Kho báu Staffordshire
Năm 2009, Anh phát hiện kho báu khảo cổ gây chấn động thế giới ở Staffordshire.
Với 4.600 vật phẩm và mảnh vỡ thuộc khoảng năm 650 – 675, đây là bộ tạo tác thời trung cổ lớn nhất nhưng hầu hết đều là vật phẩm quân sự. Điều này khiến các học giả vô cùng thắc mắc, nó là mộ vũ trang hay chỉ đơn thuần là chiến lợi phẩm chiến tranh?
Kho báu quân sự
Anh quốc là mảnh đất giàu cổ vật, lúc nào cũng có khả năng có người tìm thấy tiền xu cũ, vũ khí han gỉ… và từ rất lâu, nông dân Anh tự trang bị máy dò kim loại để tìm kiếm. Đầu tháng 7/2009, thợ săn kho báu tự nhận - Terry Herbert, thành viên của một câu lạc bộ nghiên cứu và tìm kiếm cổ vật ở Bloxwich đến đồng cỏ chăn nuôi gần Hammerwich, Staffordshire. Ông nói với chủ đất là mình lỡ tay làm rơi chiếc cờ lê và xin cho phép vào tìm.
Chủ đất là ông Fred Johnson đồng ý và không ngờ, ngày 5/7, Herbert tuyên bố phát hiện một kho báu. Chỉ trong 5 ngày đầu tiên, thợ săn kho báu tự nhận này đã tìm được 244 cổ vật bằng vàng. Ông cũng liên hệ ngay với tổ chức săn tìm cổ vật do Chính phủ Anh tài trợ là Săn lùng Cổ vật Di động để có được sự giúp đỡ.
Cùng năm, Anh khoanh vùng và khai quật khu vực, thu hồi tổng cộng 4.600 vật phẩm và mảnh kim loại. Chúng gồm 5,1kg vàng, 1,4kg bạc và khoảng 3.500 mảnh đá quý. Kiểm tra niên đại cho thấy các vật phẩm được chế tác trong khoảng năm 650 – 675. So với các kho báu tìm được trước đó, nó đa dạng cổ vật, nặng cân hơn nên được đánh giá là kho báu lớn nhất và đặt tên là Kho báu Staffordshire.
Suốt 3 năm khai quật Kho báu Staffordshire, truyền thông Anh theo dõi sít sao. Cuối cùng, người ta định giá nó lên tới gần 5,3 triệu USD và cho biết đây là kho báu của người Anglo-Saxon. Trong khi hầu hết các kho báu đều giàu đồng xu hoặc trang sức dành cho phụ nữ thì Kho báu Staffordshire hoàn toàn ngược lại. Nó không có bất cứ đồng xu hay món nữ trang nào mà chỉ toàn chuôi kiếm, bao kiếm, đai lưng, mũ giáp… nên còn được gọi là “kho báu quân sự”.
Tổng cộng, có hơn 300 phụ kiện chuôi kiếm, 92 nắp chuôi kiếm và 10 mặt dây trang trí bao kiếm. Đặc biệt, một số đồ vật bị cố ý bẻ cong hoặc phá vỡ. Hầu hết các mảnh vàng, bạc đều là một phần của món đồ nào đó bị gỡ ra.
Mộ hay hố chôn chiến lợi phẩm?
Nhìn lại lịch sử Anh, có thể nói chiến tranh đã hình thành nên đất nước này. Thế kỷ VII, nơi đây là vương quốc của Nhà Mercia khét tiếng hiếu chiến, đã tiến hành 14 cuộc chiến tranh với nước Wessex láng giềng, 11 cuộc chiến tranh với xứ Wales và 18 cuộc chiến tranh với các nước thù địch khác.
Nhà Mercia không phải người Anh bản địa mà là một vương tộc của người Anglo-Saxon ngoại xâm. Khoảng thế kỷ III, người Anglo-Saxon tập kích Anh và đến thế kỷ V, sau khi đánh bật người Celt (thực dân La Mã) thì cai trị Anh cho đến năm 1066. Gốc gác của người Anglo-Saxon là German với nơi định cư ban đầu là Nam Thụy Điển, Đan Mạch, Bắc Đức.
