Hai thảm kịch hàng không cuối năm 2024: Người may mắn sống sót ngồi ở vị trí nào trên máy bay?

Hai người sống sót trên máy bay Hàn Quốc hay 28 người còn sống trong máy bay Kazakhstan đều được tìm thấy ở phía đuôi máy bay.

Hai thảm kịch hàng không liên tiếp cuối năm 2024

Hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Hàn Quốc.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Hàn Quốc.

Vào khoảng 9h07 sáng ngày 29/12, chuyến bay mang số hiệu 7C2216 thuộc Hãng hàng không Jeju Air (Hàn Quốc) đã bất ngờ gặp phải tai nạn kinh hoàng khi đang chở 181 người. Sau khi bốc cháy và vỡ vụn vì đâm vào rào chắn, máy bay đã nổ tung, chỉ còn lại một phần đuôi máy bay.

Vào tối ngày 29/12, 179 thi thể xấu số đã được tìm thấy và không có thêm kỳ tích nào xảy ra.

Cơ quan cứu hộ Hàn Quốc cho biết hai người sống sót được đưa khỏi chiếc máy bay bốc cháy ở Muan sáng 29/12 là các tiếp viên hàng không và đều ở phía đuôi máy bay khi tai nạn xảy ra.

Hai tiếp viên hàng không, một nam 22 tuổi và một nữ 25 tuổi, bị thương vài chỗ trên cơ thể khi được giải cứu. Tuy nhiên, theo báo cáo tóm tắt của Sở cứu hỏa Jeonnam, cả hai đều tỉnh táo. Họ hiện được điều trị tại các bệnh viện ở Mokpo, thành phố cách Sân bay Quốc tế Muan khoảng 20 km về phía nam.

Máy bay bị gãy đôi sau khi rơi ở Kazakhstan (Ảnh: Reuters).

Máy bay bị gãy đôi sau khi rơi ở Kazakhstan (Ảnh: Reuters).

Cách đây ít ngày, vào sáng 25/12, một vụ tai nạn hàng không đã xảy ra gần sân bay Aktau, nằm trên bờ biển phía đông của Biển Caspi. Máy bay Embraer 190 của hãng hàng không Azerbaijan AZAL, bay từ Baku đến Grozny, đã bị rơi gần thành phố Aktau ở Kazakhstan khi cố gắng hạ cánh khẩn cấp.

Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, máy bay chở 67 người, bao gồm cả hành khách và phi hành đoàn. Tổng số người bị thiệt mạng trong vụ máy bay Embraer 190 rơi là 38 người và 29 người may mắn sống sót kỳ diệu. Đáng chú ý ở chỗ, đa phần những người sống sót đều ngồi ở khoang phía dưới của máy bay.

Tiếp viên Zulfugar Asadov trên chuyến bay gặp nạn của Azerbaijan Airlines được điều trị tại bệnh viện ở Baku, Azerbaijan ngày 27/12. Ảnh: Reuters

Tiếp viên Zulfugar Asadov trên chuyến bay gặp nạn của Azerbaijan Airlines được điều trị tại bệnh viện ở Baku, Azerbaijan ngày 27/12. Ảnh: Reuters

Theo lời kể của những hành khách thoát nạn, họ nhìn thấy ngọn lửa bao trùm ở phần đầu máy bay. Giữa cảnh hỗn loạn, tiếp viên hàng không liên tục thúc giục hành khách ngồi ở tư thế chống đỡ.

Sau đó, hành khách rơi vào trạng thái mất phương hướng tột độ, lao vút qua không trung rồi bao trùm xung quanh là mảnh vỡ. Phần đầu máy bay bị xóa sổ, cướp đi sinh mạng của 38 người. Chỉ còn phần đuôi máy bay là nơi trú ẩn cho những người đủ may mắn tránh được cú va chạm khốc liệt.

Vụ tai nạn hàng không này càng khiến nhiều người băn khoăn đặt ra câu hỏi, vậy liệu đâu là chỗ ngồi an toàn có tỷ lệ sống sót cao nhất khi máy bay gặp nạn?

Có phải phần đuôi là vị trí ngồi an toàn trên máy bay

Đâu là vị trí an toàn nhất trên máy bay?

Đâu là vị trí an toàn nhất trên máy bay?

Hầu hết những người sống sót trong vụ tai nạn ở Kazakhstan đều ngồi phía sau máy bay. Hai người sống sót trên chiếc Jeju Airlines cũng là tiếp viên phục vụ hành khách ở cuối khoang và đã được cứu ra khỏi phần đuôi máy bay, trong khi phần lớn hành khách và phi hành đoàn còn lại không qua khỏi. Điều này cho thấy phần đuôi máy bay thường có tỷ lệ sống sót cao hơn trong các vụ tai nạn hàng không.

Tuy nhiên mỗi vụ tai nạn máy bay đều có những yếu tố riêng biệt. Các yếu tố như tốc độ va chạm, góc va chạm và lực tác động đóng vai trò quan trọng.

Nhà nghiên cứu an toàn hàng không tại Đại học Bắc Dakota, ông Daniel Kwasi Adjekum cho biết phần phía trước máy bay được nhiều người lựa chọn hơn, vì chúng cách xa phần động cơ, ít gây ra tiếng ồn. Tuy nhiên, nếu máy bay xảy ra va chạm thì đây là phần chịu tác động đầu tiên. Trong khi đó phần sau của máy bay có khả năng giữ được sự nguyên vẹn sau vụ va chạm.

Tuy nhiên, đây chỉ là tỷ lệ chung dựa trên những vụ tai nạn máy bay trước đó và có nhiều trường hợp ngoại lệ đã xảy ra. Ví dụ, chuyến bay 232 của United Airlines bị rơi ở thành phố Sioux, Iowa (Mỹ) vào năm 1989, hầu hết 184 người sống sót đều ngồi ở phần giữa máy bay.

Trong thảm họa Tenerife năm 1977, vụ tai nạn gây chết người nhiều nhất trong ngành hàng không với 583 người thiệt mạng cũng ghi nhận 61 người sống sót chủ yếu ngồi ở phía trước máy bay.

Theo nghiên cứu được công bố năm 2008 của Đại học Greenwich về việc sử dụng lối thoát hiểm sau tai nạn, những người ngồi gần lối thoát hiểm sẽ có nhiều khả năng thoát ra ngoài an toàn hơn người ngồi ở vị trí khác.

Chính vì vậy, khả năng tử vong trong vụ tai nạn máy bay ít liên quan đến vị trí ngồi mà liên quan nhiều hơn đến tình huống xung quanh vụ tai nạn. Nếu đuôi máy bay chịu lực tác động lớn nhất, những hành khách ở giữa hoặc phía trước có thể sống sót tốt hơn những người ở phía sau.

Cục Hàng không Liên bang (FAA) và nhiều chuyên gia an toàn hàng không khác nhấn mạnh không có chỗ ngồi nào an toàn nhất trên máy bay.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hai-tham-kich-hang-khong-cuoi-nam-2024-nguoi-may-man-song-sot-ngoi-o-vi-tri-nao-tren-may-bay-172241230104831179.htm
Zalo