VinFast chuyển hướng sang châu Á: Mở nhà máy tại Ấn Độ, Indonesia trong năm 2025
Tại phiên họp thường niên ngày 24-4 của Tập đoàn Vingroup - VIC, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng xác nhận chiến lược mở rộng của VinFast đã thay đổi đáng kể khi chuyển trọng tâm khỏi thị trường Mỹ - EU để tập trung vào khu vực châu Á.
VinFast sẽ xây dựng hai nhà máy mới tại Ấn Độ và Indonesia trong năm nay, trong bối cảnh các dự án tại Mỹ gặp nhiều trở ngại và nhu cầu tại thị trường trong nước đang tăng.

Ông Phạm Nhật Vượng trả lời cổ đông tại đại hội.
Theo ông Vượng, nhà máy tại Ấn Độ sẽ được khởi công cuối tháng 6 tại bang Tamil Nadu với mức đầu tư dự kiến ban đầu là 500 triệu USD trong vòng 5 năm, thuộc tổng cam kết đầu tư 2 tỷ USD. Công suất nhà máy này sẽ đạt 150.000 xe/năm. Nhà máy tại Indonesia, đã được khởi công từ tháng 7-2024, sẽ đi vào vận hành từ tháng 10 tới.
“VinFast sẽ tạm dừng kế hoạch mở rộng mạnh vào Mỹ, Canada và châu Âu do chi phí hậu cần cao. Nhà máy tại Bắc Carolina (Mỹ), trị giá 4 tỷ USD, cũng sẽ lùi thời gian vận hành đến năm 2028 vì cần chờ tín hiệu thị trường rõ ràng hơn”, ông Vượng chia sẻ.
Ông Vượng cho biết, trong giai đoạn tới, VinFast sẽ tập trung nguồn lực vào thị trường Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Philippines. Việc giảm sự hiện diện tại các thị trường phương Tây được xem là quyết định mang tính chiến lược trong bối cảnh dòng tiền còn hạn chế và thị trường phương Tây chưa thực sự "mở lòng" với các hãng xe điện mới nổi.
Tại Việt Nam, công ty đặt mục tiêu bán 200.000 xe điện trong năm 2025 – gần gấp đôi so với mức 97.000 xe bán ra năm ngoái. Nếu đạt con số này, VinFast sẽ chiếm khoảng 40% thị phần ô tô tại thị trường trong nước, đồng thời đạt điểm hòa vốn cho mảng kinh doanh xe điện trong nước, theo ông Vượng.
Dù chưa công bố chi tiết doanh số từng thị trường, hồ sơ công bố năm ngoái cho thấy doanh số nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu năm 2024.
Tính từ khi thành lập đến tháng 11-2024, VinFast đã nhận tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD từ công ty mẹ Vingroup, các công ty liên quan và chính ông Phạm Nhật Vượng.
Trước những hoài nghi của cổ đông về tính hiệu quả và triển vọng dài hạn của các dự án lớn như VinFast, ông Vượng thẳng thắn thừa nhận: "Có lúc sẽ giống như đi tàu – có sóng, có gió. Nhưng với người đi đường dài, chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng".
Không chỉ dừng ở xe điện, tại đại hội cổ đông, ông Phạm Nhật Vượng khẳng định Vingroup đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp toàn diện, trong đó năng lượng tái tạo và hạ tầng logistics sẽ đóng vai trò quan trọng.
Vingroup đã công bố kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện khí hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo với tổng công suất lên tới 25,5 GW – bao gồm một nhà máy LNG công suất 4,8 GW ở miền Bắc Việt Nam. Chủ tịch Vượng lý giải, việc đầu tư vào năng lượng là để "đảm bảo tính bền vững cho xe điện" – từ nguồn điện sạch cho đến giải pháp năng lượng độc lập.
Ngoài ra, ông Vượng tiết lộ tập đoàn đang chuẩn bị đăng ký đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, đường cao tốc và phát triển dịch vụ logistics.
Cũng trong đại hội, ông Vượng khẳng định sẽ đưa Vinpearl – mảng dịch vụ lưu trú của tập đoàn – niêm yết trong tháng 5 tới. Hoạt động kinh doanh của mảng này hiện đã có lãi.
Mục tiêu kinh doanh năm 2025 của toàn tập đoàn là doanh thu thuần hợp nhất đạt 300.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỉ đồng – tăng lần lượt 60% và 90% so với năm trước. Ông Vượng thừa nhận kế hoạch rất tham vọng, nhưng nhấn mạnh “Vingroup đã quen với việc làm điều khác thường”, cam kết tiếp tục sáng tạo, “cày ngày cày đêm”.
Trả lời một cổ đông về định hướng đầu tư trong thời gian tới, ông Vượng thẳng thắn: “Cái gì ngon thì tập đoàn đầu tư, cái gì xương thì tôi đầu tư”. Ông cũng tái khẳng định niềm tin vào cổ phiếu VIC như một “kênh tích sản dài hạn” và khuyến khích cổ đông gắn bó dài hạn để nhận về “giá trị xứng đáng”.
Vingroup từng là tập đoàn thuần về bất động sản và bán lẻ, nhưng đang tái cấu trúc mạnh để mở rộng sang công nghiệp, hạ tầng, năng lượng và công nghệ. Vốn hóa thị trường của tập đoàn hiện đạt khoảng 8,62 tỷ USD.