EU trước áp lực thuế quan của Mỹ

Với chính sách 'Nước Mỹ trên hết' và chính sách thuế quan mạnh tay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), ảnh hưởng đến nền kinh tế của khối này.

Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA

Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA

Thâm hụt thương mại cao kỷ lục

Thâm hụt thương mại của Mỹ với EU đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024, một nguy cơ gây căng thẳng thương mại trong bối cảnh chính quyền Mỹ cảnh báo áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê của EU (Eurostat), EU đã nhập khẩu 333,3 tỷ EUR (348 tỷ USD) hàng hóa từ Mỹ trong năm 2024, trong khi Mỹ mua 531,6 tỷ EUR hàng hóa từ châu Âu. Điều đó khiến EU có thặng dư thương mại hàng hóa gần 200 tỷ EUR với Mỹ. Con số này tăng hơn 25% so với mức 156,6 tỷ EUR của năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức kỷ lục trước đó là 166,9 tỷ EUR được thiết lập vào năm 2021.

Khoảng cách thương mại rộng hơn này cũng phản ánh sự suy giảm giá trị bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sang châu Âu. EU đã tăng lượng mua LNG từ Mỹ từ năm 2022 khi họ tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho việc mua từ Nga. Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng yếu hơn ở EU và nhu cầu hàng nhập khẩu thấp hơn cũng là những yếu tố góp phần vào khoảng cách thương mại này. Người châu Âu đã tăng tiền tiết kiệm của họ vào năm ngoái để ứng phó với triển vọng không chắc chắn của khối, trong khi người Mỹ cắt giảm tiền tiết kiệm và chi tiêu thoải mái hơn. Xuất khẩu của Mỹ sang EU giảm 4% trong năm 2024 khi nền kinh tế khu vực đồng EUR suy yếu, khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng có ít khả năng chi tiêu cho hàng hóa Mỹ hơn. Ngược lại, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh đã giúp xuất khẩu của EU sang Mỹ tăng 5,5%.

"Ván cờ" thuế quan của Mỹ

Những số liệu được Eurostat đưa ra khi Tổng thống Mỹ chuẩn bị áp thuế đối với các quốc gia trên thế giới để đáp lại điều mà ông coi là sự mất cân bằng thương mại. EU nằm trong "tầm ngắm" của ông Trump. Theo ông, thuế nhập khẩu cao của EU đối với hàng hóa Mỹ là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ với khối này.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu từ EU, với lý do bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ và giảm thâm hụt thương mại. Quyết định này khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu lo ngại, đặc biệt là các nhà sản xuất thép và nhôm vốn phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Trong thời gian gần đây Tổng thống Trump liên tục đe dọa sẽ áp thêm thuế đối với hàng nhập khẩu từ EU. Tổng thống Trump đã tuyên bố ông "chắc chắn" sẽ áp dụng thuế quan đối với EU và yêu cầu các cơ quan liên bang tìm cách điều chỉnh thuế quan của Mỹ cho phù hợp với thuế quan của các nước khác. Tuần trước, ông Trump đã đưa ra một loạt đề xuất thuế quan đối với cả các quốc gia, lập luận rằng Mỹ "sẽ không còn chấp nhận bị lợi dụng". Ông đã chỉ đạo các quan chức chính phủ Mỹ điều tra những loại thuế quan mà các nước áp dụng đối với Mỹ. Ông Trump đã lập luận rằng sự mất cân bằng thương mại là hậu quả của sự không công bằng trong hệ thống toàn cầu, chứ không phải là sự phản ánh sức mạnh tương đối của các nền kinh tế.

Nền kinh tế EU hứng chịu

Việc Mỹ áp thuế cao có thể khiến hàng hóa EU trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Ngoài ra, các doanh nghiệp EU có thể đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do sự bất ổn về thương mại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn làm tăng chi phí sản xuất đối với nhiều ngành công nghiệp tại châu Âu. Một kịch bản khác là việc các nước ngoài EU, chẳng hạn như Trung Quốc và Mexico, có thể tìm cách chuyển hướng hàng hóa của họ sang thị trường châu Âu để tránh thuế quan của Mỹ. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn cho các doanh nghiệp EU, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp. Bên cạnh đó, sự bất ổn do căng thẳng thương mại có thể khiến các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của EU. Ủy viên Kinh tế châu Âu Valdis Dombrovskis đã cảnh báo rằng thuế quan bổ sung của Mỹ có thể gây hại cho doanh nghiệp ở mức còn tệ hơn cho người tiêu dùng và có thể thúc đẩy lạm phát.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/eu-truoc-ap-luc-thue-quan-cua-my-post308952.html
Zalo