Hai tác phẩm truyện tranh tái hiện cuộc sống của người Việt Nam xa xứ

Hai cuốn truyện tranh 'Kí ức kiều bào' mang đến câu chuyện sinh động về cuộc đời của những người Việt Nam sống xa quê hương trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách Kí ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến IIKí ức kiều bào: Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới, NXB Kim Đồng phối hợp cùng Viện Pháp tổ chức tọa đàm Truyện tranh: Khi văn hóa - lịch sử "kết duyên" cùng hội họa.

Sự kiện có sự tham dự của họa sĩ Clément Baloup - tác giả của hai tập truyện tranh Kí ức kiều bào và nhà nghiên cứu văn học Lê Nguyên Long.

Các khách mời tại tọa đàm.

Các khách mời tại tọa đàm.

Tác giả Clément Baloup chia sẻ: "Ký ức sẽ dần phai nhạt trong tâm trí mỗi người. Bởi vậy, tôi muốn dùng truyện tranh để gắn kết những ký ức mong manh ấy với các mốc thời gian giá trị, nhằm hé lộ những lẽ tất yếu của số phận con người".

Với anh, vẽ truyện tranh không chỉ là kể chuyện, mà còn là cách để đối thoại với lịch sử, truyền cảm hứng tới độc giả về những hành trình sống đầy nghị lực của những con người bình thường trong dòng chảy lớn lao của thời gian.

Vẽ truyện tranh không chỉ là kể chuyện, mà còn là cách để đối thoại với lịch sử.

Vẽ truyện tranh không chỉ là kể chuyện, mà còn là cách để đối thoại với lịch sử.

Dựa trên các những nghiên cứu lịch sử, tư liệu lưu trữ, các cuộc phỏng vấn và ghi chép cá nhân, họa sĩ Clément Baloup đã tái hiện một thực tại đan xen giữa quá khứ và hiện tại, trên những không gian rộng lớn, từ Việt Nam tới Pháp và New Caledonia.

Theo anh, những trang truyện tranh mang đến cơ hội để anh chia sẻ những cảm xúc của mình, vì vẽ là khao khát bày tỏ suy nghĩ cá nhân, là sự đối thoại với quan điểm của người khác, là thể hiện với thế giới góc nhìn của riêng mình.

2 cuốn truyện tranh được giới thiệu trong dịp này đã tái hiện những mảnh ghép quá khứ của một cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

2 cuốn truyện tranh được giới thiệu trong dịp này đã tái hiện những mảnh ghép quá khứ của một cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

Kí ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt Nam đến Pháp giữa Thế chiến II mang đến cho độc giả câu chuyện sinh động về các lính thợ năm xưa, với những đóng góp không nhỏ cho nền sản xuất ở Pháp và sự ủng hộ nhiệt thành với Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử thế giới.

Kí ức kiều bào: Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế Giới lại đưa bạn đọc đến với khoảng thời gian gần 100 năm trước, khi những chuyến tàu thủy từ Hải Phòng vượt biển chở theo hàng nghìn nông dân Việt Nam tới các quần đảo ở châu Đại Dương xa xôi. Họ đi theo diện xuất khẩu lao động tự nguyện, làm việc với hợp đồng 5 năm thông qua các công ty tuyển dụng của thực dân Pháp. Những con người ấy được gọi là "chân đăng" (đăng ký một chân lao động).

Hai cuốn truyện tranh mang đến câu chuyện sinh động về cuộc đời của những người Việt Nam sống xa quê hương trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn bộc lộ nhiều phẩm chất điển hình của người Việt, đó chính là cần cù, dũng cảm, lạc quan, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh và luôn hướng về quê cha đất tổ.

Ảnh: T.Lê

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hai-tac-pham-truyen-tranh-tai-hien-cuoc-song-cua-nguoi-viet-nam-xa-xu-2399971.html
Zalo