Hai ngân hàng tư nhân vượt quy mô vốn Big 4 quốc doanh
Kết thúc năm 2024, ngân hàng tư nhân đã vượt ngân hàng quốc doanh để dẫn đầu về vốn điều lệ. Hiện đã có 15 ngân hàng thương mại sở hữu vốn điều lệ trên 1 tỷ USD.
![Các ngân hàng thương mại dồn dập tăng vốn năm 2024, trong đó nhóm tư nhân bứt phá mạnh. Ảnh: VPB.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51477221/6aa9292b1b65f23bab74.jpg)
Các ngân hàng thương mại dồn dập tăng vốn năm 2024, trong đó nhóm tư nhân bứt phá mạnh. Ảnh: VPB.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng thương mại trong nước đạt trên 823.500 tỷ đồng (tương đương 33 tỷ USD), tăng 15% so với cuối năm 2023.
Bất chấp những khó khăn chung của thị trường, năm 2024 đã có 20/28 ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ. Đặc biệt, số lượng ngân hàng có vốn điều lệ trên 1 tỷ USD đã tăng từ 12 lên 15 ngân hàng. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ.
Hai ngân hàng tư nhân dẫn đầu
Tăng trưởng vốn điều lệ nổi bật nhất trong năm 2024 thuộc về Ngân hàng Quốc Dân (NCB) và Techcombank. Theo đó, vốn điều lệ của NCB năm qua đã tăng từ 5.600 tỷ đồng lên 11.780 tỷ đồng, trong khi Techcombank vươn mạnh mẽ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.658 tỷ đồng. Nhờ bước nhảy vọt này, NCB đã lọt vào Top 20 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, trong khi Techcombank nhảy thẳng lên Top 2.
Dù không tăng thêm vốn trong cả năm 2024, VPBank vẫn duy trì vị trí số 1 về quy mô vốn điều lệ toàn ngành ngân hàng, đạt 79.339 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2024, VPBank và Techcombank đều xếp trên nhóm 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank về quy mô vốn. Trong đó, BIDV là ngân hàng có quy mô tài sản và dư nợ cho vay lớn nhất thị trường, tuy nhiên xét về vốn điều lệ, nhà băng này hiện chỉ xếp thứ 3 với 68.975 tỷ đồng, tăng 21% năm vừa qua.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Vietcombank với quy mô vốn điều lệ đạt 55.891 tỷ đồng và VietinBank đạt 53.670 tỷ đồng, đều không thay đổi trong năm 2024. Trong khi quy mô vốn của MB hiện đạt 53.063 tỷ đồng, tăng 2%; Agribank đạt 51.616 tỷ đồng, tăng 25%; ACB đạt 44.666 tỷ đồng, tăng 15%; SHB đạt 38.073 tỷ đồng, tăng 1% và HDBank đạt quy mô 35.101 tỷ đồng, tăng 21%...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51477221/41dc045e3610df4e8601.jpg)
Năm 2024 cũng là năm chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong bảng xếp hạng vốn điều lệ của các ngân hàng. Trong đó, Agribank chính thức góp mặt trong Top 10, với vốn điều lệ tăng lên 51.600 tỷ đồng, thay thế vị trí của LPBank. Do không tăng vốn điều lệ năm vừa qua, LPBank đã rớt xuống vị trí thứ 15.
Ngoài NCB và Techcombank, nhóm ngân hàng có mức tăng vốn điều lệ cao nhất năm vừa qua còn có VietBank tăng 49%, đạt 7.139 tỷ đồng; PGBank tăng 40% đạt 4.200 tỷ đồng; MSB và NamABank cùng tăng vốn 30% lên lần lượt 26.000 tỷ đồng và 13.726 tỷ đồng.
Trong khi đó, hệ thống hiện chỉ còn dưới 10 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng, gồm Saigonbank (3.388 tỷ đồng), KienlongBank (3.653 tỷ đồng), PGBank (4.200 tỷ đồng), VietABank (5.400 tỷ đồng), BVBank (5.518 tỷ đồng), VietBank (7.139 tỷ đồng) và BacABank (8.959 tỷ đồng).
Kỳ vọng ngân hàng quốc doanh bứt phá 2025
Năm vừa qua, thị trường ghi nhận 8 ngân hàng không thay đổi vốn điều lệ, trong đó có hai “ông lớn” thuộc nhóm ngân hàng quốc doanh là VietinBank và Vietcombank.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng quốc doanh dự kiến có biến động lớn trong năm nay khi Vietcombank đã công bố kế hoạch phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu, qua đó tăng vốn thêm 27.666 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên 83.557 tỷ đồng, một lần nữa vượt qua VPBank và Techcombank để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Ngoài ra, Vietcombank cũng dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư tổ chức, ước tính huy động thêm 1,3 tỷ USD.
Trong khi đó, Agribank sau khi được cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách Nhà nước năm vừa qua, đã nâng tổng vốn điều lệ lên 51.600 tỷ đồng.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51477221/6913229110dff981a0ce.jpg)
Tại hội nghị với Thủ tướng mới đây, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết với định hướng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 tăng khoảng 16%, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Agribank tăng gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Agribank, nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, ngân hàng cần bổ sung thêm 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có. Do đó, ông Vượng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025.
Hiện tại, Agribank cũng là nhà băng duy nhất trong nhóm Big 4 chưa cổ phần hóa. Cổ đông Nhà nước hiện vẫn nắm 100% vốn nhà băng này. Trong khi tại Vietcombank, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước là 74,8% vốn và cổ đông chiến lược Mizuho Bank (Nhật Bản) nắm 15%, còn lại 10,2% thuộc về các cổ đông khác.
BIDV hiện có cổ đông Nhà nước nắm giữ gần 81% vốn, cổ đông chiến lược KEB Hana (Hàn Quốc) nắm 15% và phần còn lại thuộc về nhà đầu tư bên ngoài.
VietinBank có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 64,5%, đối tác chiến lược MUFG (Nhật Bản) nắm 19,7% và các cổ đông khác chiếm 15,8%.