Từ trước Công nguyên, người Anglo-Saxon đã sống bằng chiến tranh nên nghề thủ công quân sự của họ sớm phát triển. Theo ghi chép của sử gia Tacitus (La Mã) sống trong thế kỷ I, họ không kinh doanh và cũng không phân chia công - tư, chỉ quan tâm vũ khí. Nam giới Anglo-Saxon đến tuổi trưởng thành được tặng bộ khiên và giáo.
Đỉnh cao thủ công quân sự của người Anglo-Saxon là trường kiếm, dài khoảng 1m, lưỡi được rèn bằng nhiều mảnh kim loại có thành phần khác nhau để tạo nên hoa văn độc đáo, không chỉ sắc bén mà còn vô cùng đẹp đẽ. Quý tộc Anglo-Saxon có lệ ban trang bị cho tư quân, thường là kiếm và ngựa.
Nếu quân sĩ qua đời trước chủ nhân, người ta sẽ tháo chuôi kiếm ra trả lại, chỉ chôn thi thể chung với lưỡi kiếm. Đôi khi, họ chôn kiếm thay cho xác chiến binh. Vì thế mà ở Anh cũng như các khu vực người Anglo-Saxon từng sống, chiếm đóng, hay xuất hiện các mộ kiếm.
Trong mộ kiếm, có một số kiếm bị bẻ cong. Các học giả đoán, chúng nhiều khả năng là kiếm cướp được của quân địch và “bị giết” để ép sang thế giới bên hoặc xem như vật hiến tế dâng lên thần linh. Bởi vì ở thời đại này, kiếm được xem như linh hồn của chiến binh, giết kiếm cũng như giết chủ nhân của kiếm.
Ngoài chuôi, nắp chuôi, bao kiếm, trong Kho báu Staffordshire còn có 2 cây thánh giá bằng vàng khảm đá quý, khắc trích dẫn Kinh thánh. Huyền thoại Anglo-Saxon kể rằng, vàng là kim loại chứa phép thuật, được sử dụng như bùa hộ mệnh. Nếu các vị thần thiên thế ở trong lâu đài bằng vàng thì các giáo chủ, linh mục trần thế sống trong nhà thờ, tu viện đầy bí tích bằng vàng.
Tuy nhiên, một trong 2 cây thánh giá của Kho báu Staffordshire lại bị bẻ cong. Điều này khiến các học giả không khỏi phân vân, liệu nó cũng là đồ vật của địch và “bị giết” vì mục đích giống như các lưỡi kiếm trong mộ kiếm? Nếu phải, Kho báu Staffordshire có khả năng là một loại mộ thánh giá, được chôn để nguyền rủa quân địch và các vật phẩm giá trị chôn kèm là tế phẩm.
So với các mộ nghi lễ quân sự khác, Kho báu Staffordshire không giống ở chỗ nó là tập hợp của những phần kiếm bị tháo rời để trả lại cho chủ nhân. Toàn bộ những phần bị tháo rời này lại rất đắt giá, vì được làm bằng vàng, bạc và đá quý. Thế kỷ VII, Anh vô cùng khát vàng, phải nhập khẩu từ cả Ấn Độ lẫn Bồ Đào Nha. Nếu lấy giá trị đương thời ra cân đo thì Kho báu Staffordshire ngang với 800 đồng vàng hoặc 80 con ngựa chiến.
Vị trí của Kho báu Staffordshire lại nằm trên vùng biên giới giữa Mercia và xứ Wales, niên đại của nó thì phù hợp với khoảng thời gian Mercia và xứ Wales đánh nhau liên miên. Nếu xâu chuỗi 3 đặc trưng này lại với nhau thì sẽ hình thành nên câu chuyện Kho báu Staffordshire chính là kho tàng chiến lợi phẩm của nhóm quân sự hoặc toán cướp nào đó. Họ chỉ lấy những phần trang bị giàu giá trị và chôn để giấu, đợi cơ hội thuận lợi đào lên bán đi.
Mặc dù không rõ Kho báu Staffordshire là của ai và được chôn vì mục đích gì nhưng biết nó đã nằm im dưới đất cả 1.300 năm và bây giờ trở thành kho báu hiện vật cổ giá trị bậc nhất. Kể từ khi được khai quật đến nay, nó được nhiều nhà bảo tàng thuê, mượn trưng bày và hiện đang nằm trong Bảo tàng Anh, được cả thế giới quan tâm ngắm nhìn.
Theo nationalgeographic.com