Ngăn chặn thuốc, sữa, thực phẩm chức năng giả: Cần tăng mạnh chế tài xử phạt

Lợi dụng cơ chế quản lý thông thoáng hiện nay, nhất là trong giai đoạn đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh, đăng ký bản công bố sản phẩm, nên một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng đã vi phạm, sản xuất hàng giả.

Tại buổi họp trực tuyến và trực tiếp với các bộ, ngành và địa phương về vấn đề thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả ngày 7/5, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, lợi dụng cơ chế quản lý thông thoáng hiện nay, nhất là trong giai đoạn đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh, đăng ký bản công bố sản phẩm, nên một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng đã vi phạm, sản xuất hàng giả.

Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây thuốc giả lớn, các đối tượng thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.

Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây thuốc giả lớn, các đối tượng thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.

Theo ông Long, đa số các thực phẩm hiện nay được doanh nghiệp tự công bố, chỉ có 3 nhóm sản phẩm phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia.

Các công ty vi phạm dùng chiêu trò tinh vi để sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, qua mặt cơ quan chức năng và lừa người tiêu dùng như: Gắn mác sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu nhưng thực chất từ một nước khác hoặc sản xuất trong nước với chất lượng thấp; dùng tem nhãn, bao bì giả giống thương hiệu nổi tiếng cho sữa bột, thực phẩm chức năng, dầu ăn, gia vị; lập nhiều công ty tạo mạng lưới phân phối rộng; lợi dụng bác sĩ, người nổi tiếng, truyền thông để quảng cáo sai công dụng thực phẩm chức năng, sữa bột; sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để bán hàng giả, khó kiểm soát do tính ẩn danh và quy mô lớn…

Một vấn đề nóng nữa đó là sản xuất và kinh doanh thuốc giả thu siêu lợi nhuận. Điển hình là vụ Công an Thanh Hóa bắt giữ đường dây thuốc giả có quy mô rất lớn trong tháng 4 vừa qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, vì sao Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia về ATTP, của cơ quan quản lý chuyên môn, của các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp… mà vẫn xảy ra các vụ việc như vừa qua? Chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng còn quá nhẹ. TS Đỗ Thái Hòa, Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cũng thừa nhận chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, ví như thuốc giả đang được xử lý theo giá trị hàng hóa thu được. Vì thế, cần có quy định, chế tài xử lý riêng với hàng giả trong lĩnh vực y tế vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, một số hành vi đang xử lý hành chính có thể xem xét xử lý hình sự.

Ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, việc xử lý cơ sở vi phạm đôi khi khó khăn do việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp liên quan nhiều tỉnh, thành. Việc xử lý hành vi vi phạm quảng cáo trên không gian mạng không thuộc thẩm của Sở, khi phối hợp với đơn vị có thẩm quyền thì thời gian xử lý chậm.Vì thế, việc phát hiện đã khó, nhưng khi phát hiện một số trường hợp lại lúng túng trong xử lý.

Ông Tạ Mạnh Hùng kiến nghị, cần tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ (trường hợp chưa phải xử lý hình sự); áp dụng các hình phạt bổ sung đối với các tổ chức, cá nhân mua bán thuốc mà không hóa đơn chứng từ, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Siết chặt quản lý việc công bố thiết bị y tế, thực phẩm chức năng, trường hợp phát hiện quảng cáo hoặc công bố các thành phần chứa dược chất không đúng quy định cần khẩn trương thu hồi, xử lý.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/ngan-chan-thuoc-sua-thuc-pham-chuc-nang-gia-can-tang-manh-che-tai-xu-phat-i767597/
Zalo