Hải Dương - Hải Phòng hợp nhất, động lực mới cho sự phát triển
Việc Hải Dương và Hải Phòng hợp nhất không chỉ chỉ đánh dấu bước ngoặt về quy mô hành chính mà còn mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trước khi hợp nhập, vào năm 2024, Hải Phòng là một trong năm địa phương có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lớn nhất cả nước, đạt khoảng 446 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, Hải Dương đứng thứ 11 với GRDP đạt hơn 212 nghìn tỷ đồng. Về cơ cấu kinh tế, cả 2 địa phương đều có cơ cấu kinh tế tương đồng với tỷ lệ ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên 74%.
Sau khi hợp nhất, TP Hải Phòng mới sẽ có kinh tế GRDP tổng hợp xấp xỉ 658 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với nhiều địa phương khác và chỉ đứng sau TP.HCM và Hà Nội.

Trung tâm Hành chính - Chính trị thành phố Hải Phòng. Ảnh: Ngọc Sơn
TP Hải Phòng mới có diện tích 3.194,7 km2, quy mô dân số 4.664.124 người. Việc tổ chức lại bộ máy hành chính, quy hoạch không gian, hệ thống hạ tầng giúp tăng cường tính kết nối, cùng các chính sách hỗ trợ linh hoạt, đây sẽ là cơ sở để thành phố mới phát triển mạnh mẽ xứng tầm khu vực.
Hiện, Hải Dương có 18 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết khoảng 2.973 ha, gần 2.300 ha đất đã bàn giao cho chủ đầu tư. Lũy kế, tỉnh có 605 dự án FDI đang hoạt động đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 11,2 tỷ USD.
Trong khi đó, TP Hải Phòng đã thành lập 18 KCN với tổng diện tích khoảng 7.100 ha, trong đó có 11 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 4.410 ha. Tỷ lệ lấp đầy trung bình các KCN đã đi vào hoạt động hiện nay lên đến hơn 70%. Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải cũng đã lấy đầy với tỷ lệ đạt khoảng 80%. Còn KKT ven biển phía Nam Hải Phòng có diện tích khoảng 20.000 ha cũng sẽ sớm được khởi công trong năm 2025.
Năm 2024, Hải Phòng thu hút được 4,94 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 2 cả nước. Lũy kế đến hết quý I/2025, Hải Phòng có trên 1.250 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 33,14 tỷ USD đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ.
TP Hải Phòng là cửa ngõ xuất nhập khẩu chính phía Bắc với cụm cảng biển nước sâu lạch Huyện, cảng Hải phòng cùng hệ thống kho bãi, logistics quy mô quốc tế. Hiện nay, phần lớn hàng hóa sản xuất tại Hải Dương đều vận chuyển qua Hải Phòng để xuất khẩu và khoảng 80% nông sản của Hải Dương được lên kế hoạch xuất qua cảng Hải Phòng.

Việc Hải Dương và Hải Phòng hợp nhất đánh dấu bước ngoặt về quy mô hành chính, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đàm Thanh
Về hạ tầng giao thông, Hải Phòng và Hải Dương hiện có các tuyến đường kết nối như: quốc lộ 5, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng và nhiều tuyến quốc lộ như 37, 37B, 17.
Với chủ trương hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng, các tuyến giao thông kết nối sẽ tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, hai địa phương cũng sẽ duy trì các cơ chế đặc thù đã và đang thực hiện, đồng thời xem xét áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, gọn gọn hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn. Việc hài hòa các quy định, quy hoạch và thủ tục pháp lý giữa hai khu vực sẽ góp phần xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, ổn định.
Với các khu công nghiệp lớn trải dài cùng hệ thống cảng biển của Hải Phòng sẽ tạo thành một chuỗi giá trị gia tăng đồng bộ, có khả năng thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI từ các quốc gia phát triển. Đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ cao, logistic và chế biến.