Hàn Quốc sẽ sử dụng LNG nhập khẩu từ Hoa Kỳ như một con bài mặc cả
Chính phủ Hàn Quốc có thể đề xuất tăng nhập khẩu LNG từ Hoa Kỳ như một biện pháp trao đổi, để duy trì mức thuế bằng 0 đối với ô tô, thép và nhôm do Hàn Quốc sản xuất dưới thời chính quyền Trump thứ hai.

Từ phải sang: Park Sung-taek, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cho Tae-yul và Sung Tae-yoon - Giám đốc chính sách quốc gia tại Văn phòng Tổng thống, chờ cuộc họp về kinh tế quốc tế vào ngày 11/2 tại Khu phức hợp Chính phủ Seoul. (Yonhap)
Theo các nguồn tin trong ngành vào thứ Hai 17/2, Thứ trưởng Bộ Thương mại Park Jong-won sẽ đến thăm Washington, DC, từ thứ Hai đến thứ Sáu tuần này để gặp gỡ các quan chức cấp cao của Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Chuyến thăm này nhằm mục đích thu thập thông tin chi tiết về các kế hoạch thuế quan của ông Trump và truyền đạt lập trường của Hàn Quốc về vấn đề này. Vào cuối tháng này, Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk-geun cũng dự kiến sẽ đến thăm Hoa Kỳ để đàm phán với các đối tác người Mỹ, bao gồm Howard Lutnick, người được đề cử làm Bộ trưởng Thương mại.
Trong khi Hoa Kỳ chưa nêu rõ kế hoạch áp thuế đối với Hàn Quốc, nhưng ông Trump đã tuyên bố rằng, bắt đầu từ ngày 12/3, mức thuế 25% sẽ được áp dụng đối với thép và nhôm nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, với ô tô có khả năng phải đối mặt với mức thuế từ tháng 4. Đáng chú ý, Hàn Quốc đã được hưởng lợi từ mức thuế bằng 0 đối với ô tô kể từ năm 2016, với thị trường Hoa Kỳ chiếm 49,1% doanh thu xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc tính đến năm ngoái.
Những người trong ngành dự đoán Chính phủ Hàn Quốc sẽ sử dụng LNG nhập khẩu từ Hoa Kỳ như một con bài mặc cả, để vô hiệu hóa các mức thuế quan tiềm năng, đặc biệt là đối với ô tô. Để phù hợp với chiến lược tăng khai thác dầu trong nước, ông Trump đã cam kết tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên bằng cách nới lỏng các quy định đối với các nhà khai thác trong nước.
Sau khi ông Trump thúc đẩy tăng xuất khẩu LNG, Tập đoàn Khí đốt Nhà nước Hàn Quốc, đơn vị quản lý khoảng 80% lượng LNG nhập khẩu của cả nước, được cho là đang cân nhắc lựa chọn một số nhà sản xuất LNG của Hoa Kỳ làm nhà thầu ưu tiên cho các hợp đồng cung cấp dài hạn.
Nếu Hàn Quốc thay thế các thỏa thuận cung cấp kéo dài hàng thập kỷ với Qatar và Oman, đã kết thúc vào cuối năm ngoái, bằng các hợp đồng với Hoa Kỳ, giá trị nhập khẩu dự kiến sẽ đạt khoảng 4,6 tỷ đô la. Con số này chiếm 8,3% trong số 55,7 tỷ đô la thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Hoa Kỳ từ năm trước, báo hiệu khả năng giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Hàn Quốc đã nhập khẩu trung bình 8,98 triệu tấn LNG hằng năm từ Trung Đông kể từ những năm 1990.
“Nếu Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng về LNG, ôngTrump có thể sẽ rút lại kế hoạch áp thuế đối với quốc gia này”, Kim Tae-hwang, giáo sư thương mại quốc tế tại Đại học Myongji, cho biết. “Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận nhập khẩu với Hoa Kỳ, và EU hiện đang thảo luận để thực hiện thỏa thuận tương tự. Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc có thể sẽ sử dụng nhập khẩu LNG làm đòn bẩy trong các cuộc thảo luận với các quan chức Hoa Kỳ”.
Bất chấp những lợi ích thương mại tiềm tàng, việc tăng đáng kể nhập khẩu LNG có thể gây thêm chi phí cho các công ty năng lượng của Hàn Quốc, vì những công ty này sẽ cần phải chuyển đổi các nhà máy điện từ dầu sang LNG.
Ông Kim cũng nhắc lại rằng Hàn Quốc đã sử dụng chiến lược LNG trong các cuộc đàm phán với chính quyền Trump đầu tiên khi Hoa Kỳ tìm cách giảm thâm hụt thương mại với Hàn Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận đã không thành hiện thực, vì nó đã bị gạt sang một bên thời chính quyền Biden.
Hwang Yong-sik, giáo sư kinh doanh tại Đại học Sejong, đồng tình với quan điểm của ông Kim, nhấn mạnh rằng một thỏa thuận LNG dài hạn có thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
“Hợp đồng LNG là một thỏa thuận dài hạn ít nhất là 10 năm”, ông Hwang lưu ý. “Nếu Hàn Quốc có thể đảm bảo điều đó với Hoa Kỳ, thì đó có thể là một lợi ích cho sáng kiến của ông Trump nhằm phục hồi ngành công nghiệp LNG — một yếu tố đóng góp không thể thiếu cho nền kinh tế Hoa Kỳ”.