân, mà là khoảng trống nhức nhối trong quản lý thị trường online, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng. Nếu không hành động kịp thời, “cơn sốt hàng rẻ” này sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tiếp tục tung hoành, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.

Người tiêu dùng không được phép lơ là

Việc hàng cận date tràn lan trên mạng không phải hiện tượng tự phát mà là hệ quả của một chuỗi tính toán lợi nhuận. Anh Nguyễn Văn H. - chủ cửa hàng đồ tiêu dùng nhập khẩu tại Hà Nội - thẳng thắn tiết lộ: “Hàng nhập nhiều, tiêu thụ chậm, nên nhiều đại lý buộc phải xả hàng trước hạn để thu hồi vốn. Các sản phẩm còn hạn dưới 3 tháng thường được rao bán online vì dễ đẩy đi, giá lại mềm, người mua khó cưỡng”.

Bia cận date được rao bán với giá rẻ hơn 1 nửa.

Bia cận date được rao bán với giá rẻ hơn 1 nửa.

Không chỉ vì nguồn cung, chính tâm lý sính ngoại, ham rẻ và thiếu hiểu biết về nguy cơ từ hàng gần hết hạn đã vô tình tiếp tay cho trào lưu này. Trong bối cảnh vật giá leo thang, thu nhập bấp bênh, nhiều người sẵn sàng “thắt lưng buộc bụng” bằng cách chọn hàng giảm giá sâu - mà hàng cận date trở thành lựa chọn quen thuộc, đặc biệt ở các mặt hàng đắt đỏ như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hay đồ nhập khẩu.

Thương mại điện tử và mạng xã hội như chất xúc tác làm bùng nổ làn sóng này. Chỉ cần một chiếc điện thoại, người bán lập tức tiếp cận hàng nghìn người qua livestream, video ngắn, hội nhóm mua bán. Kiểm soát các gian hàng cá nhân lại vô cùng khó khăn: không đăng ký kinh doanh, không minh bạch thông tin, thậm chí “bán xong là lặn mất tăm”, để mặc người mua tự gánh rủi ro. Một lỗ hổng lớn trong khâu quản lý khiến thị trường hàng cận date ngày càng hỗn loạn, khó kiểm soát.

Một chiêu trò khác được nhiều người bán áp dụng là đánh tráo khái niệm. Họ không gọi là “cận date” mà tung ra các cụm từ hấp dẫn như “thanh lý tồn kho”, “đại hạ giá cuối mùa”, “giảm giá sốc”, khiến khách hàng nhầm tưởng là hàng khuyến mãi bình thường, hoàn toàn không lường trước rủi ro sức khỏe từ hạn sử dụng đã sát nút.

Theo các chuyên gia y tế, hàng cận date chỉ an toàn khi được bảo quản đúng tiêu chuẩn. Nhưng thực tế, người tiêu dùng không thể biết sản phẩm đã trải qua điều kiện gì. Hộp sữa phơi nắng, lọ kem bị mở nắp quá lâu… đều có thể mất tác dụng, thậm chí biến chất gây hại dù chưa hết hạn. Rất nhiều người mua về mới phát hiện hàng chảy nước, mốc, biến mùi hoặc nhãn mác bị tẩy xóa.

PGS.TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cảnh báo: “Hàng cận date có thể bị biến đổi thành phần. Nếu sử dụng, nhẹ thì dị ứng, nặng thì tổn thương gan, thận, thậm chí ngộ độc cấp”. Nhưng vì lợi nhuận trước mắt và nhu cầu tiết kiệm, nhiều người vẫn bất chấp, sẵn sàng đánh đổi sức khỏe chỉ để sở hữu món hàng “ngon - bổ - rẻ” trên mạng.

Thực chất, hạn sử dụng được in rõ trên bao bì để cảnh báo người tiêu dùng dùng trong khoảng thời gian an toàn. Ở nhiều nước, thay vì ghi “hạn sử dụng” như Việt Nam, nhà sản xuất dùng “best before” - tức nên sử dụng trước thời điểm đó để đảm bảo chất lượng.

GS. Lê Danh Tuyên - nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết: các nhà sản xuất thường đặt mốc “best before” sớm hơn từ 1-3 tháng so với hạn thực tế để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc quan sát kỹ chất lượng sản phẩm là điều bắt buộc, nhất là với thực phẩm - bởi yếu tố bảo quản, vận chuyển, thời tiết hoàn toàn có thể khiến sản phẩm hỏng trước hạn.

BS. Bùi Anh Thông (Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết: thực phẩm cận date nếu chưa hết hạn vẫn có thể dùng, rẻ hơn và giúp giảm lãng phí. Tuy nhiên, các yếu tố cảm quan như màu, mùi, độ tươi có thể suy giảm do thời gian và điều kiện bảo quản. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo kiểm tra kỹ lưỡng từng sản phẩm.

Không chỉ thời hạn, chất lượng hàng hóa cũng phụ thuộc vào cách bảo quản, vận chuyển. Dù còn trong hạn, nhưng nếu không tuân thủ tiêu chuẩn, sản phẩm cũng có thể hỏng. Do đó, người mua cần thận trọng, chủ động tìm hiểu về hạn dùng và điều kiện bảo quản, tránh mất tiền, rước họa vào thân.

Bảo Phương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/hang-can-date-hau-qua-khon-luong-i767518/
Zalo