12 bang đệ đơn kiện ông Trump, nước Mỹ 'rối như tơ vò'
'Bão thuế quan' của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đẩy Mỹ vào vòng xoáy bất ổn, tác động sâu rộng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" (America First), đặt mục tiêu thu hẹp thâm hụt thương mại, đặc biệt với Trung Quốc, và phục hồi sản xuất trong nước. Công cụ được sử dụng triệt để chính là các biện pháp thuế quan – áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu.
Kể từ năm 2018, Mỹ liên tiếp áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc với lý do nước này "thao túng thương mại và đánh cắp tài sản trí tuệ". Trung Quốc lập tức đáp trả bằng các biện pháp tương tự. Cuộc chiến thương mại nhanh chóng leo thang thành chuỗi trả đũa, kéo dài suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, người chịu ảnh hưởng đầu tiên không phải là Trung Quốc, mà chính là các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, hơn 90% chi phí thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc cuối cùng được người tiêu dùng Mỹ "gánh" qua giá cả tăng cao. Điều này đã phần nào gây ra những bất ổn trong tình hình nước Mỹ.
12 bang đệ đơn kiện
Hôm 23/4, 12 bang của Mỹ, bao gồm Oregon, Arizona, Colorado, Connecticut, Delaware, Illinois, Maine, Minnesota, Nevada, New Mexico, New York và Vermont, đồng loạt đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ tại New York nhằm ngăn chặn chính sách thuế quan, cho rằng chính sách này là bất hợp pháp và đã gây ra hỗn loạn cho nền kinh tế Mỹ.
Đơn kiện cho rằng chính sách thuế quan do Tổng thống Trump ban hành dựa trên “ý chí thất thường của ông hơn là việc thực thi quyền lực hợp pháp một cách đúng đắn".

Chính sách thuế quan của ông Trump đang tác động tới chính bản thân nước Mỹ. (Ảnh: AP)
Đơn kiện phản bác tuyên bố trước đó của ông Trump về việc áp đặt thuế quan một cách tùy tiện dựa trên Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (International Emergency Economic Powers Act - IEEPA). Theo đó, các bang này yêu cầu tòa án tuyên bố các mức thuế quan này là bất hợp pháp, đồng thời ngăn cản các cơ quan chính phủ và viên chức của họ thi hành chính sách này.
Trong thông cáo báo chí, Tổng Chưởng lý bang Arizona Kris Mayes gọi kế hoạch thuế quan của Trump là “điên rồ”. Bà nói: “Đây không chỉ là một chính sách kinh tế liều lĩnh – mà còn là hành vi bất hợp pháp”.
Tổng Chưởng lý bang Connecticut William Tong nhận xét: “Chính sách thuế quan hỗn loạn và bất chấp pháp luật của Trump thực chất là một khoản thuế khổng lồ đánh vào các gia đình ở Connecticut và là thảm họa đối với doanh nghiệp cũng như việc làm tại bang".
Đơn kiện nhấn mạnh, chỉ Quốc hội Mỹ mới có quyền áp đặt thuế quan và Tổng thống chỉ có thể viện dẫn Đạo luật IEEPA trong trường hợp khẩn cấp thực sự mang tính “hiểm họa bất thường và nghiêm trọng” đến từ nước ngoài.
“Bằng cách tự cho mình quyền áp đặt hàng loạt mức thuế quan lớn, thay đổi liên tục đối với bất kỳ mặt hàng nào nhập khẩu vào Mỹ theo ý muốn và với bất kỳ lý do nào mà ông ta có thể viện dẫn là khẩn cấp, Tổng thống đã làm đảo lộn trật tự hiến pháp và gây ra hỗn loạn cho nền kinh tế Mỹ”, đơn kiện viết.
Phố Wall đối mặt “cơn bão kinh tế”
Ngay sau khi ông Trump công bố các mức thuế vào ngày 2/4, thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc. Điều này không gây bất ngờ, bởi cổ phiếu thường phản ứng ngay lập tức với những tin tức lớn — dù tốt hay xấu. Chỉ số Dow Jones đã phục hồi phần nào sau khi ông Trump tạm hoãn nhiều mức thuế, nhưng vẫn giảm hơn 7% so với thời điểm ông đưa ra thông báo ban đầu.
