Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Dù là điểm tham quan nổi tiếng, Petra còn ẩn chứa nhiều bí ẩn về đời sống và tín ngưỡng của người Nabataean, một nền văn minh từng hưng thịnh.

Những người xây dựng Petra

Ẩn mình giữa những dãy núi sa mạc, thành phố cổ Petra là một địa danh hùng vĩ với nhiều vết tích hưng thịnh bị thời gian quên lãng. Khi du khách bước vào Petra qua hẻm núi Siq, cảnh tượng đầu tiên mà họ nhìn thấy là tòa nhà cao vút Al Khazna, dịch là Kho báu, được tạo tác từ những khối đá vững chãi.

Đối với nhiều người, chuyến tham quan thành phố cổ kết thúc tại đây. Tuy nhiên, Petra không chỉ có vậy. Thành phố này còn ẩn chứa hơn 600 công trình kiến trúc bằng đá cùng những dấu vết về nền văn minh Nabataean.

Nabataean là một dân tộc kinh doanh, đóng vai trò trung gian trong thương mại giữa Ả Rập, châu Phi, Ấn Độ và khu vực Địa Trung Hải như Hy Lạp, La Mã. Họ vận chuyển hàng hóa quý giá như trầm hương, gia vị và lụa bằng lạc đà qua sa mạc. Thành công trong thương mại và sự giàu có của họ được phản ánh rõ rệt trong kiến trúc đồ sộ của Petra, từ những đền thờ nguy nga đến những con phố dài với các cột đá hùng vĩ.

Các nhà khảo cổ cho rằng, Petra từng là thủ đô của người Nabataean trong hàng trăm năm với hàng chục nghìn cư dân sinh sống sung túc. Một trong những di tích quan trọng là các lăng mộ. Trong đó, nhiều lăng mộ được chạm khắc từ đá sa thạch, thể hiện sự quan tâm của người Nabataean đến cuộc sống sau cái chết.

Nhà khảo cổ học Zeyad Al-Salameen - Đại học Nhân văn Mohamed Bin Zayed ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất giải thích rằng, người Nabataean xem cuộc sống như một hành trình ngắn ngủi. Họ đã đầu tư rất nhiều vào các nghi lễ và lăng mộ để bảo vệ linh hồn ở thế giới bên kia.

Tại một số công trình kiến trúc khác, các chữ khắc điếu văn và câu thần chú trong lăng mộ cho thấy người Nabataean rất coi trọng việc bảo vệ mộ khỏi sự xâm phạm từ thế giới bên ngoài. Những chữ khắc này không chỉ liệt kê những người đủ điều kiện được chôn cất, mà còn có những cảnh báo nghiêm khắc với những ai vi phạm các quy tắc trong mộ.

Bên cạnh cái chết, tôn giáo của người Nabataean mang đậm dấu ấn của một nền văn minh đa thần. Các vị thần chính của họ bao gồm thần nam tối thượng Dushara và thần nữ Allat. Hình dạng của các vị thần này thay đổi theo thời gian.

Ban đầu, các vị thần được miêu tả dưới dạng hình khối đơn giản, nhưng dần dần, họ trở nên giống con người hơn. Dushara cuối cùng được mô tả gần giống với thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp, trong khi Allat được mô tả giống như nữ thần sắc đẹp Aphrodite. Sự ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp và La Mã có thể thấy rõ trong hình ảnh các vị thần của người Nabataean.

 Nền văn minh Nabataean từng tồn tại ở Petra.

Nền văn minh Nabataean từng tồn tại ở Petra.

Sự suy tàn và bỏ hoang

Petra không chỉ là một thành phố của các ngôi mộ, mà còn là nơi sinh sống của người Nabataean trong nhiều thế kỷ. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những bằng chứng thú vị về cuộc sống thường ngày của người dân Petra. Họ đã ăn gì? Câu trả lời là trái cây, ngũ cốc và thịt, và một số manh mối về nông nghiệp của họ được ghi lại trong các văn bản thương mại cổ, viết trên giấy cói.

Những bữa tiệc với tàn tích là xương động vật, cho thấy người Nabataean rất coi trọng các buổi tiệc và lễ hội. Bên cạnh đó, các bằng chứng khảo cổ từ khu vực Beidha, phía Bắc Petra, cho thấy rằng người dân đã trồng cây và canh tác nông nghiệp. Họ còn nhập khẩu cá từ Biển Chết.

Điều đặc biệt là người Nabataean đã phát triển một hệ thống thu thập nước cực kỳ tinh vi. Trong môi trường khô cằn của sa mạc, họ đã xây dựng các đập, hồ chứa và kênh đào vào đá để thu thập và lưu trữ nước mưa. Hệ thống này đã giúp Petra duy trì sự sống trong một thời gian dài, chứng minh sự thông minh và khả năng thích ứng của người dân nơi đây.

Tuy nhiên, Petra không mãi mãi là một thành phố hưng thịnh. Vào năm 363 sau Công nguyên, một trận động đất lớn đã làm hư hại nhiều tòa nhà quan trọng của thành phố. Các trận động đất sau đó làm suy yếu hệ thống cung cấp nước của Petra, khiến dân cư phải di cư dần ra khỏi thành phố và tìm nơi sinh sống gần các nguồn nước.

Kể từ đó, Petra dần dần bị bỏ hoang, cho đến khi nó được nhà thám hiểm người Thụy Sĩ Johann Burckhardt phát hiện vào năm 1812, đánh dấu sự quan tâm của thế giới đối với thành phố này.

Dù đã được khám phá khá nhiều, Petra vẫn còn là một kho tàng bí ẩn chưa được khai thác hết. Phần lớn các khu vực dân cư, bao gồm cả các ngôi nhà, vẫn chưa được khai quật. Các nhà khảo cổ học vẫn tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm những manh mối về cuộc sống của người Nabataean, từ các mối quan hệ gia đình cho đến cách họ kiếm sống và tương tác với các vị thần của mình.

Petra không chỉ là thành phố của những ngôi mộ. Đây là một thành phố từng sôi động với hàng chục nghìn cư dân sinh sống và làm việc trong một xã hội đầy đủ các chức năng từ thương mại đến tôn giáo. Dù các tòa nhà đã sụp đổ và dân số giảm dần, Petra vẫn là một điểm đến hấp dẫn, tiếp tục khơi dậy sự tò mò và khám phá của các nhà nghiên cứu cũng như du khách trên toàn thế giới.

Với những bí ẩn chưa được giải đáp, Petra vẫn giữ vững sức hút và là một minh chứng sống động cho sự vĩ đại của nền văn minh Nabataean, một phần không thể thiếu trong lịch sử nhân loại.

Ngày nay, Petra là một trong những điểm du lịch nổi tiếng và là Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1985. Bộ phim “Indiana Jones và Cuộc thập tự chinh cuối cùng”, sản xuất vào năm 1989, đã giúp đưa Petra trở thành biểu tượng văn hóa. Những cảnh quay trong phim thu hút hàng triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Tú Anh (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thanh-pho-co-an-giau-nhieu-bi-an-post714554.html
Zalo