Tuy nhiên, thông thường khi có biến động lớn, nhà đầu tư sẽ đổ xô mua trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD. Và điều đó có lý.

Ông Trump công bố mức thuê quán mới vào hôm 2/4. (Ảnh: Reuters)
Trái phiếu Kho bạc Mỹ, thường được gọi là Treasuries, từ lâu được xem là một trong những tài sản an toàn nhất thế giới, do chính phủ Mỹ phát hành và bảo đảm, dựa trên sức mạnh kinh tế của nước Mỹ. Đồng USD là đồng tiền mạnh nhất toàn cầu, được sử dụng ở mọi nơi, từ mua xăng ở trạm gần nhà đến thanh toán các giao dịch kinh doanh quốc tế.
Việc tất cả các thị trường, từ cổ phiếu đến tiền tệ, cùng sụt giảm thường chỉ xảy ra ở các nền kinh tế mới nổi, như khi khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng vào cuối những năm 1990.
Điều đó hiếm khi xảy ra ở Mỹ, theo nhận định của nhiều chuyên gia theo dõi thị trường. Và đó chính là điều mà ngay cả những nhân vật thông minh nhất ở Phố Wall đang tranh luận.
Một cách lý giải là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cả trong và ngoài nước, đang điều chỉnh danh mục đầu tư của mình dựa trên tin tức về thuế quan khiến phần lớn thị trường tài chính bất ngờ.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng ông Trump chỉ đang sử dụng thuế như một chiến thuật đàm phán. Dù vậy, một thực tế cần phải nhìn nhận là các mức thuế mà ông áp đặt quá rộng và sâu, đến mức chúng có thể khởi động một trật tự kinh tế toàn cầu mới. Một số nhà phân tích so sánh với thời điểm Tổng thống Nixon tách đồng USD khỏi bản vị vàng, được gọi là “Cú sốc Nixon”.
Một vấn đề khác đặt ra khi cả ba thị trường (chứng khoán, trái phiếu, và tiền tệ) đều sụt giảm: Điều gì sẽ xảy ra nếu đợt bán tháo này chính là khoảnh khắc mà nước Mỹ đánh mất niềm tin của giới đầu tư toàn cầu và đồng nghĩa với việc trái phiếu và đồng USD không còn được xem là tài sản an toàn hàng đầu thế giới?
Xét cho cùng, chỉ trong chưa đầy 100 ngày, ông Trump đã khiến các nhà đầu tư bất an với hàng loạt hành động gây xáo trộn, như sa thải hàng loạt trong bộ máy liên bang, đề nghị mua lại Greenland, bày tỏ mong muốn “giành lại” kênh đào Panama, và nói rằng Canada nên trở thành bang thứ 51 của nước Mỹ, cùng nhiều phát ngôn gây tranh cãi khác.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. (Ảnh: CNN)
Chưa dừng lại ở đó, ông Trump còn công khai chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, thậm chí kêu gọi “sa thải” ông, một động thái khiến nhà đầu tư càng thêm lo lắng. Trong một động thái “hạ nhiệt căng thẳng” vào ngày 22/4, ông chủ Nhà Trắng rút lại đe dọa sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell. Ông nói với các phóng viên tại Phòng Bầu Dục: “Tôi không có ý định sa thải ông ấy”.
Phát biểu đó đã mang lại cảm giác nhẹ nhõm cho Phố Wall. Một ngày sau khi thị trường bùng nổ nhờ phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent rằng Trump sẽ tìm cách hạ nhiệt chiến tranh thương mại với Trung Quốc, thị trường Mỹ tiếp tục tăng điểm vào thứ Tư.
Theo các nguồn tin thân cận, nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền cũng cảm thấy nhẹ nhõm trước tuyên bố của Trump về Powell. Trước đó, họ đã tỏ ra lo lắng trước những phát ngôn gay gắt và ngần ngại về một cuộc chiến pháp lý kéo dài nếu Trump thực sự tìm cách phế truất Chủ tịch Fed.
Dù vậy, tất cả những yếu tố này đang tạo nên điều mà thị trường “ghét “nhất: Sự khó đoán định. Và Phố Wall đang lo ngại điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài dần đánh mất niềm tin vào nước Mỹ.